Thế lưỡng nan của Mỹ trong việc tấn công các lực lượng thân Iran ở Trung Đông

Chính quyền ông Biden cần phải chứng minh rằng Mỹ đang cứng rắn với Iran và lực lượng thân Iran nhưng không kéo Washington vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.

Trang Business Insider dẫn ý kiến chuyên gia rằng sự an toàn của hơn 3.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Iraq và Syria đang bị đe dọa với sự gia tăng các cuộc tấn công của các lực lượng thân Iran ở Trung Đông thời gian gần đây.

Không những vậy, hành động của các lực lượng thân Iran cũng đặt Mỹ vào tình thế lưỡng nan: Phản công quá mạnh có thể châm ngòi một cuộc chiến rộng hơn, hoặc đáp trả quá yếu sẽ tác động tới chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lực lượng Mỹ ở Trung Đông liên tiếp bị tấn công

Các cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục bất chấp cảnh báo của Washington và sự trả đũa quân sự của nước này nhắm vào các mục tiêu của các lực lượng thân Iran ở Iraq và Syria.

Theo một thống kê, kể từ ngày 4 đến ngày 23-1, quân đội Mỹ đã bị tấn công ít nhất 18 lần ở Syria và 10 lần ở Iraq. Ngày 20-1, 10 quả rocket và 7 tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã nhắm vào căn cứ không quân Al-Asad của Mỹ ở miền tây Iraq. Đây được coi là cuộc tấn công lớn nhất vào căn cứ Mỹ ở Trung Đông. Mặc dù quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống tên lửa Patriot đánh chặn nhiều quả nhưng ít nhất 2 quả rơi xuống căn cứ. Bốn nhân viên Mỹ bị thương nặng trong cuộc tấn công đó.

Để đáp trả những đợt tấn công trên, quân đội Mỹ hôm 4-1 ám sát một thủ lĩnh của nhóm dân quân Harakat al-Nujaba do Iran hậu thuẫn ở thủ đô Baghdad (Iraq).

Theo một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, quân đội Mỹ vào ngày 23-1 đã tiếp tục đáp trả bằng cách nhắm mục tiêu vào “trụ sở, kho chứa và địa điểm huấn luyện của lực lượng dân quân về rocket, tên lửa và máy bay không người lái (UAV)” ở Iraq.

Ông Ryan Bohl - nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tình báo rủi ro RANE (Mỹ) cho biết Mỹ chọn tấn công các mục tiêu của lực lượng dân quân Iraq hơn là nhắm thẳng vào Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vì lo ngại leo thang với Iran, ít nhất là trong trường hợp ở Iraq.

Còn ở Syria, quân đội Mỹ nhắm mục tiêu vào các cơ sở mà Washington cho là được IRGC và các nhóm liên kết sử dụng. Tại Syria, Mỹ thể hiện sự sẵn sàng tấn công các địa điểm liên quan IRGC, nhưng tất cả những điều đó được thiết kế để đáp trả tương ứng với những hành vi quấy rối đối với quân đội Mỹ, theo ông Bohl.

Ở Yemen, nhóm vũ trang Houthis được Iran hậu thuẫn đã thực hiện khoảng 30 vụ tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Ban đầu, Mỹ ở thế phòng thủ, bắn hạ tên lửa và UAV của lực lượng Houthis, và thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia vào tháng 12-2023 để giữ cho các tuyến đường vận chuyển được thông suốt.

Tuy nhiên, khi các cuộc tấn công vào tàu vận tải tiếp tục diễn ra, từ tháng 1 năm nay Mỹ và Anh đã không kích liên tục vào các vị trí và mục tiêu vũ khí của Houthis bên trong lãnh thổ Yemen. Trong đợt tấn công lần thứ 8 vào Houthis hôm 22-1, Mỹ và Anh nhắm vào 1 địa điểm lưu trữ dưới lòng đất và các địa điểm liên quan đến hoạt động giám sát trên không và tên lửa của Houthis.

Theo tờ The New York Times, đợt tấn công nói trên "lớn hơn và rộng hơn" so với 7 đợt tấn công trước đó, báo hiệu Mỹ có ý định tiến hành chiến dịch lâu dài chống lại nhóm Houthis.

Thế khó của Mỹ

Với việc mở ra mặt trận mới này, chuyên gia Bohl cho rằng nhiều khả năng Washington sẽ tập trung vào việc "làm suy giảm khả năng của lực lượng Houthis, trong khi tránh đối đầu trực tiếp với Iran".

Trong một tuyên bố hôm 23-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ không muốn “leo thang xung đột trong khu vực” và kêu gọi các lực lượng thân Iran ngừng các cuộc tấn công.

Khoảng 900 lính Mỹ ở Syria kể từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Khoảng 900 lính Mỹ ở Syria kể từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Chuyên gia Nicholas Heras - Giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines (Mỹ - nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ) cho rằng tình thế khó khăn trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông là vì năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ.

“Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng đồng thời chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng họ cứng rắn với Iran nhưng không kéo Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông” - ông Heras nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Heras cho rằng trong năm 2024 này lực lượng Mỹ rất có thể sẽ buộc phải tham gia nhiều chiến dịch quân sự trên khắp Trung Đông vì áp lực ngày càng tăng từ Iran và các lực lượng thân Iran.

“Iran đã phát triển một chiến lược hết sức cẩn thận nhằm gây áp lực lên Mỹ và Israel từ nhiều hướng, bằng chứng là việc mở rộng xung đột ở Gaza sang Yemen và chiến dịch đang diễn ra do Iran hậu thuẫn chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria” - ông Heras nói.

Theo ông Heras, Tổng thống Biden đã cho thấy sự "cam kết cá nhân" của ông trong việc hỗ trợ Israel chống lại phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine). Trong khi đó, ông Biden cũng tìm cách “răn đe Iran và các lực lượng thân Iran để ngăn họ phá hoại hoạt động của Israel ở Gaza bằng cách mở ra các mặt trận khác trong khu vực".

Mỹ hiện có 2.500 quân ở Iraq và 900 ở Syria. Chuyên gia Bohl cho rằng Mỹ sẽ không thay đổi đáng kể việc triển khai quân hiện tại trong khu vực vào thời gian tới, trừ khi có sự leo thang lớn giữa Israel và Iran hoặc Israel và Hezbollah.

Đồng quan điểm, ông Heras cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Iraq và Syria, ngay cả khi ngày càng nhiều các cuộc tấn công từ các lực lượng thân Iran nhằm vào quân đội Mỹ. Theo ông Heras, việc rút lực lượng “sẽ được coi là hành động đầu hàng của Mỹ đối với Iran vào thời điểm Israel đang tiến hành cuộc tấn công ở Gaza".

Thế nhưng ông Heras cho rằng việc duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Trung Đông cũng kéo theo nhiều nguy hiểm.

“Có một rủi ro lớn trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với cuộc chiến ở Gaza và cuộc xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông sẽ dẫn đến một vũng lầy cho người Mỹ trong khu vực” - chuyên gia đến từ viện New Lines nhận định.

Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã bày tỏ quan điểm sau vụ căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN