Thế giới 24h: Trung Quốc tung đòn thuế mới quyết liệt đáp trả Mỹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế mới có hiệu lực ngay từ ngày 12/4, và nước này sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả "đến cùng".

Ông Tập cùng các quan chức cấp cao Trung Quốc tham dự cuộc gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Bắc Kinh ngày 11/4. Ảnh: Getty 

Ông Tập cùng các quan chức cấp cao Trung Quốc tham dự cuộc gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở Bắc Kinh ngày 11/4. Ảnh: Getty 

Bắc Kinh áp thuế bổ sung với hàng Mỹ

Trung Quốc cho biết sẽ tăng mức thuế bổ sung áp lên hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%.

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày mai (12/4).

“Việc Mỹ áp mức thuế cao bất thường một cách đơn phương đối với Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế, các quy luật kinh tế cơ bản và lẽ thường, thể hiện rõ hành vi bắt nạt", Bộ Tài chính Trung Quốc nhấn mạnh.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 11/4 cho rằng, Mỹ đã tạm hoãn một số mức thuế “dưới áp lực từ Trung Quốc và các bên liên quan khác”.

Tuy nhiên, Bộ này nhấn mạnh: “Đó chỉ là một bước đi mang tính biểu tượng nhỏ và không làm thay đổi bản chất của việc Mỹ theo đuổi lợi ích riêng".

Trung Quốc kêu gọi Mỹ thực hiện một bước đi mang tính quyết định bằng cách xóa bỏ ‘thuế đối ứng’.

Bắc Kinh tuyên bố sẽ “phớt lờ” các đợt tăng thuế tiếp theo từ phía Mỹ vì hàng hóa Mỹ sẽ không còn hợp lý về mặt kinh tế đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục làm suy yếu đáng kể lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn và chiến đấu đến cùng.

Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại mới lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến loạt thuế mới mà Washington vừa áp đặt.

Động thái áp thuế mới của Trung Quốc diễn ra sau khi ông Trump thông báo tạm hoãn áp thuế bổ sung trong vòng 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, trừ Trung Quốc.

Ông Tập lần đầu lên tiếng về căng thẳng thương mại với Mỹ

Trong phát biểu công khai đầu tiên liên quan đến cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ, ông Tập cho rằng không ai là người chiến thắng trong một cuộc thương chiến.

“Không ai là người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và đối đầu với thế giới chỉ dẫn đến sự cô lập", ông Tập nói với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Bắc Kinh ngày 11/4, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

“Trong suốt hơn 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc luôn dựa vào tự lực và chăm chỉ – chứ không phải dựa vào sự ban phát của bất kỳ ai, và Trung Quốc không sợ bất kỳ hành động bắt nạt phi lý nào", ông Tập nói thêm. “Dù môi trường bên ngoài có thay đổi ra sao, Trung Quốc sẽ vẫn giữ vững sự tự tin, tập trung và dành toàn lực để quản lý tốt công việc nội bộ của mình".

Ông Tập kêu gọi Trung Quốc và Liên minh châu Âu cùng nhau chống lại hành vi bắt nạt đơn phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc và EU là những bên ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại.

Sau loạt đòn thuế qua lại, Mỹ tuyên bố tổng mức thuế áp lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ lên tới mức 145%, tính cả mức thuế 20% liên quan đến chất gây nghiện fentanyl mà ông Trump đã áp dụng trước đó đối với Trung Quốc. Trong khi đó, tổng mức thuế của Bắc Kinh đối với hàng hóa của Washington là 84%.

Trung Quốc ra đòn vào ngành điện ảnh Mỹ

Một bộ phim do Mỹ sản xuất được chiếu tại rạp Trung Quốc (ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images)

Một bộ phim do Mỹ sản xuất được chiếu tại rạp Trung Quốc (ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images)

Hôm 10/4, Cơ quan Điện ảnh Trung Quốc cho biết, họ sẽ cắt giảm số lượng phim Mỹ được chiếu tại Trung Quốc như một phần trong động thái nhằm đáp trả mức thuế quan 125%.

“Thuế quan của Mỹ chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của phim Mỹ đối với khán giả Trung Quốc”, người phát ngôn của Cơ quan Điện ảnh Trung Quốc cho biết.

“Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy tắc của thị trường, tôn trọng sự lựa chọn của khán giả và giảm số lượng phim Mỹ được nhập khẩu một cách hợp lý”, người phát ngôn của Cơ quan Điện ảnh Trung Quốc nói, lưu ý rằng Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn thứ 2 thế giới.

Theo CNN, Trung Quốc – với khoảng 1,4 tỷ dân – là thị trường quan trọng của ngành điện ảnh Mỹ.

Trước đó hôm 9/4, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 84% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đưa 6 công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” và bổ sung thêm 12 công ty khác vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Đáp trả, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

Hôm 10/4, Trung Quốc cho biết nước này vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ về thuế quan.

“Cánh cửa đàm phán vẫn mở, nhưng việc đối thoại cần được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẵn sàng đàm phán và nỗ lực giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, tham vấn”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc – bà He Yongqian – nói.

Tuy nhiên, bà Yongqian cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ không lùi bước nếu phía Mỹ muốn đẩy căng thẳng thương mại leo thang hơn nữa.

Trước đó, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, ông không mong đợi Trung Quốc nhượng bộ trong “cuộc chiến thuế quan”.

Khi Alayna Treene (phóng viên của CNN) hỏi rằng liệu ông có đang chờ đợi Trung Quốc nhượng bộ về thuế quan hay không, ông Trump nhanh chóng lắc đầu và nói “không”.

Ông Trump: Mỹ có thể rút 10.000 quân khỏi châu Âu

Hôm 8/4, NBC News (báo Mỹ) đưa tin, Mỹ đang cân nhắc rút khoảng 10.000 quân khỏi châu Âu. Kịch bản này có thể ảnh hưởng tới lực lượng Mỹ đang đồn trú ở 2 nước thành vien NATO: Romania và Ba Lan.

Ông Trump cân nhắc rút quân Mỹ khỏi châu Âu (ảnh: Reuters)

Ông Trump cân nhắc rút quân Mỹ khỏi châu Âu (ảnh: Reuters)

Khi được hỏi về thông tin này, Tổng thống Mỹ cho biết ông đang cân nhắc.

“Vâng, tôi có thể. Ý tôi là điều đó còn tùy. Chúng tôi chi tiền cho lực lượng Mỹ tại châu Âu. Nhưng chúng tôi không nhận được gì nhiều”, RT hôm 10/4 dẫn lời ông Trump.

Tổng thống Mỹ cho biết, ông có thể đưa vấn đề quân đội Mỹ đồn trú tại châu Âu vào các cuộc đàm phán thương mại sắp tới và hy vọng thu được lợi ích.

“Đó sẽ là một trong những điều chúng ta cần thảo luận. Vấn đề này không liên quan đến thương mại, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên gộp luôn vào cho tiện. Sẽ thật tuyệt khi vấn đề trở nên gọn gàng, được xử lý cùng lúc cho từng quốc gia. Bạn biết đấy, làm vậy gọn gàng và đỡ phiền phức hơn”, ông Trump nói.

Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho biết, tính đến đầu năm 2025, có gần 84.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại châu Âu, tập trung nhiều nhất ở 2 nước Đức và Ba Lan.

Nga kiểm soát khu vực thứ 2 ở Sumy

Hôm 10/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này đã kiểm soát làng Zhuravka ở vùng Sumy (lãnh thổ Ukraine).

“Các đơn vị thuộc cánh quân phía Bắc đã kiểm soát làng Zhuravka ở Sumy bằng những đợt tấn công mạnh mẽ”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Trước đó, hôm 6/4, quân đội Nga cũng tuyên bố kiểm soát ngôi làng Basivka, vùng Sumy (Ukraine). Lực lượng Ukraine sau đó phủ nhận thông tin này.

Theo nguồn tin của Ukrainska Pravda, làng Basivka đã bị san phẳng bởi bom dẫn đường và đang nằm trong “vùng xám” (vùng giao tranh) giữa quân đội Nga và Ukraine.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nếu Mỹ vẫn "cố chấp", Trung Quốc "sẽ đấu đến cùng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN, Reuters, TASS ([Tên nguồn])
Thế giới 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN