Thế khó của Tổng thống Ukraine
Theo đó, ông Volodymyr Zelensky đang phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Ở trong nước, quân đội Ukraine đang ngày càng mệt mỏi vì giao tranh và thiếu quân tiếp viện trong khi một số người dân Ukraine muốn lực lượng vũ trang tiếp tục chiến đấu, nhưng họ lại không muốn ra tiền tuyến. Về đối ngoại, phương Tây đang “treo” tư cách thành viên trong các khối chính trị (EU) và quân sự (NATO), vẫn cung cấp vũ khí nhưng không đủ để Kiev có bước đột phá.
Nhiệm vụ khó khăn
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào mùa hè thứ ba, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy các ưu tiên trong nước và quốc tế trong bối cảnh người Ukraine và các đồng minh phương Tây thống nhất rằng “không thể để Nga giành chiến thắng”.
Tuần trước, Ukraine chính thức bắt đầu đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU), một bước đi mang tính biểu tượng hướng tới phương Tây và là một chiến thắng nhỏ cho Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, việc gia nhập EU, chắc chắn là phải mất nhiều năm nữa. Việc trở thành thành viên NATO, một bước tiến có giá trị hơn đối với Ukraine so với việc gia nhập EU, thậm chí còn xa vời hơn.
Một quan chức Ukraine cho biết: “Mục tiêu của Tổng thống Volodymyr Zelensky là giải phóng toàn bộ lãnh thổ của chúng tôi. Nhưng hiện tại, nhiệm vụ của Ukraine là giữ vững chiến tuyến”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 2/7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí tài trợ cho Ukraine với khoản vay được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã ký một thỏa thuận an ninh dài hạn để hỗ trợ Ukraine. Hiện tại, chiến tuyến ít nhiều ổn định. Ukraine đã có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía Đông Bắc Kharkov. Sau nhiều tháng trì hoãn, Mỹ đã phê duyệt một gói viện trợ quân sự lớn và vũ khí hiện đang được chuyển cho Kiev.
Nhưng những thách thức ngày càng gia tăng, vì cả Ukraine và đối tác phương Tây đều nhận ra họ cần khoản đầu tư khổng lồ về cả tài chính, quân sự và con người chỉ để Ukraine có thể giữ vững các tuyến phòng thủ hiện tại. Trong khi đó, một số bất đồng với Mỹ đang xuất hiện. Mỹ lo ngại về những nỗ lực chống tham nhũng của Kiev, còn Tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị được giao thiết bị quân sự nhanh hơn và lớn hơn. Những câu hỏi đang đè nặng lên chiến lược của phương Tây khi các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu có thể đưa những người theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền, những người đã lên án việc chi tiêu quá mức cho Ukraine.
Ở trong nước, những nỗ lực huy động thêm quân đang định hình lại cuộc sống của người dân Ukraine. Các quan chức quân sự đang muốn tuyển ngày càng nhiều thanh niên để đưa họ ra tiền tuyến, thường là với giai đoạn huấn luyện ngắn ngủi. Những lời phàn nàn của binh lính cũng ngày càng lớn hơn vì cuộc phản công năm ngoái đã không đạt được bước tiến quan trọng. Một số ít gia đình quân nhân thỉnh thoảng bắt đầu biểu tình ở Kiev, yêu cầu cho những người thân đã chiến đấu trong hai năm được phép xuất ngũ.
Cũng trong tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cách chức chỉ huy lực lượng vũ trang của nước này ở miền Đông Ukraine, sau khi một sĩ quan quân đội cấp cao công khai cáo buộc vị chỉ huy này đã “khiến nhiều binh lính Ukraine thiệt mạng”. Tuy nhiên, ông vẫn được ủng hộ rộng rãi, với khoảng 60% người Ukraine nói rằng, họ tin tưởng ông, theo một cuộc thăm dò từ Viện Xã hội học Quốc tế Kiev công bố hồi đầu tháng 6.
Chuyên gia Oleksiy Kovzhun, nhà tư vấn chính trị Ukraine, cho biết: “Tôi nghĩ đó là một phép lạ khi tỷ lệ ủng hộ ông ấy vẫn cao như vậy. Tổng thống đang làm rất tốt công việc của mình, nhưng hệ thống ra quyết định có thể nói là không lý tưởng”.
Mô hình đàm phán với Nga
Trả lời phỏng vấn hôm 30/6 vừa qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, Ukraine không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga, nhưng chúng chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian. Theo đó, Kiev “có thể tìm ra một mô hình” cho một giải pháp tiềm năng với Moscow.
Ông gợi ý rằng, thỏa thuận được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian hai năm trước, cho phép thiết lập một hành lang cho xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine, có thể là cơ sở tham chiếu cho quá trình này. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã ký các thỏa thuận riêng với Ukraine và Nga. “Nó đã thành công”, Tổng thống Ukraine nói và lưu ý thêm rằng, hành lang ngũ cốc khi đó đã tồn tại “đủ lâu”. Các thỏa thuận về “toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải” có thể được ký kết giữa Nga và Ukraine theo cùng một định dạng như vậy, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố.
Ông đề xuất rằng các quốc gia khác có thể được mời làm trung gian: “Không ai được nói rằng, quá trình này chỉ có châu Âu và Mỹ”, nhấn mạnh rằng các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu đề xuất hoà bình giữa Nga và Ukraine. “Cho đến nay, chỉ có mô hình này”, ông khẳng định, đồng thời lưu ý thêm rằng, thỏa thuận cuối cùng phải “phù hợp” với Kiev và dựa trên các điều khoản của Ukraine.
Trong khi đó, chỉ 1 ngày sau khi đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người đã đến Kiev lần đầu tiên sau 12 năm - đã đề nghị Tổng thống Volodymyr Zelensky suy nghĩ về lệnh ngừng bắn và khởi động tiến trình hòa bình với Nga.
Bình luận về đề xuất trên của Thủ tướng Hungary, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin không mong đợi bất kỳ đột phá nào từ lời kêu gọi này, vì rõ ràng: chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ ngày 1/7. “Vì vậy, trong trường hợp này, tôi nghĩ, trách nhiệm vì lợi ích của Brussels sẽ chiếm ưu thế ở đây, chứ không phải vì lợi ích quốc gia của Hungary. Về vấn đề này, ông Viktor Orban nổi tiếng là một chính trị gia biết cách bảo vệ lợi ích của đất nước mình”, ông Dmitry Peskov nói.
Nga cũng cho rằng trong khuôn khổ các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Hungary và Ukraine, Thủ tướng Viktor Orban đang đại diện cho lợi ích của Brussels. Tuy nhiên, Hungary nhấn mạnh rằng, mục tiêu chính của họ là đạt được hòa bình ở châu Âu.
Theo nhận định của ông Oleg Nemensky, chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, về mặt lý thuyết, Hungary có thể đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine, nhưng EU sẽ phản đối điều này và các giới chính trị châu Âu rõ ràng sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn mọi sáng kiến hòa bình do Budapest đưa ra.
Vị chuyên gia này nêu rõ: “Hungary, với tư cách là quốc gia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, sẽ bị ràng buộc vào vấn đề Nga - Ukraine, vì vậy, thật không may, chúng tôi không nên mong đợi bất kỳ sáng kiến hòa bình đáng kể nào và các sự kiện liên quan do Budapest khởi xướng. Vấn đề là Hungary không có bất kỳ ảnh hưởng cụ thể nào trong quá trình này, đối với khả năng đàm phán hòa bình về cuộc xung đột ở Ukraine”.
Ông cũng lưu ý thêm rằng: “Nếu các cuộc đàm phán như vậy được khởi xướng, thì đó sẽ là quyết định của EU và Mỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Brussels, Hungary sẽ là một bên tham gia hữu ích. Mặc dù, rất có thể, ngược lại, họ sẽ cố gắng cô lập Hungary khỏi quá trình này càng nhiều càng tốt vì lập trường của Budapest được coi là ủng hộ Nga”.
Về phần mình, chuyên gia Alexey Fenenko, Giáo sư tại Khoa Chính trị Thế giới của Đại học Tổng hợp Moscow nhận định: “Khi Nga giành được chiến thắng, ý tưởng đóng băng xung đột sẽ được phương Tây ủng hộ. Họ muốn quân đội Nga dừng chiến đấu ở tiền tuyến để đổi lấy việc Ukraine không gia nhập NATO. Đây là tình huống rất bất lợi cho Nga: vị thế là đối tác chủ chốt của NATO sẽ không ngăn cản phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo”. Ngoài ra, chuyên gia Alexey Fenenko nhấn mạnh rằng, mọi người cũng không nên nghĩ rằng, tình hình sẽ thay đổi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
“Chúng ta không thấy điều gì tốt đẹp khi ông ấy làm Tổng thống Mỹ. Chúng ta đã thấy việc rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, thực hiện các cuộc ném bom Syria ngay trước mắt lực lượng của chúng ta và bơm vũ khí vào Ukraine”, nhà khoa học chính trị trên kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Máy bay không người lái (UAV) tự sát Ukraine đã tập kích nhà máy thuốc súng Tambov ở thành phố Kotovsk, vùng Tambov, Nga.