Thêm hy vọng với vắc-xin Covid-19
Mỹ ngày càng tự tin về khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 trong vài tháng tới, bất chấp mối đe dọa từ các biến thể của virus
Số ca nhiễm mới trên khắp nước Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 tháng qua, tiếp thêm hy vọng về việc vắc-xin không chỉ ngăn chặn những ca nhiễm nặng mà còn làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky, hôm 21-5 là lần đầu tiên kể từ ngày 18-6-2020 quốc gia của bà ghi nhận mức tăng trung bình dưới 30.000 ca nhiễm/ngày liên tục trong 7 ngày. Số người thiệt mạng sau 7 ngày gần nhất cũng giảm còn 552 người - thấp chưa từng thấy kể từ tháng 7-2020. "Mỗi tuần trôi qua, chúng tôi lại thấy tiến triển. Những dữ liệu này cho tôi hy vọng" - bà Walensky nhấn mạnh trong bối cảnh phần lớn nước Mỹ đã trở lại trạng thái bình thường.
Giới chuyên gia y tế khẳng định vắc-xin là một trong những yếu tố then chốt giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới xoay chuyển tình hình. Ở nhóm dân số trên 18 tuổi tại Mỹ, tỉ lệ được tiêm ít nhất 1 liều và được tiêm đầy đủ lần lượt là hơn 60% và gần 50%, theo số liệu của CDC. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày càng tự tin về khả năng kiểm soát đại dịch trong vài tháng tới, bất chấp mối đe dọa đến từ các biến thể của virus.
Người dân vui vẻ ăn uống ngoài trời ở TP Portland, bang Oregon - Mỹ hôm 22-5 Ảnh: REUTERS
Niềm tin trên càng được củng cố khi theo nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), vắc-xin của Công ty AstraZeneca (Anh) cũng như của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hiệu quả với cả biến thể kép B.1.617.2 ở Ấn Độ lẫn biến thể B117 ở Anh. Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 liều tiêm của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca cho hiệu quả lần lượt đến 88% hoặc 60% đối với B.1.617.2. Tỉ lệ này đối với B117 lần lượt là 93% hoặc 66%.
Trong khi đó, Công ty Samsung Biologics (Hàn Quốc) ngày 22-5 thông báo đã ký thỏa thuận sản xuất vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna và Công ty Novavax (đều của Mỹ) tại Hàn Quốc nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng ít nhất 70% dân số đến tháng 9 nhưng hiện mới tiêm được chưa đến 10%. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đặt mua tổng cộng 190 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, Pfizer - BioNTech, Novavax, Moderna và Johnson & Johnson (Mỹ). Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt chia sẻ với báo The Sun-Herald rằng quốc gia của ông sẽ nhận được 4,5 triệu liều vắc-xin Pfizer - BioNTech đến cuối tháng 6, trước khi được bàn giao thêm 7 triệu liều trong 6 tháng còn lại. Theo Hiệp hội Y khoa Úc (AMA), điều này đồng nghĩa Úc sẽ có đủ vắc-xin Pfizer - BioNTech cho toàn bộ công dân đến cuối năm 2021.
Nhằm đẩy nhanh mục tiêu chấm dứt đại dịch, lãnh đạo các nước G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) đã ra một cam kết mạnh mẽ liên quan đến chia sẻ vắc-xin. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 về sức khỏe toàn cầu ở Rome (Ý) vào tuần rồi, các hãng dược như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết cung cấp 3,5 tỉ liều vắc-xin với giá gốc hoặc có chiết khấu cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Cũng trong sự kiện này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen giới thiệu sáng kiến Team Europe - do khối Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn nhằm sản xuất và cung cấp vắc-xin, thuốc cũng như công nghệ y tế cho châu Phi, nơi chỉ mới 2% dân số được tiêm phòng Covid-19. Team Europe đã cam kết viện trợ 100 triệu liều vắc-xin đến cuối năm nay và Chủ tịch Ursula von der Leyen nhấn mạnh cam kết của khối cũng như của các hãng dược sẽ được thực thi.
Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, cuộc chiến chống dịch tại các nước có thu nhập trung bình và thấp vẫn khốc liệt, một phần vì thiếu nguồn cung vắc-xin. Giới chức Thái Lan ngày 23-5 tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới sau khi phát hiện 3 ca nhiễm nội địa liên quan đến nhập cảnh trái phép và biến thể B.1.351, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Cùng ngày, Indonesia thông báo ổ dịch mới gồm 42 ca lây nhiễm liên quan đến nhân viên y tế chăm sóc nhóm thủy thủ đoàn Philippines mắc Covid-19.
Một nhóm nhà khoa học Úc đã đồng phát triển một loại thuốc kháng virus có thể tiêu diệt hiệu quả virus SARS-CoV-2 và được...
Nguồn: [Link nguồn]