Thi thể bệnh nhân Covid-19 bị "bỏ rơi", quốc gia Đông Nam Á này xử lý ra sao?
Vì sự nhạy cảm liên quan tới Covid-19, một số thi thể bệnh nhân bị "bỏ rơi", theo một người làm trong nhà tang lễ.
Quan tài chứa thi thể bệnh nhân Covid-19 phải bịt kín và không được đính hoa như thông thường. Ảnh: Marielle Descalsota
Khi nói đến cái chết, một người kỳ cựu như Dennis Pedrozo, với 24 năm trong nghề bảo quản thi thể ở Singapore, đã chứng kiến mọi thứ. Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Các nghi thức, phong tục tang lễ không còn như trước.
Singapore nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới, nhưng số ca nhiễm bệnh và tử vong của nước này đã tăng đột biến trong tháng 10, liên quan tới các ổ dịch ở quán karaoke và cảng cá.
Theo SCMP, 14 tháng kể từ khi Singapore phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngày 23/1/2020, nước này ghi nhận 30 ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, biến thể Delta đã khiến số lượng ca nhiễm tử vong tăng đột biến. Trong 7 tháng (từ 1/4 đến 1/11), Singapore có 391 ca tử vong vì Covid-19. Theo số liệu từ Bộ Y tế Singapore, tính tới ngày 23/11, nước này ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm, trong đó có 667 ca tử vong.
Khi các nhà tang lễ phải đối phó với số lượng thi thể tăng nhanh, Pedrozo phải mua sắm các bộ đồ bảo vệ cá nhân (PPE) để đảm bảo an toàn trong quá trình đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 từ bệnh viện tới lò hỏa táng.
Nhân viên tang lễ phải mặc đồ bảo hộ khi xử lý các quan tài chứa thi thể của bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Marielle Descalsota
Pedrozo làm việc tại Singapore Casket - một là tang lễ lớn nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Jeffrey Lee, quản lý của Singapore Casket, cho biết, trước khi Covid-19 xuất hiện, nhà tang lễ này xử lý trung bình khoảng 140 - 150 tử thi một tháng. Trong tháng 10 năm nay, Singapore Casket đã phải xử lý 190 thi thể.
Các nhà tang lễ không được phép bảo quản thi thể bệnh nhân Covid-19, vì vậy các thi thể được bọc trong túi kín và khử trùng.
Khi nhân viên tang lễ tới thu thập thi thể bệnh nhân Covid-19, họ không nhìn thấy hoặc chạm trực tiếp vào thi thể. Thi thể được đặt trong quan tài bịt kín bằng silicon để ngăn virus thoát ra, vấy bẩn xe chở quan tài.
Bên trong một quan tài dùng để chứa thi thể bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Marielle Descalsota
Nếu lễ viếng được tổ chức, các thành viên trong gia đình phải xác định danh tính của người đã khuất thông qua thẻ tên gắn trên quan tài. Chỉ những quan tài đóng kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thì gia đình mới được phép tổ chức lễ viếng.
Vì sự nhạy cảm liên quan tới Covid-19, một số thi thể bệnh nhân bị "bỏ rơi", ông Lee nói.
"Một số gia đình cho phép chúng tôi nhận thi thể mà không cần sự hiện diện của họ. Thậm chí, với các nghi thức cuối cùng tại lò hỏa thiêu, họ cũng không tới", vị quản lý của Singapore Casket cho hay.
"Một số người sợ nhiễm Covid-19 nên yêu cầu hỏa táng thi thể người thân của họ ngay lập tức mà không cần lễ viếng", ông Pedrozo chia sẻ.
Singapore Casket không tính phí dịch vụ tang lễ với các thi thể bệnh nhân Covid-19. Hầu hết thi thể được hỏa táng sau lễ viếng (kéo dài 3 ngày).
Khi không có thành viên gia đình nào có mặt trong đám tang của một bệnh nhân Covid-19 qua đời, các nhà sư thường tình nguyện thực hiện các nghi lễ cho người đã khuất.
Nhà sư Shi Ming Qing làm các nghi thức tang lễ cho người quá cố là bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Marielle Descalsota
Nhà sư Shi Ming Qing là người thường xuyên tình nguyện thực hiện các nghi lễ cho người quá cố. Nhà sư 52 tuổi lớn lên trong một gia đình có truyền thống tình nguyện thực hiện các nghi thức cho người đã khuất.
"Cuộc sống dạy tôi lòng biết ơn. Tôi trả ơn cho thế giới bằng cách giúp đỡ những người gặp khó khăn, nhất là người kém may mắn, người nghèo và người không có gia đình, thân thích", nhà sư Shi cho hay.
Trong khi hầu hết đám tang có nhạc và các thành viên trong gia đình, không ai xuất hiện tại đám tang bệnh nhân Covid-19 87 tuổi hôm 30/10, ngoại trừ nhà sư Shi và 2 nhân viên tang lễ. Chính phủ Singapore cho phép tập trung tối đa 30 người trong lễ viếng, lúc chôn cất hoặc hỏa thiêu.
Sau các nghi thức cuối cùng, quan tài được các nhân viên lò hỏa táng, những người mặc đồ bảo hộ kín mít, đưa vào buồng hỏa táng. Quá trình hỏa táng mất khoảng 4-5 tiếng.
Ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia là nước phong toả muộn nhất nhưng lại mở cửa với thế giới sớm nhất. "Bí kíp"...
Nguồn: [Link nguồn]