Thế giới 24h: Ông Trump quyết định công bố hồ sơ mật vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh giải mật các tài liệu liên quan đến 3 vụ ám sát có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ, trong đó có vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy.
Tổng thống Mỹ John F Kennedy trước khi bị ám sát năm 1963. Ảnh: Reuters
Ông Trump ra lệnh giải mật hồ sơ 3 vụ ám sát có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ
Theo BBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức lập kế hoạch giải mật các tài liệu liên quan đến 3 vụ ám sát có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ - vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy (22/11/1963), vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F Kennedy (em trai ông John F Kennedy, 5/6/1968) và vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr (4/4/1968).
"Rất nhiều người đã chờ đợi điều này trong thời gian dài, nhiều năm, nhiều thập kỷ", ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 23/1. "Và mọi thứ sẽ được tiết lộ".
Sắc lệnh này yêu cầu các quan chức hành chính cấp cao phải trình bày kế hoạch giải mật các tài liệu trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ký sắc lệnh.
Tổng thống John F Kennedy bị ám sát tại Dallas năm 1963. Em trai của ông là Robert F Kennedy bị ám sát khi đang tranh cử tổng thống ở California năm 1968, chỉ hai tháng sau khi Martin Luther King, nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng nhất nước Mỹ, bị ám sát tại Memphis, bang Tennessee.
Nhiều tài liệu liên quan đến cuộc điều tra đã được công bố trong những năm sau đó, mặc dù hàng nghìn tài liệu vẫn chưa được giải mật, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến cuộc điều tra rộng lớn về vụ Tổng thống John F Kennedy bị ám sát.
Cả ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và ông Joe Biden trong nhiệm kỳ của mình đều công bố hàng loạt tài liệu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy, nhưng hàng nghìn tài liệu - trong tổng số hàng triệu tài liệu - vẫn còn được giữ bí mật.
Trump đã hứa sẽ giải mật tất cả các hồ sơ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng đã hoãn lại lời hứa sau khi các viên chức CIA và FBI thuyết phục ông giữ bí mật một số hồ sơ.
Điện Kremlin “không thấy gì mới” trong lời đe dọa của ông Trump
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT
Theo RT, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/1 cho biết Nga "sẵn sàng đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau" với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Chúng tôi đang chờ đợi các tín hiệu, nhưng chúng tôi chưa nhận được", ông Peskov nói thêm. “Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump là Tổng thống Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất. Ông ấy ưu tiên giải pháp này”.
Ông Peskov nói thêm rằng Điện Kremlin "không thấy bất kỳ điều gì thực sự mới" trong lời đe dọa tăng trừng phạt của ông Trump.
Trước đó, ông Trump đưa ra cảnh báo trên mạng xã hội Truth, rằng nếu Nga không sớm đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine thì Mỹ không còn cách nào khác ngoài “tăng thuế quan, bổ sung thêm các lệnh trừng phạt”.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 23/1, ông Trump nói rất sẵn sàng và có thể sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo RT.
Thái tử Ả Rập Saudi đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ thời ông Trump
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman hôm 23/1 tuyên bố muốn đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm, sau khi ông Trump để ngỏ khả năng đến vương quốc này trong chuyến công du đầu tiên.
Đây là tuyên bố được thái tử Salman đưa ra trong cuộc điện đàm gần đây với ông Trump. Thái tử cũng để ngỏ khả năng tăng thêm đầu tư nếu có cơ hội.
Thái tử Ả Rập Saudi nói những cải cách của chính quyền ông Trump có thể "tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế chưa từng có" cho nước Mỹ và Ả Rập Saudi muốn tận dụng cơ hội này để đầu tư.
Ả Rập Saudi là quốc gia quân chủ chuyên chế với nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Doanh thu của quốc gia và các kế hoạch đầu tư đều phải thông qua hoàng gia, trong đó người lãnh đạo thực tế của vương quốc là thái tử Salman.
NATO: Châu Âu sẽ trả tiền mua vũ khí Mỹ để viện trợ cho Ukraine
Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 23/1 kêu gọi Mỹ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine và nói châu Âu sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí này. Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa phê duyệt thêm bất cứ gói hỗ trợ quân sự nào mới cho Ukraine.
"Về vấn đề Ukraine, chúng ta cần Mỹ tiếp tục tham gia. Nếu chính quyền ông Trump sẵn sàng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, châu Âu sẽ thanh toán chi phí. Tôi hoàn toàn tin tưởng điều này và chúng ta phải sẵn sàng làm điều đó", ông Rutte tuyên bố.
Trước đó, ông Trump nói Mỹ đã hỗ trợ gần 200 tỷ USD cho Ukraine và châu Âu cần “làm nhiều hơn nữa” để cân bằng mức hỗ trợ với Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thư ký NATO nói việc cần đảm bảo Nga không giành chiến thắng ở Ukraine.
"Chúng ta cần phải tăng cường hỗ trợ và không được giảm bớt sự giúp đỡ đối với Ukraine. Tình hình ở tiền tuyến hiện đang biến đổi theo chiều hướng không mong muốn", ông Rutte nói thêm.
Tỷ phú Elon Musk nêu sáng kiến giúp Mỹ tiết kiệm 179 triệu USD
Tỷ phú Elon Musk, người lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) – một ủy ban tư vấn của Nhà Trắng, hôm 23/1 đưa ra đề xuất có thể giúp Mỹ tiết kiệm 179 triệu USD.
Ông Musk đề xuất một trong những cách cắt giảm chi tiêu liên bang là loại bỏ đồng xu 1 cent của Mỹ.
"Chi phí sản xuất mỗi đồng xu này là hơn 3 cent và khiến người nộp thuế Mỹ tiêu tốn hơn 179 triệu USD trong năm tài chính 2023", ủy ban DOGE do ông Musk lãnh đạo, cho biết.
Đây là vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ từ lâu khi chi phí sản xuất đồng xu này đã tăng đều đặn trong vài năm qua. Báo cáo thường niên năm 2024 của Xưởng đúc tiền Mỹ cho thấy mỗi đồng xu 1 cent hiện tốn khoảng 3,7 cent để sản xuất và phân phối.
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết nghi phạm bắn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13-7 đã nghiên cứu về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Nguồn: [Link nguồn]
-24/01/2025 07:05 AM (GMT+7)