Thế giới bước vào "hậu đại dịch" Covid-19?
Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở hầu hết khu vực Mỹ Latin trong tháng 4-2022 đã giảm mạnh, xuống mức của 2 tháng đầu khi đại dịch xảy ra
Theo hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu vừa tuyên bố 60%-80% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã nhiễm Covid-19, trong bối cảnh khối này chính thức bước vào giai đoạn "hậu khẩn cấp" của đại dịch: Các nước thành viên sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới, Covid-19 sẽ được giám sát tương tự dịch cúm. Điều này có nghĩa xét nghiệm cộng đồng ngay cả ở người có triệu chứng sẽ bị bãi bỏ ở một số quốc gia EU, chỉ còn xét nghiệm giám sát ở các nhóm ưu tiên.
Cơ quan y tế công cộng của EU cho hay các ca bệnh được báo cáo đã chiếm khoảng 30% dân số nhưng nếu thêm vào các ca chưa được báo cáo, tỉ lệ này sẽ vào khoảng 77%, tương ứng 350 triệu người. Tuy vậy, số ca tử vong giảm dần khi Omicron có độc lực thấp hơn các biến chủng lan rộng trước đây. 70% dân số EU cũng đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với 50% tiêm mũi tăng cường.
Các vũ công lộng lẫy trong đêm thứ hai của vũ hội Carnival tại Rio de Janeiro - Brazil hôm 24-4 Ảnh: REUTERS
Tại nhiều quốc gia Mỹ Latin, khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề với Brazil và Peru thuộc nhóm có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, các biện pháp hạn chế cũng được nới lỏng. Sắp tới, Colombia bỏ quy định đeo khẩu trang ở nhiều khu vực công cộng, bao gồm rạp chiếu phim; Chile mở cửa biên giới sau 2 năm "kín cổng cao tường"; Tổng thống Mexico tuyên bố đại dịch đã chấm dứt… Vũ hội đường phố Carnival tưng bừng trên đường phố Rio de Janeiro - Brazil giữa tuần này với hơn 60.000 người tham dự cũng không phải đeo khẩu trang.
Hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latin đã đạt được tỉ lệ tiêm chủng theo khuyến cáo của WHO là trên 70%. Số ca mắc và tử vong trong tháng 4-2022 hầu như giảm xuống mức của 2 tháng đầu khi đại dịch xảy ra. Đơn cử ở Peru, từ 200 ca tử vong mỗi ngày hồi tháng 2 đã giảm xuống khoảng 20 ca/ngày vào cuối tháng 4. Một số chuyên gia tin rằng nhờ tiêm chủng và nhiều tháng liền vật lộn với nhiều chủng SARS-CoV-2 khác nhau mà khu vực này kháng lại được các làn sóng dịch mới, kể cả do chủng BA.2 đang làm mưa làm gió gây ra.
Trong cuộc họp báo ngày 26-4, Điều phối viên Covid-19 mới của Nhà Trắng - tiến sĩ Ashish K.Jha - tuyên bố Mỹ không tìm cách ngăn chặn mọi con đường lây nhiễm nữa mà tập trung cho chiến lược bảo vệ đối tượng nguy cơ. Số ca mắc mới ở Mỹ dù đang tăng nhưng số ca tử vong liên tục giảm. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho thấy 58% dân số nước này đã mắc Covid-19, riêng trẻ em nhiễm tới 3/4.
Tờ New York Times dẫn lời tiến sĩ Jha cho rằng điều quan trọng nằm ở chỗ hệ thống y tế có bị quá tải hay không và số ca nhập viện/tử vong nhiều hay ít. Do đó, khả năng tiếp cận vắc-xin và các phương pháp điều trị tiên tiến, bao gồm thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, là tối quan trọng. Tương tự, chiến lược "hậu đại dịch" của EU - do Ủy viên Y tế Stella Kyriakides soạn thảo - cũng hướng tới 2 mũi nhọn là thuốc kháng virus và vắc-xin thế hệ mới, được cải tiến để phù hợp hơn với các biến chủng thoát miễn dịch.
Tuy nhiên, chính sách riêng của từng quốc gia chỉ có ý nghĩa trong phạm vi hẹp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới là cơ quan có trách nhiệm tuyên bố đại dịch và chấm dứt đại dịch như một động thái có ý nghĩa pháp lý rộng lớn trên nhiều lĩnh vực. Báo cáo gần đây nhất của WHO vào ngày 26-4 cho thấy số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu trong tuần trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn kêu gọi các quốc gia thận trọng và duy trì hệ thống giám sát Covid-19, bao gồm xét nghiệm và giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2.
Chú trọng các bệnh khác Số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu đã tăng 79% trong 2 tháng đầu năm nay so với năm 2021, sau khi đại dịch Covid-19 và tình trạng phong tỏa làm gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng. Cụ thể, theo dữ liệu của UNICEF và WHO, trong tháng 1 và 2-2022, có tới 17.338 ca bệnh sởi được ghi nhận trên thế giới, so với 9.665 ca cùng kỳ năm ngoái. Là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ, bệnh sởi lây lan nhanh hơn cả Ebola, cúm hoặc Covid-19. Trong 12 tháng qua, có 21 đợt bùng phát bệnh sởi lớn, nghiêm trọng hơn cả là tại 5 nước Somalia, Liberia, Yemen, Afghanistan và Bờ Biển Ngà, theo Reuters. Tính đến đầu tháng 4 này, 58 chiến dịch tiêm chủng tại 43 nước vẫn bị trì hoãn, làm ảnh hưởng tới 212 triệu người, chủ yếu là trẻ em. Trong số đó, có 19 chiến dịch tiêm phòng sởi và hậu quả là 73 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, theo UNICEF và WHO. Đang gây nhiều lo ngại là căn bệnh viêm gan chưa rõ nguồn gốc, vốn đã lan ra hơn 10 nước. Tới nay, 190 ca bệnh này đã được ghi nhận, trong đó 140 trường hợp ở châu Âu (hầu hết là ở Anh với 110 ca) và thêm các ca khác ở Israel, Mỹ, Canada... Có 17 trẻ bệnh nặng tới mức cần ghép gan và WHO thông báo ít nhất một bệnh nhi đã tử vong. Căn bệnh này cũng đã có mặt ở châu Á, với 1 ca được ghi nhận tại Nhật Bản hôm 21-4. Bệnh nhi này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus adeno - một nguyên nhân gây bệnh khả dĩ đang được xem xét trên toàn cầu - và Covid-19, theo báo Guardian. Đáng chú ý là các bệnh nhi - theo WHO là trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi - không mắc các loại virus gây viêm gan và không có bệnh nền. Theo cơ quan y tế Anh, một giả thuyết là do trẻ em không tiếp xúc với virus adeno, thường gây bệnh cảm cúm và khó chịu đường ruột, trong thời gian đại dịch Covid-19, dẫn đến chứng bệnh nặng hơn ở trẻ. Hải Ngọc |
Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 sẽ sớm trở thành bệnh đặc hữu và thế giới cần học cách sống chung.
Nguồn: [Link nguồn]