Thế lưỡng nan của Trung Quốc khi đối đầu với Ấn Độ
Trung Quốc đánh giá thấp tiềm lực của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh ở châu Á và có thể đánh giá này sẽ khiến nước này phải trả giá trong cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ.
Binh sĩ Ấn Độ ở biên giới vùng Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: NI
Hiện cục diện chính trường quốc tế, nhất là cục diện châu Á, đang bị thế đối đầu Mỹ - Trung chi phối mạnh mẽ. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng vì Bắc Kinh dường như bị cuốn quá sâu vào nỗ lực cạnh tranh với Washington mà đánh giá thấp sự trỗi dậy của Ấn Độ vốn cũng đang bắt đầu tỏa nhiệt.
Lịch sử căng thẳng hai bên
Theo chuyên gia Pang Zhongying thuộc ĐH Hải Dương (TQ), Ấn Độ trong 20 năm trở lại đây đã có bước chuyển mình toàn diện từ cường quốc Nam Á tầm trung lên một cường quốc có sức ảnh hưởng toàn khu vực châu Á. Do đó, xử lý vấn đề Ấn Độ luôn là mục tiêu giới chức Bắc Kinh đặt lên hàng đầu khi hoạch định chính sách cho khu vực.
Mặt khác, Bắc Kinh nhiều năm qua trên thực tế luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với New Delhi, thậm chí còn muốn nâng cấp quan hệ này lên tầm chiến lược để có thêm chỗ dựa ở châu Á - Thái Bình Dương trong thế cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực này đến nay không thành công vì hai lý do chính.
Đầu tiên, hai nước có một lịch sử phức tạp với nhiều lần chạm trán và nổ ra xung đột quân sự về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới khiến hai nước này không có niềm tin lẫn nhau. Dù các đời lãnh đạo Ấn Độ và TQ đã nhiều lần hội đàm và ký năm thỏa thuận để kiến tạo nền tảng giải quyết vấn đề lãnh thổ, các đợt đụng độ giữa binh lính hai nước vẫn diễn ra thường xuyên với mức độ bạo lực tăng dần.
Vào tháng 8-2017, quan hệ Ấn - Trung từng bị đặt lên bàn cân trong sự kiện quân đội hai nước đối đầu 73 ngày ở khu vực cao nguyên Doklam đang tranh chấp do TQ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây.
Thời điểm đó, khả năng nổ ra chiến tranh dường như không thể tránh khỏi khi cả New Delhi và Bắc Kinh đều không có dấu hiệu nhượng bộ, điều một lực lượng lớn binh sĩ cùng khí tài quân sự nhằm gây sức ép buộc bên còn lại rút quân trước. Rất may mắn là sau đó đại diện ngoại giao Ấn - Trung đã đạt được đồng thuận và hai bên giải tán lực lượng quân sự trong hòa bình.
Đến tháng 6-2020, quan hệ hai nước lại tiếp tục rơi vào căng thẳng sau khi binh sĩ Ấn Độ, TQ ẩu đả nhau ở biên giới vùng Ladakh cũng đang tranh chấp khiến hàng chục người mỗi bên thiệt mạng. Hiện tiến trình hòa giải vẫn đang diễn ra nhưng quân đội hai nước đã bắt đầu điều lực lượng ra khỏi Ladakh, tương tự vụ ở Doklam.
South China Morning Post hồi tháng 6 dẫn nhiều nguồn tin nội bộ tuyên bố Bắc Kinh trước thời điểm ẩu đả đã tăng thêm quân ở biên giới. Binh sĩ nước này khi giao chiến cũng mang theo nhiều vũ khí cận chiến trong khi lính Ấn Độ bị đánh bất ngờ, chỉ dùng gạch đá xung quanh.
Tính toán của Trung Quốc
Theo học giả Yun Sun thuộc tổ chức nghiên cứu quốc tế Stimson Centre (Mỹ), hai sự kiện nói trên cho thấy TQ chỉ xem Ấn Độ là một cường quốc hạng hai dù biết rõ nước này là một cường quốc đang trỗi dậy. Điều này cũng dẫn đến nguyên nhân thứ hai khiến nỗ lực nâng tầm quan hệ với New Delhi của Bắc kinh không thành công, đó là Bắc Kinh đánh giá Ấn Độ không ngang hàng với mình nên sẽ không gây đe dọa tham vọng của nước này bằng Mỹ, ông Yun nhận xét.
Do đó, TQ, dù vẫn ưu tiên xây dựng quan hệ với Ấn Độ, sẽ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ này nếu nó gây bất lợi cho Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể cũng sẽ giữ nguyên hiện trạng tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ như một con bài kiểm soát New Delhi bên cạnh ngầm hỗ trợ cho các nước như Pakistan, vốn có hiềm khích với Ấn Độ, để thay TQ gây sức ép cho New Delhi.
Trật tự châu Á mới trong mắt của Bắc Kinh là nơi mà TQ sẽ là nước đứng đầu lãnh đạo tất cả, không ai được phép cao hơn họ. Ông YUN SUN, Tổ chức nghiên cứu quốc tế Stimson Centre (Mỹ) |
Có thể là tính toán sai lầm
Dù vậy, chuyên gia Yun Sun đánh giá chiến lược nói trên của Bắc Kinh chỉ đạt được mục tiêu trong ngắn hạn là cản trở tạm thời con đường phát triển của Ấn Độ mà không tính đến thiệt hại dài hạn là sẽ đẩy New Delhi về phía Mỹ và hệ thống đồng minh, đối tác của Washington. Đơn cử, hải quân Ấn Độ và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản hồi tuần trước đã tiến hành cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương.
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á của ĐH Phúc Đán (TQ) Lin Minwang nhận xét mối quan hệ của Ấn Độ và Mỹ đang dần phát triển thành một mối liên minh. Trong những năm gần đây, New Delhi đã ký kết một số thỏa thuận có ý nghĩa quân sự quan trọng với Washington.
Những thỏa thuận này bao gồm bản ghi nhớ trao đổi hậu cần để cho phép hai nước sử dụng căn cứ mặt đất, không quân và hải quân của nhau cho việc sửa chữa và tiếp tế; thỏa thuận trao đổi bảo mật và truyền thông nhằm mở đường cho việc mua bán các thiết bị quân sự của Mỹ; thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự chung giúp hai bên chia sẻ các thông tin mật.
Đồng quan điểm, chuyên gia quân sự người TQ Li Jie cũng cho rằng việc hải quân Ấn Độ tham gia tập trận với Nhật Bản là một trong nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. “Hải quân Ấn Độ không thể cạnh tranh đơn lẻ với hải quân TQ. Việc liên minh với Nhật Bản hoặc Mỹ sẽ giúp New Delhi có nhiều lợi thế hơn” - chuyên gia Li Jie nhận định.
Ấn Độ tố Trung Quốc, Pakistan phối hợp gây căng thẳng biên giới Hãng tin India Today mới đây dẫn các nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định Pakistan di chuyển gần 20.000 binh sĩ tới hai vùng Gilgit-Baltistan và Kashmir, giáp biên giới Ấn Độ, để phối hợp triển khai với lực lượng TQ. Theo hãng tin này, Pakistan đang chờ thời cơ để mở cuộc tấn công hai mặt trận vào Ấn Độ. India Today cũng tuyên bố rằng tình báo quân sự Pakistan (ISI) và quân đội đã bắt đầu “triển khai những kẻ khủng bố cứng đầu”, thậm chí lên kế hoạch các chiến dịch chống lại binh sĩ Ấn Độ. Ngoài ra, Pakistan cũng có thể tổ chức phá hoại nội bộ với gần 100 chiến binh được Pakistan hậu thuẫn bên trong lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir. India Today cho hay quan chức quân đội, tình báo Ấn Độ đang họp liên tục để thảo luận về các mối đe dọa nói trên. |
Không chỉ miền nam mà ngay cả miền bắc Trung Quốc, nơi nhiều năm không ghi nhận lũ lụt lớn, cũng phải hứng chịu mưa lớn...
Nguồn: [Link nguồn]