Thế khó của ông Trump khi muốn "tung đòn" nặng tay với Trung Quốc
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách trừng phạt Trung Quốc sau những cáo buộc liên quan đến cách xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể “giáng đòn” Trung Quốc mà không ảnh hưởng tới cơ hội tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 sẽ là bài toán khó giải với ông Trump, theo CNN.
Trong khi các biện pháp về thuế quan đang được thảo luận, chính quyền của ông Trump đã cân nhắc tới phương án gia tăng sức ép với các công ty cung cấp thiết bị 5G của Trung Quốc cũng như một số hành động về chính trị, ngoại giao với Bắc Kinh.
Trên thực tế, ông Trump có thể đã nhận ra thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tốc độ Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ theo cam kết trên thực tế chậm hơn nhiều so với tính toán. Điều này đặt dấu hỏi lớn về việc liệu 18 tháng thương chiến với Trung Quốc do ông Trump phát động có xứng với tổn hại mà nhiều nông dân, doanh nghiệp Mỹ đã phải gánh chịu hay không.
Nhiều nông dân Mỹ tại các bang được xem là có ý nghĩa chiến lược trong bầu cử với ông Trump cũng bị ảnh hưởng nặng bởi thương chiến với Trung Quốc. Họ từng kỳ vọng việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ mua được ít hơn một nửa số hàng hóa cam kết. Điều này rõ ràng khiến ông Trump không hài lòng vì có thể ảnh hưởng tới uy tín của ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
“Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc cũng mang ý nghĩa chính trị lớn với ông Trump. Nếu cam kết được thực hiện đúng lộ trình, ông Trump có thể đứng trước các cử tri và nói về số tiền 200 tỷ USD kiếm được từ Trung Quốc”, Chad Bown – chuyên gia cao cấp tại viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) – nhận xét.
Tại cơ quan lập pháp Mỹ, cả đảng Cộng hòa cùng Dân chủ đều đồng tình rằng, cần phải có hành động trừng phạt Bắc Kinh. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể nào sẽ được lựa chọn là điều rất khó thống nhất.
Trong những tuần gần đây, các nghị sĩ đã thảo luận về một loạt các bước cần làm để đưa chuỗi cung ứng vật tư y tế trở lại Mỹ, bao gồm việc giảm thuế và tăng ưu đãi.
Trung Quốc hiện vẫn đang là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Mỹ tác động quá mạnh bạo vào Trung Quốc thì chính Mỹ cũng sẽ gặp thiệt hại về kinh tế.
Nội bộ nước Mỹ chưa thống nhất về phương án trừng phạt Trung Quốc (ảnh: CNN)
Ngày 20.5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về việc tăng cường giám sát các công ty có trụ sở nước ngoài, mục tiêu chủ yếu nhằm cấm các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.
Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc nếu không minh bạch trong cung cấp thông tin về nguồn gốc của Covid-19.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz cũng trình một dự luật trừng phạt hàng loạt các quan chức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái với phản ứng quyết liệt của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ cho biết, họ chưa sẵn sàng để ủng hộ các đề xuất trừng phạt Trung Quốc.
Theo giới phân tích, đảng Dân chủ lo ngại việc trừng phạt quá mạnh tay với Trung Quốc có thể “đánh lạc hướng” dư luận khỏi những cáo buộc mà họ dành cho ông Trump trong cách phản ứng với dịch bệnh tại Mỹ.
Sự bất mãn với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, nhưng ngay cả trong đội ngũ cố vấn thân cận của ông Trump, cũng có người không muốn làm xấu đi mối quan hệ Trung – Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khuyên ông Trump nên cẩn thận trong việc trừng phạt vì có thể đánh mất thỏa thuận giai đoạn 1 mà họ vất vả lắm mới đạt được.
Nông dân Mỹ đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch và thương chiến Mỹ - Trung (ảnh: AP)
Ngành sản xuất Mỹ đã chứng kiến sự suy thoái nhẹ trong năm 2019. Số trang trại bị phá sản tại Mỹ năm 2019 tăng gần 20% so với năm ngoái. Trong cuộc khủng khoảng dịch bệnh, nhiều nông dân Mỹ đã phải tiêu hủy nông sản của mình. Vì vậy, nếu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng, đời sống của nhiều người dân Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng, việc trừng phạt mạnh tay với Trung Quốc vào thời điểm khi nền kinh tế Mỹ cũng đang gặp khó khăn như hiện nay sẽ là một sai lầm.
“Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, chúng tôi vẫn cần thị trường Trung Quốc”, Roy Blunt – nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri – nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong kỳ họp Quốc hội được tổ chức vào ngày 22.5, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng...