Thế lưỡng nan của Trung Quốc
Trung Quốc gây sức ép đòi Canada thả một phó chủ tịch tập đoàn Huawei, đe dọa “hậu quả thảm khốc” nếu Ottawa không đáp ứng. Trong khi đó, một cựu cố vấn của thủ tướng Canada Justin Trudeau nói các biện pháp này không có tác dụng.
Hình ảnh bà Mạnh Vãn Châu tại tòa án Canada được vẽ lại ảnh: Toronto Star
Trong những ngày cuối tuần, Trung Quốc gia tăng sức ép, đòi Canada thả Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei mới bị bắt với lời đe dọa “hậu quả thảm khốc” (nếu không thả người), biến vụ việc trở thành một trong những tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất giữa Bắc Kinh và Ottawa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành triệu tập đại sứ Canada John McCallum để truyền đạt “phản đối mạnh mẽ” vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch Huawei và thúc giục Canada thả người ngay lập tức. Bà Mạnh bị bắt tại một sân bay ở Canada theo yêu cầu bắt giữ của Mỹ và đang đối diện với khả năng dẫn độ về Mỹ. Một tòa án Canada sẽ quyết định vấn đề này hôm nay. Phía Mỹ cho rằng bà vi phạm lệnh cấm của Mỹ, che giấu mối liên hệ của Huawei với một công ty đã cố tìm cách bán thiết bị cho Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
Sáng Chủ nhật, Tân Hoa Xã đăng một bài xã luận lên án vụ bắt người là “cực kỳ xấu xí”, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc-Canada.
Vụ việc lần gần đây nhất mà Bắc Kinh đã mô tả “hành vi của Canada gây tổn thương người Trung Quốc” diễn ra vào năm 2007, khi thủ tướng Canada lúc đó là Stephen Harper đón Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng không được chính phủ Trung Quốc công nhận.
Tờ Nhân dân nhật báo cũng xuất bản một bài xã luận với những từ ngữ lên án mạnh mẽ giới chức Canada trong vụ bắt người.
Theo nhận định của báo Hong Kong SCMP, việc cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cả Tân Hoa Xã và Nhân dân nhật báo đồng thanh lên án Ottawa là một bước đi hiếm thấy, phản ánh một thực tế là Trung Quốc coi vụ việc này là rất nghiêm trọng và quyết tâm giải cứu bà Mạnh của chính quyền.
Các nhà quan sát nói dù Trung Quốc không cụ thể sẽ làm gì, nhưng những ngôn từ nặng nề trong các tuyên bố cho thấy họ đã có kế hoạch trả đũa.
Ví dụ, Trung Quốc có thể đóng băng các trao đổi ngoại giao, thương mại nếu bà Mạnh, 46 tuổi, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị dẫn độ qua Mỹ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ chọn cách nào, trả đũa thật mạnh mẽ hay chỉ mạnh trên ngôn từ?
Thạch Ân Hồng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân, cố vấn của chính phủ nói vụ bà Mạnh đưa Trung Quốc vào thế, một mặt phải thể hiện họ có thể bảo vệ các doanh nhân khi ở nước ngoài mà không cần phải dọa nạt các nước công nghiệp phát triển khác, một mặt lại phải đáp trả mạnh mẽ đối với Canada.
“Trung Quốc lo ngại rằng trong tương lai nhiều nhân vật quan trọng của mình khi ra nước ngoài sẽ bị xem là mối đe dọa và sự an toàn của những người này sẽ trở thành vấn đề. Trong khi đó, giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc không muốn quan hệ với các nước công nghiệp phát triển khác cũng trở nên căng thẳng”, học giả Thạch nói với SCMP.“Nếu Trung Quốc trả đũa Canada mạnh mẽ, sẽ gây tổn hại quan hệ song phương. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan và rất khó dự đoán các bước đi tiếp theo”.
Bình luận về các động thái của Trung Quốc, một cựu cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau sức ép từ Trung Quốc đối với chính phủ Canada sẽ không có tác dụng, theo AP. Trên Twitter, giáo sư Roland Paris viết: “Có lẽ bởi vì sự khác biệt thể chế, Bắc Kinh đôi khi sẽ khó mà hiểu hay tin rằng các tòa án (ở Canada) hoạt động độc lập. Gây sức ép với chính phủ Canada là vô căn cứ. Các thẩm phán mới có quyền quyết định”.
Theo quy trình, các công tố viên Mỹ khi cần sẽ đề nghị các đối tác nước ngoài bắt ai đó và giao nộp cho họ thông qua Văn phòng Quốc tế vụ (OIA) của Bộ Tư pháp Mỹ. Canada là một trong hơn 100 nước Mỹ ký hiệp định dẫn độ và do vậy buộc phải thi hành đề nghị của OIA. |
Hôm 9-12, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad để phản đối vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài...