Thêm sóng thần không thể báo trước ập vào Indonesia bất cứ lúc nào?
Các chuyên gia cảnh báo sóng thần có thể ập vào Indonesia bất kỳ lúc nào, sau khi hơn 200 người chết do sóng thần xảy ra vào tối ngày 22.12.
Núi lửa phun trào là một trong những nguyên nhân gây sóng thần ở Indonesia.
“Người dân Indonesia ở khu vực eo biển Sunda cần sẵn sàng cho khả năng có thêm sóng thần ập đến bất cứ lúc nào bởi núi lửa Anak Krakatoa đang vào giai đoạn hoạt động, gây sạt lở ngầm dưới biển”, chuyên gia Richard Teeuw đến từ Đại học Portsmouth, Anh, nói trên SCMP.
Chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff đến từ Đại học Nam Paris cũng đồng tình: “Chúng ta phải cảnh giác vì ngọn núi lửa này đang trở nên không ổn định”.
Teeuw nói cần phải phác họa bản đồ đáy biển ở xung quanh khu vực núi lửa, nhưng “đáng tiếc là các hoạt động cần đến tàu ngầm như vậy phải mất nhiều tháng chuẩn bị”.
“Nhưng dù sao sóng thần khủng khiếp do núi lửa gây ra rất hiếm khi xảy ra, một trong những lần tồi tệ nhất chính là núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883”, Teeuw nói thêm.
Trận sóng thần xảy ra đêm 22.12 đã khiến hơn 200 người chết.
Vụ phun trào năm 1883 khiến ít nhất 36.000 người chết. Núi lửa đã hoạt động mạnh trở lại từ hồi tháng 6. Sở dĩ núi lửa Anak Krakatoa trở nên nguy hiểm là vì nó nằm ở eo biển Sunda, giữa hòn đảo Java và Sumatra, là những nơi có đông dân cư sinh sống.
“Sóng thần dù nhỏ nhưng vẫn có thể gây thảm họa cho cộng đồng dân cư ven biển, vì không biết lúc nào có sóng thần để cảnh báo”, Teeuw nói.
“Chúng tôi rất bất ngờ với những gì xảy ra”, Bardintzeff nói về sóng thần ập vào Indonesia tối ngày 22.12. “Khoảng thời gian núi lửa phun trào cho đến khi có sóng thần chỉ cách vài chục phút, không kịp xác minh để cảnh báo người dân”.
“Các thiết bị cảnh báo sóng thần thường chỉ phát hiện dấu hiệu động đất. Ngay cả khi có cảm biến gần Anak Krakatoa thì cũng rất khó cảnh báo kịp vì sóng thần ập vào rất nhanh”.
Đoạn video đăng tải trên internet quay cảnh sóng thần ập vào Indonesia trong khi đám đông người đứng xem ca nhạc ngoài trời.