Thế giới 24h: Lí do ông Zelensky từ chối đề xuất Mỹ sở hữu 50% lượng đất hiếm của Ukraine 

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã từ chối đề xuất Mỹ sở hữu 50% lượng đất hiếm của Ukraine, viện dẫn lý do thiếu sự đảm bảo an ninh trong thỏa thuận.

Ông Zelensky hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào tuần này. Ảnh: Reuters.

Ông Zelensky hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào tuần này. Ảnh: Reuters.

Ông Zelensky muốn tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn với Mỹ

Theo tờ Financial Times (FT) của Anh, 3 nguồn tin am hiểu vấn đề nói thỏa thuận trao đổi tài nguyên của Ukraine cần liên hệ trực tiếp với sự đảm bảo an ninh của Mỹ và châu Âu.

Ông Zelensky gần đây có cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Cuộc họp kéo dài khoảng một giờ và ông Zelensky không ký đề xuất đổi đất hiếm do Mỹ đưa ra.

Một quan chức Ukraine am hiểu vấn đề tiết lộ, thỏa thuận của Mỹ không có điều khoản cam kết an ninh. “Đây là cách đàm phán của ông Trump. Rất bất lợi với chúng tôi”, quan chức Ukraine giấu tên nói.

Theo nguồn tin, ông Zelensky đã đặt câu hỏi về việc thỏa thuận trao đổi đất hiếm sẽ đóng góp như thế nào cho an ninh lâu dài của quốc gia nhưng chỉ nhận được phản hồi chung chung rằng nó sẽ đảm bảo sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine.

Trong cuộc họp, ông Bessent cũng đề cập việc Mỹ có thể chỉ duy trì sự hiện diện ở các địa điểm khai thác khoáng sản nhưng như vậy “cũng đủ để răn đe Nga”.

Hai nguồn tin cho biết, một điều khoản gây tranh cãi khác trong thỏa thuận là việc mọi tranh chấp về quyền khai thác khoáng sản phải được giải quyết tại tòa án New York (Mỹ). Do đó, ông Zelensky đã từ chối đề xuất của Mỹ để "cố gắng đàm phán một thỏa thuận tốt hơn".

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng “chơi đến cùng” với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này sẽ "chơi đến cùng" nếu Mỹ kiên quyết gây sức ép, khẳng định Bắc Kinh không muốn mong muốn điều này.

"Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ vẫn gây sức ép với Trung Quốc, chúng tôi sẽ chơi tới cùng", ông Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.

Ông Vương Nghị cũng khẳng định Trung Quốc vẫn sẵn sàng xây dựng mối quan hệ song phương ổn định, lành mạnh và bền vững với Mỹ.

"Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của thế giới, cũng như tương lai của quan hệ Trung - Mỹ. Chỉ có một hướng mà chúng ta nên hướng tới - ba nguyên tắc mà tôi đã nhiều lần nhắc đến, đây cũng là kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng quốc tế", ông Vương nhấn mạnh, đề cập các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.

Ông Vương Nghị nói Trung Quốc đã không ngừng phát triển bằng cách vượt qua những khó khăn, trở ngại, bất chấp sức ép. Ông trích dẫn cổ ngữ Trung Quốc, trong đó có một câu: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức" (nghĩa là trời đất vận hành mạnh mẽ không ngừng, người quân tử noi theo mà tự cường không nghỉ).

"Nếu những câu này khó dịch, các bạn có thể nhờ DeepSeek trợ giúp", ông Vương nói, ám chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Trung Quốc phát triển.

Ông Zelensky kêu gọi thành lập quân đội riêng của châu Âu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/2 kêu gọi thành lập quân đội riêng của châu Âu với lý do châu lục không còn chắc chắn được Mỹ bảo vệ.

"Chúng ta không thể loại trừ khả năng rằng Mỹ có thể khước từ châu Âu trước các vấn đề đang đe dọa khu vực. Rất nhiều lãnh đạo đã nói châu Âu cần thiết lập một đội quân riêng. Và tôi thực sự tin rằng đã tới lúc thành lập lực lượng vũ trang của châu Âu", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Ông Zelensky nói bài phát biểu trước đó của Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance đã thể hiện mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang thay đổi. Bài phát biểu tại Munich của ông Vance vấp phải nhiều sự chỉ trích khi công kích châu Âu. Đức đã chỉ trích mạnh mẽ bài phát biểu này.

Theo ông Zelensky, việc thành lập quân đội châu Âu là điều cần thiết để "tương lai của châu lục chỉ phụ thuộc vào người châu Âu và các quyết định sẽ được đưa ra tại châu Âu".

Nga đạt thỏa thuận đột phá, thành lập căn cứ hải quân mới ở Biển Đỏ

Sudan – quốc gia châu Phi nằm bên bờ Biển Đỏ, gần đây xác nhận đã cho phép Nga thiết lập căn cứ hải quân. Thỏa thuận dường như đạt được trong chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Sudan Ali Youssef Ahmed al-Sharif vào tuần này.

Ông al-Sharif nói Nga và Sudan không cần ký thỏa thuận mới, bởi hai bên đã có sẵn thỏa thuận sơ bộ vào năm 2020 và hiện không có bất cứ rào cản nào. Theo thỏa thuận, Nga được phép thiết lập một trung tâm hậu cần hải quân có khoảng 300 nhân sự và duy trì 4 tàu hải quân, bao gồm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận có hiệu lực trong 25 năm.

Nga bắt đầu thảo luận về việc xây dựng căn cứ hải quân ở Sudan vào năm 2017. Thỏa thuận ban đầu được ký kết dưới thời Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Tuy nhiên, khi ông al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, các tướng quân đội Sudan nói thỏa thuận cần xem xét lại.

Sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào đạt được “sau lưng” Ukraine, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN