Thế giới nghĩ gì về bầu cử Tổng thống Mỹ 2016?
Thế giới dõi theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với những quan điểm trái ngược dành cho cả hai ứng viên tổng thống, Hillary Clinton và Donald Trump.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump.
Theo TIME, nhiều người tin rằng Hillary Clinton làm tổng thống sẽ đem đến sự ổn định trong một thế giới ngày càng biến động. Nhưng cũng có nhiều người khác tin rằng Donald Trump sẽ chiến thắng.
Châu Âu
Bà Clinton chắc chắn sẽ giành chiến thắng nếu châu Âu có phiếu bầu. Việc ông Trump chuyển đổi từ ngôi sao truyền hình sang ứng viên tổng thống không nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở châu Âu. Quan điểm không giúp đỡ đồng minh NATO khi bị tấn công của ông Trump cũng dấy lên những mối lo ngại.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi ông Trump là người rao giảng cho sự thù hận. Trong cuộc khảo sát tháng 10, chỉ có 4% người Đức ủng hộ ông Trump so với tỷ lệ 86% của bà Clinton.
Mặc dù Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng hơn nửa triệu người Anh đã kêu gọi cấm ông Trump nhập cảnh vào nước này.
Dù vậy, ông Trump cũng tìm được một số đồng minh trong các đảng phái theo khuynh hướng dân tộc. Nữ lãnh đạo Đảng Mặt trận quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen nói sẽ bầu cho Trump.
Nga
Ông Trump luôn tỏ ra gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và quan điểm ngoại giao ủng hộ Điện Kremlin. Nhưng Moscow thực tế tỏ ra thận trọng trong cuộc bầu cử Mỹ.
Đối với các nhà quan sát Nga, ông Trump tỏ ra khác biệt so với các đời Tổng thống Mỹ trước đây khi chỉ trích bản chất lỗi thời của NATO.
Nếu như ông Trump áp đặt thành công chính sách này, mối đe dọa an ninh Nga sẽ dần biến mất. Không có nguồn tiền của Mỹ, kế hoạch đưa các hệ thống phòng thủ tên lửa vào hoạt động sẽ không thể hoàn thành.
Búp bê Nga phiên bản các nhà lãnh đạo thế giới.
Đối với những người tin vào tuyên bố của ông Trump, dường như tỷ phú Mỹ sẽ đem đến một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn trong quan hệ Nga-Mỹ.
Tuy vậy, quan điểm lạc quan không được lan rộng đối với các chính trị gia Nga. Sau hai lần thất vọng với chính quyền Bush và Obama, Moscow dường như luôn coi Washington là kẻ thù dù ai làm tổng thống. Ông Putin có thể cũng chia sẻ quan điểm này.
Trung Đông
Ông Trump có thể sẽ càng hủy hoại thế giới Ả Rập. Đa số người dân Trung Đông không ủng hộ Donald Trump. Chính sách chống người nhập cư, cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ là những hiệu ứng tiêu cực rõ ràng nhất.
Trong cuộc khảo sát ở Trung Đông và Bắc Phi, 47% số người được hỏi nói sẽ không đi bầu cử Mỹ nếu có cơ hội. 44% chọn bà Clinton, hơn ông Trump 9%. 78% nói rằng bà Clinton sẽ là lựa chọn phù hợp hơn cho khu vực này.
Trong cuộc khảo sát độc lập khác của Trung tâm Ả Rập tại Washington, 56% số người được hỏi quan điểm tích cực về bà Clinton. 68% phản đối ông Trump.
Người dân Trung Quốc theo dõi khẩu chiến Trump-Clinton hồi tháng trước.
Ở Israel, quan điểm còn chia rẽ hơn. Trong cuộc khảo sát của Shiluv Millward Brown, đa số người Do Thái Israel ủng hộ bà Clinton. Nhưng người Israel lại tin rằng ông Trump sẽ đem lại lợi ích cho quốc gia này hơn.
Trung Quốc
TIME nhận định, ông Trump được đa số người Trung Quốc ủng hộ. Đầu tiên, ông Trump được coi là hiện thân của giấc mơ Mỹ, doanh nhân đã biến tên gọi của mình thành thương hiệu. Thứ hai, Donald Trump cứng rắn cũng nhận được sự tôn trọng của nhiều người Trung Quốc. Thứ ba, chủ nghĩa dân tộc mà ông Trump theo đuổi có khía cạnh phù hợp với Chủ nghĩa Đại Hán ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi nhắc đến hạn chế nhập cư, ông Trump dường như tập trung vào Mexico hay Hồi giáo hơn mà không phải là Trung Quốc. Giới thượng lưu Trung Quốc luôn nghĩ đến việc đưa con đến Mỹ, không cho rằng ông Trump sẽ gửi thông điệp tiêu cực đến họ.
Ấn Độ
Người dân Ấn Độ biết và cảm thấy thoải mái hơn với bà Clinton. Đối với các quan chức Ấn Độ, việc duy trì quan hệ ở mức ổn định dù ai chiến thắng là ưu tiên hàng đầu. Điều này sẽ dễ dàng hơn với bà Clinton, người nổi tiếng với kinh nghiệm ngoại giao và được biết đến rộng rãi ở New Delhi.
Trong khi đó, ông Trump làm tổng thống nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Ấn Độ. “Vấn đề không hoàn toàn nằm ở ông Trump mà cả những cố vấn, quan chức ở Nhà Trắng”, Dhruva Jaishankar, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ-Ấn Độ tại Viện Brookings ở nước này nhận định.
28,5 triệu người Mỹ gốc Latin được quyền bỏ phiếu bầu cử tổng thống.
Quan điểm ưu tiên giải quyết xung đột và tranh chấp thông qua ngoại giao là bước đi được khu vực Đông Nam Á ủng hộ mạnh mẽ. Bà Clinton sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường giống như chính sách ngoại giao hòa giải của ông Obama, vốn do chính tay cựu ngoại trưởng Mỹ xây dựng nên.
Trong khi đó, ông Trump được coi là sự bất ngờ. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như Tổng thống Philippines Rodrido Duterte gặp gỡ ông Trump.
Các quốc gia Mỹ Latin
Trước những tuyên bố tiêu cực nhằm vào quốc gia láng giềng Mexico, không ngạc nhiên khi đa số người Mexico ủng hộ bà Clinton. Việc ông Trump cam kết sẽ xích lại gần hơn với Cuba và Venezuela cũng không thể giúp tỷ phú Mỹ đảo ngược tình hình.
Trong khi đó, bà Clinton cũng bị chỉ trích vì thất bại trong hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Haiti trong hai trận động đất khủng khiếp năm 2010 và 2015. Các nhà hoạt động Haiti biểu tình bên ngoài Quỹ Clinton ở New York, cáo buộc cựu ngoại trưởng Mỹ làm thất thoát hàng trăm triệu USD tiền thuế của người dân thông qua Ủy ban Tái thiết Haiti. Dù vậy, đa số người dân ở đây tỏ ra ủng hộ bà Clinton hơn là những gì ông Trump nói.