Thế giới 24h: Trung Quốc áp thuế 84% với hàng Mỹ, Washington tuyên bố “thắng lớn”

Bộ Tài chính Trung Quốc công bố tăng mức thuế bổ sung từ 34% lên 84% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng quyết định này của Bắc Kinh là “đáng tiếc”.

Trung Quốc khuyến cáo công dân du lịch tới Mỹ

Theo thông báo mới từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, công dân Trung Quốc nên cân nhắc rủi ro trước khi du lịch tới Mỹ.

Hôm 9/4, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết, họ đã khuyến cáo công dân nên đánh giá kỹ rủi ro khi du lịch tới Mỹ. Lý do là “sự suy giảm gần đây trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ và tình hình an ninh trong nước Mỹ”.

Theo Reuters, năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đã chi tới 15 tỷ USD tại Mỹ, nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác.

Năm 2024, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ có cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Reuters nhận định, việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đáp trả thuế quan lẫn nhau có thể khiến ít người Trung Quốc muốn đến Mỹ du lịch hơn.

Nghị sĩ Mỹ: Ông Trump gây “thiệt hại vĩnh viễn” chỉ sau 79 ngày

Hôm 9/4, ông Richard Neal, nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, chỉ trích gay gắt chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ.

“Như các bạn đã biết, có một nhóm chính trị mới vừa được thành lập trong cơ quan này. Nhóm đó có tên là đảng Cộng hòa ủng hộ thuế quan”, ông Neal nói.

Theo ông Neal, trước khi ông Trump nhậm chức, kinh tế Mỹ đã có cú “hạ cánh mềm” nhưng hiện tại, tình hình rơi vào hỗn loạn.

“Từ cú hạ cánh mềm mà Tổng thống Trump nhận được, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng GDP trung bình 2,9% và hàng triệu việc làm được tạo ra trong 4 năm trước, ông ấy chỉ mất 79 ngày để gây ra thiệt hại vĩnh viễn. Nguy cơ suy thoái ngày càng cao. Chúng ta đang chứng kiến mức tăng thuế quan lớn nhất trong nhiều thập kỷ, và một gia đình trung bình sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 3.800 USD chi phí phát sinh”, ông Neal nói.

Ông Trump lên tiếng sau khi Trung Quốc đáp trả thuế quan

Phát biểu hôm 9/4, trong bữa tiệc tối dành cho các thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ “làm tốt hơn” nhiệm kỳ trước về thuế quan.

“Lần này, chúng ta sẽ làm tốt hơn thế nhiều. Tôi đang làm những gì tôi muốn làm về thuế quan”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng nói thêm rằng, Quốc hội Mỹ không nên can dự vào vấn đề thuế quan vì “họ không giỏi đàm phán như tôi”.

Ông Trump trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục hôm 7/4 (ảnh: Reuters)

Ông Trump trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục hôm 7/4 (ảnh: Reuters)

EU xác nhận đáp trả thuế quan Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/4 đã thông qua các biện pháp đầu tiên nhằm đáp trả mức thuế quan 25% do Mỹ áp đặt đối với mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu của khối này, CNN đưa tin.

“EU coi thuế quan của Mỹ là không công bằng và gây thiệt hại kinh tế cho cả 2 bên, cũng như kinh tế toàn cầu. Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng mong muốn kết quả đàm phán với Mỹ, công bằng và cung có lợi”, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo.

Ủy ban châu Âu cho biết, biện pháp đáp trả thuế quan của EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/4. Ủy ban châu Âu không tiết lộ chi tiết về biện pháp này.

“Các biện pháp này có thể bị đình chỉ bất cứ lúc nào, nếu Mỹ đồng ý với một kết quả đàm phán công bằng và hợp lý”, Ủy ban châu Âu lưu ý.

Thị trường Mỹ tiếp tục lao dốc, ông Trump kêu gọi “bình tĩnh”

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi mở cửa phiên giao dịch ngày 9/4 (giờ Mỹ) sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 84% đối với hàng hóa Mỹ.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,68% (giảm hơn 230 điểm), S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ) giảm 0,35% còn chỉ số sàn giao dịch Nasdaq tăng 0,18%.

“Hãy bình tĩnh nào! Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại và tốt hơn bao giờ hết”, ông Trump bình luận trên mạng xã hội Truth khi thị trường chứng khoán Mỹ vừa mở cửa giao dịch.

Từ ngày 2/4, hàng nghìn tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi sàn giao dịch Mỹ khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại kinh tế suy thoái vì chính sách thuế quan.

Giới chức Mỹ hy vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm ổn định trở lại và khôi phục sắc xanh.

Trung Quốc “giáng đòn” Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) hôm 9/4 đã bổ sung 12 công ty, tổ chức Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu.

“Để bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí theo quy định của Luật kiểm soát xuất khẩu và các quy định khác, MOFCOM thông báo đưa 12 thực thể Mỹ vào danh sách hạn xuất khẩu và cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng (sử dụng cả cho mục đích dân sự và quân sự) cho các thực thể này”, MOFCOM thông báo.

Theo MOFCOM, 12 thực thể (nằm trong danh sách) do Trung Quốc công bố có thể tham gia các hoạt động gây nguy hại cho an ninh, lợi ích của Trung Quốc. Bất kỳ công ty nào cũng không được vi phạm quyết định của MOFCOM.

Các container ở cảng Nam Kinh (Trung Quốc) chờ xuất khẩu (ảnh: Reuters)

Các container ở cảng Nam Kinh (Trung Quốc) chờ xuất khẩu (ảnh: Reuters)

Cùng ngày 9/4, Trung Quốc cũng thêm 6 công ty Mỹ vào danh sách các công ty, tổ chức “không đáng tin cậy”, bao gồm Shield AI, Inc, Sierra Nevada Corporation, Cyberlux Corporation, Edge Autonomy Operations LLC, Group W and Hudson Technologies Co.

Theo MOFCOM, 6 công ty này, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, đã tham gia bán vũ khí cho đảo Đài Loan (Trung Quốc) hoặc hợp tác quân sự với Đài Loan, gây “tổn hại nghiêm trọng” tới chủ quyền quốc gia và an ninh của Trung Quốc.

Ông Bessent: Kinh tế Mỹ vẫn “khá tốt”

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent hôm 9/4 nhận định, nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng “khá tốt”, mặc dù thị trường chứng khoán lao dốc do tác động của chính sách thuế quan mới và các đòn đáp trả từ Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn của FOX Business, Scott Bessent thừa nhận ông có “một chút không chắc chắn” khi nói về tình hình kinh tế Mỹ hiện tại, nhưng lãnh đạo nhiều công ty đã nói với ông rằng “nền kinh tế vẫn rất vững chắc”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiết lộ thêm rằng, Nhà Trắng “bị choáng ngợp” bởi nhiều quốc gia muốn đàm phán lại về thuế quan. Ông Bessent là người dẫn đầu các cuộc đàm phán.

Trái với nhận xét của ông Bessent, Tổng giám đốc ngân hàng JPMorgan Chase (một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) hôm 9/4 cảnh báo, mức thuế quan mới của chính quyền ông Trump có thể đẩy Mỹ vào tình trạng suy thoái và tình trạng vỡ nợ hàng loạt.

Nga chỉ trích thuế quan của Mỹ

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 9/4, bà Maria Zakharova – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – cho rằng, chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho thấy sự coi thường đối với “các chuẩn mực của thương mại quốc tế”.

“Việc áp thuế quan vi phạm quy tắc cơ bản của WTO chứng tỏ rằng Mỹ không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi các tập quán của luật thương mại quốc tế”, bà Zakharova nói.

“Bất kỳ cú sốc nào với nền kinh tế thế giới, đe dọa tăng trưởng và làm suy giảm mức tiêu thụ đều dẫn tới triển vọng tiêu cực cho nhiều quá trình trên toàn cầu. Tình hình hiện tại càng làm dấy lên lo ngại lớn hơn khi chúng ta nói về 2 nền kinh tế lớn của thế giới”, bà Zakharova nói, đề cập tới cuộc đối đầu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một bình luận khác trên mạng xã hội, bà Zakharova cho rằng hành động tăng thuế quan là “cách làm ăn truyền thống” của Mỹ, nhưng đang trở thành “cú sốc” đối với nhiều quốc gia.

Đây là những chỉ trích đầu tiên của Nga đối với chính sách thuế quan mới do ông Trump công bố hôm 2/4 và có hiệu lực từ ngày 9/4. Nga không bị Mỹ đánh thuế, nhưng nguy cơ “chiến tranh thuế quan” đang khiến giá dầu giảm mạnh, tác động gián tiếp đến nguồn thu của Moscow.

EU tìm kiếm đối tác “ổn định hơn”, trong đó có Việt Nam

Ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc thuộc Nghị viện châu Âu – cho biết, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ bất ổn, EU đang tìm cách mở rộng các đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Hôm 9/4, EU dự kiến sẽ công bố biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ. Khối này bị Mỹ áp thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu.

“Trước mắt, chúng tôi đang tìm cách đàm phán với Mỹ vì có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi có thể tìm được tiếng nói chung”, ông Lange nói.

“Đồng thời, chúng tôi cũng đang tìm kiếm một liên minh rộng rãi hơn, không chỉ với Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Họ đang chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Chúng tôi mong muốn thương mại ổn định dựa trên luật pháp và các quy định của WTO”, ông Lange nói thêm.

Động thái của ông Trump sau khi Trung Quốc đáp trả thuế quan

Bình luận trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, giờ là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp quay lại đầu tư ở Mỹ.

“Giờ là lúc tốt nhất để đưa công ty của các bạn về Mỹ, như Apple và hàng loạt tập đoàn khác đang ồ ạt làm. Không thuế quan. Thủ tục cấp điện/năng lượng được phê duyệt gần như ngay lập tức. Không vướng các thủ tục rườm rà về bảo vệ môi trường. Đừng bỏ lỡ, hãy hành động ngay”.

Mỹ tuyên bố “thắng lớn”

Trả lời phỏng vấn của FOX Business, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng quyết định tăng thuế lên 84% của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ là “đáng tiếc”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (ảnh: Reuters)

Ông Bessent cảnh báo, Mỹ không loại trừ khả năng loại bỏ cổ phiếu của những công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch như một biện pháp đáp trả.

“Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi Trung Quốc không muốn đàm phán”, ông Bessent nói.

Theo ông Bessent, nhiều đối tác đang muốn thảo luận về cách tái cân bằng chính sách thương mại của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

“Đó là chiến thắng lớn của chúng tôi. Mỹ đang cố gắng tái cân bằng theo hướng sản xuất nhiều hơn, còn Trung Quốc đi theo hướng tiêu dùng nhiều hơn”, ông Bessent nói.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Bessent cũng cảnh báo Trung Quốc không nên phá giá đồng nhân dân tệ để đáp trả Mỹ.

“Tôi kêu gọi họ không nên làm như vậy và hãy ngồi vào bàn đàm phán”, ông Bessent nói.

Đồng nhân tệ hôm 9/4 neo ở giá 4,3498 nhân dân tệ/USD – thấp nhất trong vòng 17 năm qua.

Những ai đang đáp trả “đòn thuế” của ông Trump?

Theo NBC News, dù nhiều quốc gia vẫn chưa phát tín hiệu sẽ đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ, một số nước và liên minh đã nhanh chóng công bố các biện pháp đối phó.

Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước hôm nay tuyên bố sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức 84%, nhằm đáp lại loạt thuế mới của ông Trump.

Liên minh châu Âu (EU) – hiện đối mặt với mức thuế 25% của Mỹ – dự kiến sẽ phê duyệt gói thuế trả đũa đầu tiên trong ngày 9/4. Trong tuần này, khối gồm 27 quốc gia đã đề xuất mức thuế bổ sung lên đến 25% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời vẫn đang cân nhắc cách phản ứng đối với thuế Mỹ áp lên ô tô và các sản phẩm khác.

Với Canada, ông Trump cũng đã áp thuế 25%, khiến Ottawa tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” theo từng đồng USD, và áp ngược mức thuế 25% lên hàng hóa Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ lên tiếng

Theo NBC News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 9/4 nhận định rằng động thái trả đũa thuế quan mới nhất của Trung Quốc chỉ “bất lợi cho chính Trung Quốc”.

“Bắc Kinh là bên có thặng dư thương mại. Xuất khẩu của họ sang Mỹ gấp năm lần so với lượng hàng chúng ta xuất sang Trung Quốc", ông Bessent phát biểu trong cuộc phỏng vấn với FOX Business. “Họ có thể tăng thuế, nhưng điều đó thì có ý nghĩa gì đâu?”.

Nhà đầu tư lo ngại sau thông báo áp thuế mới của Trung Quốc

Trung Quốc ngày 9/4 tuyên bố sẽ áp thêm mức thuế 50% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nâng tổng mức thuế lên 84%. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đưa 6 công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” và bổ sung thêm 12 công ty khác vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc sẽ không được phép giao dịch với những doanh nghiệp nằm trong 2 danh sách trên. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về tên các công ty bị ảnh hưởng. Các biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4.

Giới đầu tư đã bắt đầu bộc lộ rõ sự lo ngại – thậm chí là hoang mang – trước động thái này. Tuy vậy, điều này không hẳn là bất ngờ, bởi Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu chính quyền ông Trump không rút lại các biện pháp áp thuế bổ sung.

Theo Al Jazeera, Bắc Kinh đang thể hiện lập trường cứng rắn và cho thấy họ sẵn sàng “chiến đấu đến cùng”, đúng như những tuyên bố trước đó.

Trung Quốc tung đòn thuế đáp trả Mỹ

Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, mức thuế 84% sẽ có hiệu lực từ 00:01 sáng theo giờ Trung Quốc (05:00 sáng theo giờ Anh) ngày 10/4. Mức thuế Trung Quốc công bố trước đó với hàng hóa Mỹ là 34%.

Bộ thương mại Trung Quốc cho biết việc tăng thuế quan của Mỹ là phản tác dụng, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh "có ý chí kiên định và phương tiện dồi dào để thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết và chiến đấu đến cùng".

“Lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng việc Mỹ tăng thuế sẽ không giải quyết được vấn đề của chính họ”, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố. “Thay vào đó, việc tăng thuế sẽ gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính, đẩy áp lực lạm phát của Mỹ lên cao, làm suy yếu cơ sở công nghiệp của Washington và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ, cuối cùng sẽ chỉ phản tác dụng".

Bộ này cũng phản đối quan điểm của Mỹ về mối quan hệ thương mại mất cân bằng, lập luận rằng khi tính đến các dịch vụ và thu nhập từ các công ty Mỹ hoạt động bên trong Trung Quốc, trao đổi kinh tế giữa hai nước "tương đối cân bằng".

Ngay sau thông báo áp thuế trả đũa của Bắc Kinh, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc.

Việc liên tục tăng thuế quan có nguy cơ khiến hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế quan trọng nhất thế giới bị đình trệ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: CN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: CN

Động thái áp thuế trên của Bắc Kinh diễn ra sau đợt tăng thuế mới nhất của Mỹ - đưa mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 104% - có hiệu lực vào đầu ngày 9/4.

Trung Quốc cũng gửi văn bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cảnh báo rằng quyết định áp thuế của Mỹ có nguy cơ làm gia tăng bất ổn trong thương mại toàn cầu.

“Tình hình đã leo thang đến mức nguy hiểm. Là một trong những bên bị ảnh hưởng, Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ hành động thiếu kiềm chế này", Trung Quốc nêu trong tuyên bố gửi WTO.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ , Washington đã xuất khẩu 143,5 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc vào năm 2024, trong khi nhập khẩu 438,9 tỷ USD hàng hóa.

Trung Quốc làm rõ thêm lập trường về thuế quan của ông Trump

Hãng thông tấn Tân Hoa xã ngày 9/4 đã làm rõ thêm lập trường của Bắc Kinh trước các mức thuế quan mới từ ông Trump, sau khi cảnh báo sẽ có thêm “biện pháp đáp trả”.

Dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ “ngay lập tức gỡ bỏ các mức thuế đơn phương áp đặt, đồng thời phối hợp với Trung Quốc để tăng cường đối thoại, kiểm soát bất đồng và thúc đẩy hợp tác”.

Nguồn tin nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cả hai bên “thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng”, từ đó cùng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Trung - Mỹ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Đồng USD mất giá

Đồng USD đã giảm giá vào ngày 9/4, cùng với trái phiếu chính phủ Mỹ, trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có đang tiến tới suy thoái hay không.

Cụ thể, theo Guardian, chỉ số USD (USD Index) – đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ thương mại (tập hợp các đồng tiền của những quốc gia mà một nước có quan hệ thương mại đáng kể) – đã giảm 0,7% trong ngày 9/4. 

Đồng euro tăng 0,75%, lên mức 1,104 USD/euro. Đồng bảng Anh (sterling) cũng tăng 0,3% so với đồng USD, với mỗi bảng đổi được 1,281 USD. Đồng yên của Nhật Bản cũng tăng 0,6% so với USD, với 1 USD đổi được 145,48 yên.

Ông Lee Hardman, chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG – một ngân hàng đầu tư của Nhật Bản – nhận định: “Diễn biến giá bất lợi đã khiến nhiều người đặt nghi vấn về vị thế ‘tài sản trú ẩn an toàn’ hay tài sản ít mất giá của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD, trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu đang leo thang". 

Trung Quốc phản ứng gắt

“Mỹ tiếp tục lạm dụng thuế quan để gây áp lực lên Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ không bao giờ chấp nhận kiểu bắt nạt như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/4.

Ông Lâm cho rằng nếu Mỹ muốn giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, thì cần phải thể hiện “thái độ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các “biện pháp kiên quyết và hiệu quả” để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, Bộ Thương mại Trung Quốc cam kết sẽ “kiên quyết áp dụng các biện pháp đáp trả” và “chiến đấu đến cùng” nếu Mỹ vẫn tiếp tục leo thang các biện pháp hạn chế thương mại.

“Tôi muốn nhấn mạnh, không có bên nào thắng trong một cuộc chiến thương mại, và Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng chính phủ Trung Quốc tuyệt đối sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi quyền lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm và tước đoạt", Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại.

Ông Trump bị kiện vì chính sách thuế quan

Theo Al Jazeera, Liên minh Tự do Dân sự Mới (New Civil Liberties Alliance - NCLA), một tổ chức vận động theo khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ, đang đệ đơn kiện các mức thuế quan của ông Trump lên tòa án liên bang Mỹ. Tổ chức này lập luận rằng Tổng thống Mỹ đã vượt quá thẩm quyền pháp lý của ông.

Ông Trump đã thúc đẩy việc áp thuế một cách thần tốc bằng cách viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act – IEEPA), nhưng NCLA cho rằng ông Trump đang lạm dụng đạo luật.

“Đạo luật này chỉ cho phép thực hiện các biện pháp khẩn cấp cụ thể như áp đặt trừng phạt hoặc đóng băng tài sản để bảo vệ Mỹ khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài. Đạo luật không cho phép tổng thống áp thuế", NCLA tuyên bố.

NCLA cũng cho rằng Tổng thống đã “đoạt quyền kiểm soát thuế quan của Quốc hội” và vi phạm nguyên tắc phân quyền được quy định trong hiến pháp Mỹ.

Theo Al Jazeera, vụ kiện của NCLA phản ánh những lập luận phản đối thuế quan từng được đưa ra bởi nhiều nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm 2 Thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Rand Paul.

Nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng ở Đức và Pháp

Đức đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế khác do căng thẳng thương mại gây ra bởi các mức thuế của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Đức Jorg Kukies cảnh báo.

Phát biểu với đài phát thanh Deutschlandfunk sáng 9/4, ông Kukies nói: "Một cuộc xung đột thương mại tiềm tàng chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, điều đó là không thể phủ nhận".

Tại Pháp, ông Patrick Martin - người đứng đầu tổ chức vận động hành lang doanh nghiệp Medef - cũng cảnh báo, một cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và dẫn đến suy thoái.

“Tất nhiên là tôi lo lắng", ông Patrick Martin nói với đài RTL khi được hỏi về tác động của thuế quan đối với các doanh nghiệp Pháp. “Nguy cơ là tăng trưởng sẽ đình trệ và chúng ta sẽ rơi vào suy thoái".

Ông Trump: "Tôi là người duy nhất dám áp thuế, vì ai cũng sợ"

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo Sky News, ông Trump tối 8/4 khẳng định rằng ông đúng còn tất cả những người khác đều sai về những rủi ro từ thuế quan.

“Tôi biết mình đang làm cái quái gì. Tôi biết mình đang làm gì, và các vị cũng biết tôi đang làm gì", ông Trump nói. “Tôi là người duy nhất dám áp thuế, vì ai cũng sợ. Họ sợ bị chỉ trích".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trước đó cho biết điện thoại “reo không ngớt” và đã có tới 70 quốc gia liên hệ để tìm kiếm các thỏa thuận nhằm được dỡ bỏ thuế quan.

Ông Trump khoe rằng chỉ có ông mới đủ khả năng ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Quốc hội có thể đảm nhận vai trò đó.

“Một số nghị sĩ Cộng hòa nổi loạn - vài người muốn thể hiện và nói rằng ‘Tôi nghĩ Quốc hội nên đảm nhận việc đàm phán.’ Để tôi nói cho các vị biết, họ không biết đàm phán như tôi đâu", ông Trump tuyên bố.

Thị trường chứng khoán châu Á hứng tác động tiêu cực

Theo NBC News, thị trường chứng khoán châu Á đã sụt giảm vào ngày 9/4, khi các mức thuế đối ứng của ông Trump chính thức có hiệu lực.

Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,36%, giảm tổng cộng 20% kể từ tháng 7, theo CNBC.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 3,8%, còn chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,55%.

Sẽ áp thuế đến khi Trung Quốc chịu thỏa thuận

Theo NBC News, ông Trump tối 8/4 tuyên bố, việc áp thuế 104% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được duy trì cho đến khi Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận với Washington.

“Cho đến khi họ đạt thỏa thuận với chúng ta, nếu không thì việc áp thuế vẫn sẽ như vậy", ông Trump phát biểu tại bữa tiệc của Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa. “Tôi nghĩ cuối cùng họ sẽ thỏa thuận thôi. Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Họ thực sự muốn".

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu ông Trump tiến hành kế hoạch áp thêm mức thuế 50% đối với hàng hóa Trung Quốc (hiện đã có hiệu lực), nâng tổng mức thuế lên 104%.

Ông Trump bình luận về tình hình thuế quan

Ông Trump tối 8/4 (giờ địa phương) ca ngợi chính sách thuế nhập khẩu của chính quyền ông đối với gần như tất cả các mặt hàng, gọi đó là “huyền thoại”.

Tại buổi tiệc tối của Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa ở Washington tối 8/4, ông Trump dự đoán Đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.

“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang được hưởng lợi rất nhiều từ tình hình thuế quan hiện nay, và đó là một tình hình tốt", ông Trump nói. “Nó tuyệt vời. Nó sẽ trở thành huyền thoại".

60 nền kinh tế bị ông Trump áp thuế

Theo BBC, thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ khoảng 60 quốc gia đã có hiệu lực.

Các quan chức của ông Trump cho biết những quốc gia này áp thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ, áp đặt các rào cản phi thuế quan đối với thương mại Mỹ hoặc có hành động làm suy yếu các mục tiêu kinh tế của Washington.

Theo Reuters, ông Trump đã phát đi những tín hiệu trái chiều tới giới đầu tư về việc liệu các mức thuế mới có duy trì lâu dài hay không, khi một mặt mô tả các mức thuế là “vĩnh viễn”, mặt khác lại khoe rằng chúng đang gây áp lực buộc lãnh đạo các nước khác phải đề nghị đàm phán.

“Có rất nhiều quốc gia muốn tham gia đàm phán", ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng chiều 8/4. Tại một sự kiện sau đó, ông cho biết ông kỳ vọng Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm một thỏa thuận.

Chính quyền ông Trump đã lên lịch đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn - và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ tới thăm vào tuần tới.

Theo Reuters, Phó Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào cuối ngày 9/4.

Theo BBC, Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế cao nhất, lên tới 104%. Đây là tổng hợp của mức thuế 20% được áp trước đó, 34% công bố vào tuần trước, và 50% vừa được ông Trump áp đặt vài giờ trước, sau khi Bắc Kinh từ chối rút lại mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ.

Các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản với mức thuế 24% và Campuchia với 49%.

Các mức thuế quan này cao hơn đáng kể so với mức thuế cơ bản 10% áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ hầu hết các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4.

Nga tuyên bố kiểm soát làng Guyevo ở vùng Kursk

Binh sĩ Nga chiến đấu ở vùng Kursk (ảnh: RIA Novosti)

Binh sĩ Nga chiến đấu ở vùng Kursk (ảnh: RIA Novosti)

Hôm 8/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã kiểm soát làng Guyevo ở vùng Kursk.

“Các đơn vị thuộc cánh quân phía Bắc đã giành lại Guyevo bằng những đợt tấn công mạnh mẽ”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Một sĩ quan Nga cho biết, binh sĩ Nga đã giương quốc kỳ ở làng Guyevo.

“Sau khi kiểm soát Guyevo, quân đội Nga có thể đẩy mạnh hơn nữa các cuộc tấn công hướng tới vùng Sumy (Ukraine)”, sĩ quan Nga nói, nhấn mạnh rằng các binh sĩ phát hiện số lượng lớn vũ khí, đạn dược do phương Tây viện trợ Ukraine ở Guyevo.

Ông Alexander Khinshtein, thống đốc vùng Kursk, hôm 8/4 cho biết, việc Guyevo được giải phóng cho thấy quân đội Nga có khả năng tái kiểm soát toàn bộ vùng Kursk “trong thời gian ngắn”.

Theo TASS, sau khi mất Guyevo, lực lượng Ukraine chỉ còn “2 chân kiềng” ở Kursk là Gornal và Oleshnya. Nếu giành lại 2 ngôi làng này, quân đội Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn vùng Kursk.

Ukraine chưa bình luận về tình hình giao tranh ở Guyevo.

Ông Trump nói "không hài lòng" với Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ, Nga và Ukraine có thể sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng ông không hài lòng về tình hình hiện tại.

“Chúng tôi đang họp với Nga, chúng tôi đang họp với Ukraine và chúng tôi đang tiến gần đến mục tiêu. Nhưng tôi không hài lòng về các vụ ném bom xảy ra trong tuần qua. Mọi thứ thật tệ”, Kyiv Independent hôm 8/4 dẫn lời ông Trump.

“Tôi không hài lòng về những gì đang diễn ra vì họ (Nga) đang ném bom rất nhiều ngay lúc này. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Đó không phải tình hình tốt”, ông Trump nói.

Hôm 25/3, Mỹ tuyên bố Nga và Ukraine đồng ý ngừng bắn vào hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine sau đó đều cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn.

Hôm 8/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng Ukraine tấn công các cơ sở năng lượng của Nga 2 lần ở khu vực Kursk và Zaporizhia.

Ở Kursk, một đường dây điện cao thế đã bị hư hại do máy bay không người lái (UAV) tấn công.

Chuyên gia Mỹ: Chính quyền ông Trump hiểu sai công trình nghiên cứu thuế quan

Brent Neiman – cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden – cho rằng, chính quyền ông Trump đã hiểu sai về nghiên cứu thuế quan của ông.

Ông Trump nói chuyện với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một (ảnh: Reuters)

Ông Trump nói chuyện với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một (ảnh: Reuters)

Năm 2021, ông Neiman công bố một báo cáo nghiên cứu về tác động của thuế quan đối với giá cả hàng hóa tại Mỹ. Bản báo cáo này được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trích dẫn hồi tuần trước, khi lý giải về cách Mỹ tính toán mức thuế quan tăng lên với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Về cơ bản, tôi không đồng ý với chính sách và cách tiếp cận thương mại của chính phủ”, ông Neiman viết trong một bài xã luận được New York Times đăng tải.

Theo ông Neiman, “sai lầm lớn nhất” của chính quyền ông Trump là cho rằng thâm hụt thương mại “là biểu hiện chắc chắn cho thấy hành vi không công bằng của bên kia”.

Ông Neiman cũng cảnh báo giá cả hàng hóa ở Mỹ sẽ tăng mạnh khi mức thuế mới có hiệu lực.

Trích dẫn kết quả nghiên cứu, ông Neiman cho rằng, mức thuế quan “được tính toán” sẽ thấp hơn đáng kể thuế quan mà ông Trump công bố và “có lẽ chỉ bằng 1/4”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế thêm nếu Trung Quốc không rút lại các biện pháp trả đũa thuế quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RIA Novosti, Kyiv Independent, Reuters ([Tên nguồn])
Thế giới 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN