Thế giới “toát mồ hôi” với ông Trump

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Với loạt chính sách được triển khai trong 2 tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới như “toát mồ hôi hột”, từ chuyện giải tán Cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ (USAID) cho đến việc áp thuế gây nguy cơ thương chiến toàn cầu và nhất là tuyên bố sẽ tiếp quản Dải Gaza,...

Tiếp quản Dải Daza như thế nào?

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 5/2 đã đưa ra lời cảnh báo về một hình thức thanh trừng sắc tộc” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn “sở hữu” Dải Gaza và tái định cư người Palestine ở nơi khác.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/2, Tổng thống Mỹ Trump đã đưa ra ý tưởng Israel chuyển giao quyền kiểm soát Dải Gaza cho Mỹ, sau đó ông đã liên tục nhấn mạnh trên truyền thông và mạng xã hội đề xuất của mình rằng gần 2 triệu người Palestine nên được di dời khỏi Dải Gaza đến những ngôi nhà mới ở nơi khác để Mỹ có thể gửi quân đến Dải Gaza, nắm quyền sở hữu và xây dựng một “Riviera của Trung Đông” (Riviera là vùng đất du lịch lý tưởng ở miền Nam nước Pháp). Chỉ bằng một vài từ, ông Trump đã gợi lên một sự chuyển đổi địa chính trị khó tin của Trung Đông và một đường dây chính trị cho ông Netanyahu - cho thấy lý do tại sao Thủ tướng Israel, bất chấp những căng thẳng trong quá khứ, vẫn ủng hộ sự trở lại nắm quyền của ông Trump.

Ông Donald Trump khiến các đối tác châu Âu lo lắng.

Ông Donald Trump khiến các đối tác châu Âu lo lắng.

Một làn sóng phẫn nộ và lên án quốc tế rộng rãi đã diễn ra sau tuyên bố gây sốc của ông Trump. Đức cảnh báo rằng kế hoạch này vi phạm luật pháp quốc tế và Tổng thống Brazil Lula Da Silva mô tả kế hoạch này là “không thể hiểu nổi”, trong khi Trung Quốc tuyên bố phản đối “việc chuyển giao cưỡng bức”.

Dư luận chung cho rằng, quan điểm của ông Trump “Gaza nên nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ” là hoàn toàn không hợp lý theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Nhưng, Nhà Trắng hiện tại coi thường cách làm cũ và muốn “định hình lại thế giới” một cách triệt để đến mức việc khôi phục lại trật tự thời “tiền Donald Trump” sẽ là điều không thể.

Giới phân tích bày tỏ sự không đồng tình, cho rằng sự vô lý trong đề xuất của ông Trump rằng Mỹ “tiếp quản” Gaza không làm cho nó bớt đen tối hơn. Yêu cầu 2 triệu người Palestine phải tái định cư cưỡng bức ở các quốc gia Arab láng giềng đồng nghĩa với việc xác nhận rõ ràng một tội ác tàn bạo - thanh trừng sắc tộc. Ý tưởng rằng vùng đất này sau khi bị Chính phủ Mỹ trưng dụng sẽ được biến thành một “Riviera của Trung Đông” là điều đáng lo ngại và kỳ cục vì nó tách biệt với thực tế. Ông Trump đang coi một vùng chiến sự ở trung tâm của một trong những cuộc xung đột khó giải quyết nhất thế giới như thể đó là một mảnh đất hoang ở Manhattan. Nó tạo ra sự bất ổn không cần thiết vào thời điểm cần thiết phải duy trì lệnh ngừng bắn mong manh ở Gaza.

Mọi chính phủ ở Trung Đông, ngoại trừ liên minh cực đoan dân tộc chủ nghĩa của ông Netanyahu ở Israel, đều bác bỏ ý tưởng của ông Trump và coi sự can thiệp đó là nguy hiểm và phản tác dụng. Đó cũng là quan điểm của các đồng minh châu Âu của Mỹ, hoặc các quốc gia mà 2 tuần trước tự coi mình là đồng minh tư tưởng tự do của Mỹ.

Thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump.

Thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump.

Có một lý giải chung giải thích sự liều lĩnh của ông Trump là những động thái mở đầu trong một cuộc đàm phán. Ý tưởng Mỹ sở hữu Gaza được coi là sự ứng biến tự do của một doanh nhân trước cuộc “giao dịch”. Ông được coi là bậc thầy của trò chơi mạo hiểm, sử dụng chiêu thức gây sốc và hỗn loạn để đánh lạc hướng đối thủ trước khi cuối cùng đạt được kết quả tỉnh táo hơn?

Tuy nhiên, các chuyên gia về luật pháp quốc tế cho biết, đề xuất của ông Trump về việc di dời vĩnh viễn hàng triệu người Palestine khỏi Gaza để cho phép tái thiết dưới “quyền sở hữu” của Mỹ có thể cấu thành tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người. Hai bộ luật rõ ràng nhất có khả năng bị vi phạm bởi kế hoạch của ông Trump là các Công ước Geneva - các hiệp ước quốc tế được ký kết vào năm 1949 về việc đối xử với dân thường và quân nhân trong các cuộc xung đột - và luật Rome năm 1998, thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế để đưa ra xét xử những cá nhân bị tình nghi phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng trong trường hợp các quốc gia không thể hoặc không muốn tự mình làm như vậy. Theo cả hai bộ luật, việc di dời cưỡng bức dân số tùy tiện và vĩnh viễn là một tội ác.

Thương chiến đã được kích hoạt

Trong khi đó, với việc áp thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ được cho là tạo ra nguy cơ gây thương chiến toàn cầu và gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một loạt quốc gia đối tác của Mỹ, như Canada, Mexico, Anh, EU, Trung Quốc,... đã chuẩn bị sẵn phương án ứng phó hoặc đối sách phản công. Canada, Mexico tuyên bố sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng mức thuế suất tương tự như Mỹ áp lên hàng hóa của họ. Ngày 3/2, ông Trump bất ngờ tạm hoãn hiệu lực áp mức thuế đối với Canada và Mexico trong 1 tháng sau các cuộc gọi điện song phương giữa ông Trump với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Tuy vậy, nguy cơ thương chiến không vì thế mất đi.

Nếu ông Trump áp thuế đối với EU, một số quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn những quốc gia khác. Đức là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất, trị giá 158 tỷ euro vào năm 2023. Tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ so với tổng thương mại khác nhau đáng kể giữa các quốc gia thành viên EU. Ireland chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 25%. Thương mại của Đức và Italy với Mỹ chiếm khoảng 10% tổng giá trị toàn cầu của họ, trong khi các quốc gia Đông Âu có tỷ trọng thấp hơn.

Về thương mại, EU có hành động tập thể. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng khối này sẽ tự bảo vệ mình nếu bị nhắm mục tiêu. Nước Anh hiện đang đàm phán một mình sau Brexit. Thủ tướng Keir Starmer đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với cả hai phe và ông Trump đã ra hiệu rằng một thỏa thuận có thể được "làm việc" với nước Anh.

Trong khi đó, việc áp thuế suất 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dường như đã kích hoạt cơ chế thương chiến. Ngày 4/2, Trung Quốc đã tuyên bố đáp trả việc áp thuế của Mỹ. Bộ Tài chính nước này đã công bố đánh thuế 15% đối với một số loại than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải. Các biện pháp này có hiệu lực vào ngày 10/2.

Bộ Thương mại và Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn hai chục sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan. Trong đó bao gồm vonfram, một loại khoáng chất quan trọng thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và quốc phòng, cũng như tellurium, có thể được sử dụng để chế tạo pin mặt trời. Bộ này cũng cho biết họ đã thêm 2 công ty của Mỹ - công ty công nghệ sinh học Illumina và nhà bán lẻ thời trang PVH Group, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger - vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, nói rằng họ “vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường thông thường”.

Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết hôm 4/2 rằng họ phát hiện ra PVH phân biệt đối xử và can thiệp vào hoạt động của các công ty Trung Quốc, mặc dù người phát ngôn này không cung cấp thông tin chi tiết. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nộp đơn kiện Mỹ lên WTO với cáo buộc việc áp thuế suất của ông Trump là vi phạm các nguyên tắc tự do thương mại quốc tế, vi phạm nghĩa vụ của Mỹ tại WTO.

Người Palestine sẽ đi về đâu nếu Mỹ tiếp quản Gaza?

Người Palestine sẽ đi về đâu nếu Mỹ tiếp quản Gaza?

Ông Trump từ lâu đã phàn nàn về thâm hụt này như một dấu hiệu của các hoạt động thương mại “không công bằng” đang được các đối tác thương mại của Mỹ sử dụng và coi đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong nền kinh tế Mỹ sau nhiều thập kỷ sản xuất tại nhà máy chuyển ra nước ngoài. Thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ là với Trung Quốc, trị giá 279 tỷ USD vào năm 2023; tiếp theo là EU, ở mức 208 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tính đến thương mại dịch vụ thì thâm hụt với EU sẽ giảm đáng kể, do khối lượng lớn thương mại xuyên Đại Tây Dương trong các dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực chuyên môn khác.

Phong trào 50501

“Cơn sốt” về những chính sách chưa từng có của ông Trump chưa dừng lại ở các quốc gia đối tác thương mại và chính trị, mà còn lan sang các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhân đạo. Ngay trong tuần đầu nhậm chức, ông Trump không chỉ rút nước Mỹ khỏi các hiệp ước về khoa học, khí hậu, mà còn rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...

Nghiêm trọng hơn cả là việc ông Trump - qua sự cố vấn của Bộ trưởng Elon Musk - đã ra lệnh đóng cửa Cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ (USAID), đồng thời chuyển giao nhiệm vụ của cơ quan này vào Bộ Ngoại giao. Đây được xem là hành động gây tác động nghiêm trọng nhất đến các hoạt động nhân đạo trên phạm vi toàn cầu mà nước Mỹ từ lâu nay đóng vai trò quan trọng.

Hàng ngàn người đã tụ tập tại Điện Capitol của Mỹ vào ngày 5/2, sau thông báo gây sốc vào tối 4/2 rằng USAID sẽ cho hầu hết nhân viên của mình nghỉ phép và triệu hồi hàng nghìn viên chức khỏi các nhiệm vụ ở nước ngoài. Tin tức này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi gần một nghìn nhà thầu bị sa thải hoặc tạm nghỉ, trang web USAID bị gỡ xuống và tài khoản X của trang này bị xóa.

Các chuyên gia về nhân đạo toàn cầu đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ việc đóng cửa USAID sẽ tác động làm căng thẳng thêm hoạt động nhân đạo vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn do có quá nhiều điểm nóng nhân đạo cần cứu trợ tại khắp các châu lục do chiến tranh, thiên tai,...

Nếu không có những chương trình đó, "động vật chết, con người chết, con người phải di dời", Evan Thomas, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Colorado ở Boulder cho biết. Ông làm việc trong một dự án ở Kenya giúp hơn 1 triệu người tiếp cận được nguồn nước sạch thông qua 200 máy bơm nước ngầm sâu được lắp đặt và được USAID tài trợ một phần. Hiện tại, chương trình không thể trả tiền hợp đồng cho những người được thuê để bảo trì và sửa chữa máy bơm.

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại các thành phố trên khắp nước Mỹ vào ngày 5/2 để phản đối các hành động ban đầu của chính quyền ông Trump, lên án mọi thứ từ cuộc đàn áp nhập cư của tổng thống cho đến việc ông hủy bỏ quyền của người chuyển giới và đề xuất cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Dải Gaza.

Những người biểu tình ở Philadelphia và tại các tòa nhà quốc hội tiểu bang ở California, Minnesota, Michigan, Texas, Wisconsin, Indiana và nhiều nơi khác đã giơ cao các biểu ngữ phản đối Tổng thống Donald Trump; tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới của Trump; và Project 2025, một sách lược cực hữu cho chính phủ và xã hội Mỹ.

Các cuộc biểu tình là kết quả của một phong trào được tổ chức trực tuyến theo các hashtag #buildtheresistance và #50501, có nghĩa là “50 cuộc biểu tình, 50 tiểu bang, 1 ngày”. Các trang web và tài khoản trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội đã đưa ra lời kêu gọi hành động, với các thông điệp như "bảo vệ nền dân chủ của chúng ta".

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/2 ký sắc lệnh hành pháp đóng băng viện trợ của Mỹ dành cho Nam Phi, vài ngày sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Châu (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN