Thế giới 24h: Nga - Mỹ lên tiếng sau cuộc hội đàm lịch sử
Sau cuộc hội đàm tại Ả Rập Saudi, Nga và Mỹ đã nhất trí bảo đảm “bổ nhiệm đại sứ tại cả 2 nước” trong thời gian “nhanh nhất có thể” và xóa bỏ các rào cản trong quan hệ “suốt nhiều năm”.
Bên trong phòng họp, nơi quan chức cấp cao Nga - Mỹ gặp mặt ngày 18/2. Nguồn: Sky News
Mỹ lên tiếng sau cuộc họp với Nga
Phát biểu sau cuộc họp với phái đoàn Nga, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, các bên cần phải “đồng ý với thỏa thuận” về vấn đề Ukraine, ám chỉ đến vai trò của EU, theo The Guardian.
Ông Rubio cũng đánh giá cuộc họp tại Ả Rập Saudi là “bước đầu tiên trong một hành trình dài và khó khăn”.
“Quan trọng là chúng ta cần hiểu được 2 điều. Thứ nhất, Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất thế giới có thể thực hiện điều này (giải quyết xung đột ở Ukraine) và tập hợp các bên lại để thảo luận một cách nghiêm túc.
Thứ hai, để chấm dứt cuộc xung đột, các bên liên quan đều phải đồng ý với một thỏa thuận mà có họ có thể chấp nhận được”, ông Rubio nói.
Ám chỉ vai trò của EU trong việc giải quyết căng thẳng với Nga, ông Rubio nói: “Có những bên đang phải chịu lệnh trừng phạt, và Liên minh châu Âu cần tham gia bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó, vì họ cũng là một bên áp đặt trừng phạt”.
“Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt cuộc xung đột này theo cách công bằng, lâu dài, bền vững và được tất cả các bên liên quan chấp nhận. Vâng. Đó chính là mục đích của cuộc họp hôm nay”.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (trái) tại cuộc họp quan trọng ở Ả Rập Saudi (ảnh: Saudi Arabia Foreign Ministry/Handout/Anadolu/Getty Images)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, phái đoàn Nga – Mỹ đã nhất trí “giải quyết những vấn đề gây khó chịu” với mối quan hệ song phương, trong cuộc họp ở Ả Rập Saudi.
“Hai bên cũng nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao để đàm phán về vấn đề Ukraine”, ông Bruce nói, nhấn mạnh rằng Mỹ mong muốn “chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt theo hướng lâu dài, bền vững và được tất cả các bên chấp thuận”.
Ông Bruce cho biết, trong cuộc họp, phía Nga và Mỹ cũng bắt đầu tính đến “sự hợp tác trong tương lai” về các vấn đề địa chính trị, kinh tế và đầu tư mà 2 nước cùng quan tâm”. Tuy nhiên, khả năng này có thể xảy ra “sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết thành công”.
Bình luận của Nga sau khi hội đàm với Mỹ
Đánh giá về cuộc họp với phái đoàn Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc họp “rất hữu ích” và các bên “không chỉ lắng nghe, mà còn thấu hiểu lẫn nhau”.
“Tôi có mọi lý do để tin rằng phía Mỹ hiểu được lập trường của chúng tôi,” ông nói.
Ông Lavrov cho biết, Nga và Mỹ đã nhất trí bảo đảm “bổ nhiệm đại sứ tại cả 2 nước” trong thời gian “nhanh nhất có thể” và xóa bỏ các rào cản trong quan hệ “suốt nhiều năm” dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Biden.
Về vấn đề Ukraine, ông Lavrov cho biết, Nga - Mỹ có “mong muốn chung” là tìm ra giải pháp để chấm dứt xung đột.
“Các cuộc tham vấn có liên quan sẽ sớm bắt đầu và tiến hành thường xuyên”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cho biết, tiến trình đàm phán Nga – Mỹ về vấn đề Ukraine sẽ bắt đầu “sớm nhất có thể” sau khi lãnh đạo 2 nước bổ nhiệm quan chức trong phái đoàn ngoại giao. Và Nga sẽ chờ đợi Mỹ sắp xếp phái đoàn ngoại giao trước.
Khi được hỏi về kịch bản NATO triển khai quân đội tới Ukraine để gìn giữ hòa bình, ông Lavrov cho biết điều này “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ông Yuri Ushakov (bên trái) - trợ lý thân cận của Tổng thống Nga (ảnh: Reuters)
Trước đó, ông Yury Ushakov – trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin – cho biết, phái đoàn Nga và Mỹ đã có “cuộc thảo luận nghiêm túc về mọi vấn đề” trong cuộc gặp lại Ả Rập Saudi.
Ông Ushakov, người cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham gia cuộc họp đánh giá, cuộc đàm phán “không tệ” và các bên đã nhất trí tính đến lợi ích của nhau.
“Vẫn còn khó để nói về việc lập trường giữa 2 bên đã xích lại gần nhau hơn hay chưa, nhưng chúng tôi đã thảo luận về điều đó”, ông Ushakov nói.
Ông Ushakov cho biết, hiện chưa rõ khi nào Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump sẽ gặp nhau, nhưng sự kiện này sẽ không diễn ra vào tuần tới.
Vấn đề xung đột ở Ukraine cũng được đưa ra trong cuộc họp tại Ả Rập Saudi, ông Ushakov cho biết. Theo ông Ushakov, phái đoàn Nga – Mỹ đã nêu rõ lập trường của các bên về cuộc xung đột ở Ukraine và nhất trí sẽ đàm phán thêm.
“Các nhà đàm phán sẽ tiếp tục chủ đề này vào thời điểm thích hợp”, ông Ushakov nói. “Phía Mỹ sẽ chỉ định đại diện của họ, chúng tôi cũng làm điều tương tự và sau đó, công việc có thể bắt đầu”, ông Ushakov nói.
Ông Ushakov cho biết, thành phần phái đoàn Nga đàm phán về Ukraine sẽ do Tổng thống Nga Putin quyết định.
Bình luận về cuộc họp với phía Mỹ, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga, đánh giá mọi thứ là “tích cực”.
RT đưa tin, các thành viên của phái đoàn Nga đã rời khỏi phòng họp và lên xe sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 giờ với phái đoàn Mỹ.
Quan điểm của ông Putin về đàm phán hòa bình
Theo thông tin mới từ Reuters, phái đoàn Nga và phái đoàn Mỹ đã tiếp tục cuộc họp sau 15 phút tạm nghỉ. Thông tin từ cuộc họp vẫn chưa được tiết lộ với truyền thông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong thời gian nghỉ trưa giữa cuộc họp tại Riyadh, Ả Rập Saudi. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ/Guardian.
Tuy nhiên, từ Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phác họa lập trường của Nga về việc đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine. “Tổng thống Nga Putin đã liên tục tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình ngay từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu”, ông Peskov nói trong cuộc họp báo được tổ chức trong khi phái đoàn Nga – Mỹ đang họp tại Ả Rập Saudi.
“Điều quan trọng nhất với chúng tôi là đạt được mục tiêu của mình. Và tất nhiên, chúng tôi có thể sử dụng biện pháp hòa hình để đạt được mục tiêu đó”, ông Peskov nói.
Khi được hỏi rằng liệu ông Putin có sẵn lòng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Ukraine Zelensky hay không, ông Peskov nói Tổng thống Nga “sẵn sàng”. Tuy nhiên, tính hợp pháp về quyền lực tổng thống của ông Zelensky là vấn đề cần thảo luận, ông Peskov nói. Nhiệm kỳ tổng thống của Zelensky đã kết thúc hồi tháng 5/2024, song ông vẫn chưa quyết định tổ chức bầu cử với lí do Ukraine đang trong thời gian thiết quân luật.
Trong cuộc họp báo, ông Peskov cho biết, Nga phản đối Ukraine gia nhập các liên minh quân sự, đặc biệt là NATO. Nhưng nếu Ukraine mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thì đây là quyền chủ quyền của nước này.
Cùng ngày 18/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – cho biết, Nga phản đối Ukraine gia nhập NATO. “Từ chối cho phép Ukraine gia nhập NATO là chưa đủ. Khối này cần từ bỏ lời hứa tại hội nghị năm 2008, rằng Ukraine có thể trở thành thành viên”, bà Zakharova nói.
Cuộc họp lịch sử Nga - Mỹ
Theo Reuters, xe chở phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên về Trung Đông, Steve Witkoff đã rời khách sạn ở Riyadh lúc 13 giờ 50 phút (giờ Việt Nam) để tới địa điểm diễn ra cuộc họp. Cuộc họp đã bắt đầu sau đó ít phút.
Hai đại diện Nga tham dự cuộc họp là Ngoại trưởng Sergey Lavrov và trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, Kirill Dmitriev sẵn sàng tham gia cuộc họp để thảo luận về các khía cạnh xoay quanh vấn đề kinh tế, ông Ushakov cho biết.
Cuộc họp ở Ả Rập Saudi cũng là bước khởi đầu cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian tới, hướng đến một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoài ra, theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, các cuộc thảo luận sẽ “tập trung vào việc khôi phục toàn bộ quan hệ Nga - Mỹ”.
Quan chức Nga - Mỹ gặp mặt tại Ả Rập Saudi ngày 18/2. Ảnh: Tass
Một nguồn tin thân cận với các nhà ngoại giao Nga tiết lộ, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận.
Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông Lavrov và trợ lý của Tổng thống Nga, ông Ushakov có thể gửi thông tin tới ông Putin ngay trong cuộc họp với phái đoàn Mỹ nếu cần thiết.
Báo cáo chi tiết sẽ được trình lên ông Putin sau khi hai quan chức Nga trở về Moscow. “Nếu có thông tin cần truyền tải ngay thì các đường dây liên lạc đều sẵn sàng”, ông Peskov nói, theo TASS.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rời khách sạn ở Ả Rập Saudi để tới địa diểm diễn ra cuộc họp với phái đoàn Mỹ. ẢNh: Reuters.
Kiev và các nhà lãnh đạo châu Âu không được mời tham dự cuộc thảo luận này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine “không thể công nhận bất kỳ thỏa thuận nào về chúng tôi mà không có chúng tôi”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi "vội vàng" tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, cho rằng việc bắt đầu một cuộc thảo luận về kết quả của các cuộc đàm phán khi chúng chưa diễn ra, và không có sự tham gia của Ukraine, là điều “hoàn toàn không phù hợp”.
Cả hai phía Mỹ và Nga dường như đều không đánh giá cao khả năng cuộc gặp cấp cao đầu tiên sẽ mang lại bước đột phá. Tuy nhiên, bản thân việc xuất hiện các cuộc họp đã được đánh giá là một sự thay đổi lịch sử, và những động thái gần đây của Washington đối với Điện Kremlin đã khiến Ukraine và châu Âu lo ngại.
Cuộc thảo luận Nga - Mỹ diễn ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung tại Paris cho một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để tìm cách ứng phó với sự thay đổi chính sách đột ngột của chính quyền ông Trump.
Hội nghị đã ghi nhận những lời kêu gọi mạnh mẽ về việc gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, và Thủ tướng Anh Keir Starmer sau đó đã kêu gọi ông Trump cung cấp một “chốt chặn” của Mỹ cho lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine, nhấn mạnh rằng đây là cách duy nhất để ngăn Nga tiếp tục tấn công Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Washington đang cố gắng “làm hài lòng” ông Putin bằng cách “đưa ra những tuyên bố rất có lợi” cho Tổng thống Nga. Ông Ukraine khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần bao gồm những đảm bảo an ninh “mạnh mẽ và đáng tin cậy” – điều mà Pháp và Anh đã kêu gọi nhưng không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ tất cả các cường quốc châu Âu.
Đức muốn Mỹ đóng góp lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine
Đức chỉ đưa quân tới Ukraine trong trường hợp Mỹ cũng đóng góp binh sĩ, AFP dẫn nguồn tin trong chính phủ Đức hôm 17/2 cho biết.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Mỹ hối thúc châu Âu đảm nhận trách nhiệm giám sát an ninh ở Ukraine một khi xung đột kết thúc.
“Chúng tôi sẽ không tham gia trong trường hợp châu Âu triển khai quân mà Mỹ không can dự”, một quan chức Đức giấu tên nói.
Trước đó, Ba Lan cũng đã bác bỏ khả năng đưa quân tới Ukraine. “Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine như đã làm cho đến nay. Đó là viện trợ nhân đạo, tài chính và quân sự dựa trên khả năng”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 17/2 tuyên bố. “Chúng tôi không có kế hoạch gửi quân đội Ba Lan đến Ukraine”.
Cho đến nay, Anh là quốc gia châu Âu duy nhất sẵn sàng đưa quân tới Ukraine để đảm bảo an ninh.
Phản ứng của Trung Quốc trước thông tin Mỹ xóa tuyên bố "không ủng hộ Đài Loan độc lập”
Truyền thông quốc tế gần đây phát hiện một số thay đổi trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ về quan hệ với đảo Đài Loan (Trung Quốc), trong đó đáng chú ý nhất là xóa bỏ câu “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập”.
Hôm 17/2, khi được yêu cầu bình luận về cập nhật gần đây trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, nói động thái này thể hiện sự thay đổi nghiêm trọng trong lập trường của Mỹ về vấn đề Đài Loan và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc cũng như ba thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc.
Bà Chu nói động thái này can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gửi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng đến các lực lượng ly khai trên đảo Đài Loan. Động thái của Mỹ cũng để gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở hai bờ eo biển.
Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm, duy trì nguyên tắc một Trung Quốc, xử lý vấn đề Đài Loan một cách hết sức thận trọng, bà Chu nói. Bà cũng cảnh báo phe cầm quyền trên đảo Đài Loan rằng việc thúc đẩy độc lập bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ chắc chắn sẽ thất bại.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn hôm 17/2 cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
UAV Ukraine tấn công đường ống dẫn dầu lớn ở miền nam Nga, Moscow lên tiếng
Ukraine đã tấn công một trạm bơm chính thuộc đường ống lớn ở miền nam nước Nga, làm gián đoạn đường ống dẫn dầu kết nối với Kazakhstan, công ty điều hành đường ống cho biết hôm 17/2.
Trong cuộc tấn công mới nhất, 7 máy bay không người lái (UAV) chứa đầy thuốc nổ đã tấn công một trạm bơm thuộc Liên hợp đường ống Caspian (CPC), nơi vận chuyển dầu qua miền nam nước Nga để xuất khẩu qua Biển Đen, bao gồm cả Tây Âu.
"Việc vận chuyển dầu qua hệ thống đường ống Tengiz-Novorossiysk đang bị gián đoạn", công ty điều hành Kropotkinskaya cho biết. Đường ống dài 1.500 km được vận hành bởi một liên doanh bao gồm chính phủ Nga và Kazakhstan, cũng như các công ty nước ngoài.
Nghị sĩ Nga Dmitry Belik nói cuộc tấn công trên có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang thất vọng với sự thay đổi chính sách của Mỹ. Đây "khó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên", ông Belik nói, cho rằng Ukraine đang “tỏ ra phản kháng”.
“Ông Zelensky có thể đang bộc lộ sự thất vọng theo cách như vậy”, ông Belik, thành viên của Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, cho biết.
Theo Thượng nghị sĩ Nga Andrey Klimov, phương Tây cũng có thể đứng sau cuộc tấn công. Một số "thế lực" phương Tây, đặc biệt là Anh, có thể sẵn sàng thực hiện "bất kỳ hành động khiêu khích nào" để cản trở nỗ lực dàn xếp một thỏa thuận hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Klimov, phó chủ tịch ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga, nói với RT.
Ông Tập Cận Bình gặp lãnh đạo doanh nghiệp lớn giữa căng thẳng Mỹ, Trung
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/2 đã chủ trì một hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Huawei, Xiaomi, BYD…
Hội nghị được tổ chức nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp tư nhân. Ông Tập được cho là khuyến khích lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân mở rộng hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang leo thang.
Hội nghị cũng diễn ra khi nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc đang tạo ra tiếng vang lớn, gây chấn động ở Mỹ.
Ông Tập từ lâu đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần đạt được sự tự chủ về chất bán dẫn và muốn nước này sử dụng AI để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực phát triển công nghệ cao Trung Quốc đang bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip từ Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thêm thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4/2. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 15% thuế đối với than và khí đốt tự nhiên, 10% đối với xăng dầu, thiết bị nông nghiệp, phương tiện phát thải cao và xe bán tải.
Các quan chức Nga nói rằng đàm phán Mỹ-Nga tại Saudi Arabia mang tính song phương và sẽ không có sự tham gia của nước thứ ba.
Nguồn: [Link nguồn]
-18/02/2025 07:08 AM (GMT+7)