Thế giới có thêm công cụ giúp đảo chiều đại dịch

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Quyết định của Viện Nghiên cứu Tây Ban Nha chia sẻ miễn phí công nghệ giúp phát hiện, kiểm tra kháng thể COVID-19 đã cung cấp cho thế giới thêm một công cụ nữa có thể giúp đảo chiều đại dịch.

Theo thông tin từ trang web Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 23-11, Tổ chức Tiếp cận công nghệ chống COVID-19 (C-TAP) và Tổ chức bằng sáng chế thuốc (MPP) đã đạt được một thỏa thuận quan trọng mà theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus là có thể giúp “lật ngược tình thế” đại dịch COVID-19.

Phòng thí nghiệm Trung tâm chăm sóc y tế Leumit ở TP Or Yehuda, gần thủ đô Tel Aviz (Israel). Ảnh: FLASH90

Phòng thí nghiệm Trung tâm chăm sóc y tế Leumit ở TP Or Yehuda, gần thủ đô Tel Aviz (Israel). Ảnh: FLASH90

Công nghệ phát hiện kháng thể COVID-19

Cụ thể, C-TAP và MPP đã ký với Viện Nghiên cứu Tây Ban Nha (CSIC) một thỏa thuận, theo đó CSIC sẽ chia sẻ miễn phí công nghệ huyết thanh học giúp phát hiện, kiểm tra kháng thể COVID-19 trong cơ thể người cho các nước thu nhập trung bình và thấp.

Công nghệ này giúp phát hiện, kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người, cả trong hai trường hợp: Người đã trải qua đợt nhiễm bệnh hay được tiêm vaccine, đồng thời giúp cung cấp thêm thông tin để quyết định họ có nên tiêm mũi tăng cường hay không.

Đến thời điểm này, công nghệ của CSIC có thể áp dụng cho bốn nội dung xét nghiệm khác nhau, một trong số đó có khả năng phân biệt phản ứng miễn dịch của người nhiễm COVID-19 với của người được tiêm chủng. Điều này sẽ hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn về mức độ và thời gian miễn dịch.

Tổ chức từ thiện y tế Bác sĩ không biên giới (MSF) đánh giá cao khả năng phân biệt kháng thể COVID-19 có được từ tiêm chủng với có được từ bị nhiễm COVID-19 của công nghệ xét nghiệm kháng thể này. Theo MSF, “tính năng này sẽ trở nên rất quan trọng để đo lường số ca nhiễm COVID-19 ở các quốc gia cũng như tác động của các biện pháp kiểm soát”.

Công nghệ xét nghiệm này dễ sử dụng và phù hợp với cả các cơ sở hạ tầng thí nghiệm cơ bản, như ở các vùng nông thôn các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Thỏa thuận cấp phép không độc quyền này cho phép cung cấp công nghệ như một món hàng hóa công cộng toàn cầu. Thỏa thuận bao gồm tất cả bằng sáng chế liên quan và vật liệu sinh học cần thiết để sản xuất dụng cụ xét nghiệm. CSIC sẽ cung cấp tất cả cách thức cho MPP và/hoặc cho các bên được MPP chọn sẽ tham gia sản xuất, cũng như chịu trách nhiệm đào tạo. Giấy phép sẽ miễn phí bản quyền cho các nước có thu nhập thấp và trung bình và sẽ có giá trị cho đến ngày bằng sáng chế cuối cùng hết hạn.

Tôi kêu gọi các nhà phát triển vaccine, thuốc điều trị và chẩn đoán COVID-19 làm theo tấm gương này để lật ngược tình thế với đại dịch và với sự bất bình đẳng tai hại trên toàn cầu mà đại dịch này đã làm chúng nổi rất rõ.

Tổng giám đốc WHO TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS 

Một tiền lệ lớn

Công nghệ xét nghiệm kháng thể COVID-19 là thỏa thuận thứ ba liên quan đến COVID-19 mà MPP đạt được trong một tháng qua. Tuần trước, MPP đạt được thỏa thuận với hãng dược Pfizer (Mỹ) nhằm giúp 95 nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận thuốc trị COVID-19, thông qua việc Pfizer đồng ý cấp phép cho các hãng dược khác sản xuất thuốc phiên bản. Tháng trước MPP cũng đã ký với hãng dược Merck (Mỹ) thỏa thuận tương tự.

Theo thông cáo báo chí của WHO thì “mục đích của thỏa thuận là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và thương mại hóa nhanh chóng công nghệ xét nghiệm huyết thanh của CSIC trên toàn thế giới”. WHO cho rằng thỏa thuận này giúp mở rộng việc sản xuất công nghệ huyết thanh học, cung cấp thêm một công cụ nữa giúp các nước nghèo chống lại đại dịch, cũng như giảm nhẹ hậu quả của việc “sự bất bình đẳng” vaccine.

Tổng giám đốc WHO Tedros hy vọng động thái ký kết thỏa thuận này giữa Tổ chức bằng sáng chế thuốc và Viện Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy các bên chia sẻ thêm công nghệ về vaccine, thuốc điều trị cũng như các công cụ chẩn đoán nhằm chống đại dịch COVID-19.

TS Rosa Menéndez, Chủ tịch CSIC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tìm giải pháp để tất cả các nước - đặc biệt các nước đang cần nhất - có thể tiếp cận được các công nghệ chống COVID-19 nói riêng và công nghệ về y tế nói chung. “Với ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn hành động này của CSIC, tham gia vào các sáng kiến quốc tế của MPP và WHO, trở thành một ví dụ và một chủ đề tham khảo cho các tổ chức nghiên cứu khác trên thế giới” - TS Menéndez chia sẻ.

Ông Nick Dearden, Giám đốc tổ chức Global Justice Now (Anh), cũng cho rằng quyết định của CSIC là “một tiền lệ lớn” với các nhà phát triển và sản xuất vaccine. Ông thậm chí không hài lòng khi nhắc đến việc chính phủ Anh đã chọn trao quyền sáng chế độc quyền vaccine ĐH Oxford cho hãng dược AstraZeneca.

Chung tay đưa công nghệ, sản phẩm y tế tới các nước nghèo

Viện Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha là cơ sở nghiên cứu khoa học lớn nhất nước này và lớn thứ ba châu Âu. Mục đích chính của viện là phát triển và hỗ trợ các nghiên cứu giúp đẩy nhanh tiến trình khoa học và công nghệ.

MPP được Liên Hợp Quốc bảo trợ, hoạt động với mục đích tạo điều kiện giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận sản phẩm và công nghệ y tế.

C-TAP ra đời vào tháng 5-2020 từ sự sáng lập của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado Quesada và được sự ủng hộ của 44 nước thành viên. Mục đích hoạt động của C-TAP là tạo điều kiện để các nước tiếp cận kịp thời, bình đẳng và giá cả phải chăng đối với các sản phẩm y tế COVID-19, bằng cách thúc đẩy quá trình sản xuất và cung cấp chúng thông qua các thỏa thuận cấp phép mở, không độc quyền.

WHO công bố thỏa thuận kiểm tra kháng thể có thể ‘lật ngược tình thế’ đại dịch

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng việc chia sẻ công nghệ phát hiện kháng thể COVID-19 cho các quốc gia nghèo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN