Thêm 3 quốc gia xin gia nhập nhóm có Nga và Trung Quốc
Sau Iran và Argentina, có thêm 3 quốc gia khác xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có xu hướng mở rộng thành viên. Ảnh minh họa: GFM
Chủ tịch Diễn đàn quốc tế BRICS Purnima Anand cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ả rập Saudi có thể "sớm" gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi, hãng Sputnik hôm 14/7 dẫn thông tin từ tờ Izvestia (Nga) cho hay.
Bà Anand cho biết Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã thảo luận về việc này tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14, diễn ra trực tuyến trong 2 ngày 23 và 24/6.
"Các quốc gia này đều bày tỏ mong muốn gia nhập và chuẩn bị đăng ký trở thành thành viên của BRICS. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt đẹp vì sự mở rộng của một tổ chức luôn được nhìn nhận theo hướng tích cực. Điều này cũng sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của BRICS với thế giới. Tôi tin rằng 3 nước bày tỏ nguyện vọng gia nhập sẽ sớm được gia nhập BRICS vì các thành viên nòng cốt của nhóm đều quan tâm tới việc mở rộng", bà Anand nói.
Chủ tịch Diễn đàn quốc tế BRICS nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ả rập Saudi "đã bắt đầu quá trình chuẩn bị để gia nhập". Tuy nhiên, bà Anand cho biết, việc gia nhập nhóm của 3 nước này sẽ không diễn ra cùng lúc.
Trước đó, ông Li Kexin - người đứng đầu Vụ Kinh tế Quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã nhắc đến khả năng mở rộng của BRICS.
"Có một số quốc gia như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi, Ai Cập và Argentina đang ở trước ngưỡng cửa của nhóm", ông Li nói tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Bắc Kinh hồi tháng 6.
Vị quan chức Trung Quốc cho biết thêm, các nước BRICS đồng thuận rằng nhóm cần mở cửa đón các thành viên mới nhưng vẫn giữ được tôn chỉ ban đầu.
"Tôi tin rằng các nước trong nhóm đều hiểu về sự cần thiết phải mở rộng và có các gương mặt mới", ông Li nhấn mạnh.
Hôm 27/6, Iran và Argentina đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Dù BRICS không phải là một khối hiệp ước, nhưng nó có một “cơ chế rất sáng tạo với các khía cạnh rộng lớn”, hãng thông tấn Tasnim (Iran) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho hay.
Tờ Global Times (Trung Quốc) gần đây dẫn lời ông Sabino Vaca Narvaja, đại sứ Argentina tại Trung Quốc, cho biết: "Cơ chế hợp tác của BRICS có ý nghĩa to lớn với việc xây dựng một thế giới mới, đa cực và cân bằng".
"Chúng tôi rất quan tâm đến việc gia nhập BRICS vì đây là cơ chế hợp tác có toàn bộ thành viên là các nền kinh tế mới nổi. Không có sự ràng buộc nào và tất cả hợp tác là vì lợi ích chung", ông Narvaja nói.
Vào cuối tháng 6, các nước BRICS đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Các nước thành viên đã đồng ý thực hiện các biện pháp chung để tăng cường và cải cách việc quản trị toàn cầu, cũng như bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Trung Quốc hiện là chủ tịch luân phiên của BRICS. Năm tới, giữ vị trí này là Nam Phi.
Ngoài đại diện các nước thành viên của BRICS, Trung Quốc còn mời lãnh đạo của 13 quốc gia đang phát triển khác tới tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu có thể mở rộng thành viên để trở thành đối trọng với G7 – nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới...