Thấy gì từ việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022?
Không chỉ sẽ không cử đoàn ngoại giao dự Olympic Bắc Kinh 2022, Mỹ có vẻ muốn lôi kéo thêm nhiều đồng minh hành động tương tự để đánh mạnh uy tín của Trung Quốc.
Hôm 6-12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chính thức thông báo Mỹ sẽ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022, không gửi phái đoàn ngoại giao sang Trung Quốc (TQ) dự lễ khai mạc sự kiện thể thao này, theo hãng tin Reuters.
Bà Psaki cho biết Mỹ đã thông báo quyết định này đến các đồng minh. Đội vận động viên Mỹ vẫn sẽ sang Bắc Kinh tham dự Thế vận hội Olympic và sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ quê nhà, theo bà Psaki.
Trong tuyên bố ngày 6-12, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết tiếp tục giữ lập trường trung lập tôn trọng quyết định của Mỹ. Theo IOC, sự có mặt của các phái đoàn ngoại giao là quyết định mang tính chính trị của mỗi nước. |
Đòn công kích mới của Mỹ vào Trung Quốc
Trả lời hãng thông tấn DW, GS Jurgen Mittag chuyên về chính sách thể thao thuộc ĐH Thể thao Đức nhận định việc tẩy chay bằng cách không gửi phái đoàn ngoại giao sang dự lễ khai mạc nhìn chung vẫn còn nhẹ tay hơn là rút hẳn đoàn vận động viên thi đấu. Dù vậy, không nên xem nhẹ tác động từ hành động của Mỹ vì Thế vận hội Olympic là một sự kiện tầm cỡ quốc tế.
“Với vai trò là một nước lớn đăng cai Thế vận hội Olympic 2022, hình ảnh TQ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi bị nước khác như Mỹ tẩy chay, vì chẳng khác nào bị đánh giá rằng mình không uy tín và không xứng đáng để đăng cai một sự kiện hữu nghị như vậy. Điều này đánh mạnh vào tuyên bố trở thành cường quốc có trách nhiệm của TQ” - theo ông Mittag.
Giám đốc Viện nghiên cứu luật thể thao và giải trí thuộc ĐH New Hampshire (Mỹ) - GS Michael McCann cũng cho rằng hành động của Mỹ có sức nặng nhất định bởi chính quyền nước này từng có nhiều tiền lệ sử dụng Thế vận hội Olympic để thể hiện quan điểm chính trị. Tuy nhiên theo ông, “nếu Mỹ muốn thành công hơn thì phải đi kèm việc tẩy chay này với các hành động khác để tăng hiệu quả vì vẫn gửi vận động viên thi đấu là đã có phần nhượng bộ rồi”. Ông gợi ý rằng “Mỹ nên kết nối thêm các nước cùng chí hướng khác để đưa TQ vào vòng vây ngoại giao”.
Một bức tượng quảng bá cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 đặt tại Công viên Shougang ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AP
Nhìn chung, việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 là một bước lùi nữa trong quan hệ Mỹ - Trung, sau thời gian dài căng thẳng không ngừng tăng vì xung đột lợi ích và xung đột giá trị hai bên.
Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Biden liên tục có các bước đi cho thấy quyền con người là một trong những trọng tâm chính trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhiệm kỳ này. Khi gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11, ông Biden cũng được cho đã trao đổi thẳng thắn vấn đề này với ông Tập. Tuy nhiên, việc hội nghị thượng đỉnh kết thúc chóng vánh sau đó mà không ra được cam kết cụ thể nào cộng thêm đòn tẩy chay của Mỹ nói trên cho thấy các tranh cãi về quyền con người giữa Mỹ và TQ vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Trung Quốc: Sẽ đáp trả đòn của Mỹ
Ngay sau quyết định của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên lập tức tuyên bố Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc bị tẩy chay ngoại giao và cảnh báo rằng sẽ sớm có biện pháp đáp trả thích đáng, theo đài CNN.
“Mỹ, vì thiên lệch ý thức hệ cũng như nghe theo các tin đồn và thông tin xuyên tạc, đang cố tình phá hoại nỗ lực đăng cai Thế vận hội Olympic của TQ. Những hành động như vậy sẽ chỉ làm xói mòn thêm uy tín và đạo đức của nước này, làm ảnh hưởng tới không khí hữu nghị và đoàn kết của Thế vận hội Olympic. Mỹ phải nhận thức rõ hậu quả nghiêm trọng mà họ gây ra” - ông Triệu gay gắt.
Trước đó cùng ngày 6-12, ông Triệu từng phát lời kêu gọi những người muốn tẩy chay Thế vận hội Olympic 2022 “đừng hành xử quá khích” và dừng các hành động làm “ảnh hưởng đến đối thoại và hợp tác giữa TQ và Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng”.
Phát ngôn viên của phái đoàn đại diện thường trực TQ tại Liên Hợp Quốc - ông Zhu Zhiqiang cũng lên tiếng chỉ trích rằng Mỹ đang cố tình chính trị hóa thể thao, gây chia rẽ và khiêu khích TQ. Ông này khẳng định rằng Mỹ làm vậy sẽ chỉ càng tự cô lập chính mình trên trường quốc tế và đứng ngoài “xu hướng chung của thời đại và nhân dân các nước khác trên toàn cầu”.
Nhiều nước tỏ ý ủng hộ Mỹ tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 Việc thiếu vắng đoàn ngoại giao Mỹ tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 nhiều khả năng sẽ không làm TQ quá lo ngại, tuy nhiên chắc chắn cái đáng lo hơn với TQ là rủi ro những nước khác sẽ hưởng ứng và đồng loạt tẩy chay ngoại giao TQ, CNN nhận định. Hiện đã có New Zealand là nước thứ hai sau Mỹ thông báo sẽ không cử phái đoàn quan chức dự Olympic Bắc Kinh 2022 với lý do lo ngại tình hình COVID-19 ở đây cùng “một số lý do khác”. Chính quyền nước này có giải thích là quyết định này không liên quan tới hành động tẩy chay của Mỹ. Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn nguồn tin nội bộ chính quyền Úc cho biết nước này cũng đang theo dõi hành động của Mỹ và sẽ có bước hỗ trợ cần thiết cho nỗ lực tẩy chay. Anh và Canada được cho là cũng có lập trường tương tự. Tại châu Á, Nhật đã có phản ứng chính thức về sự việc. Cụ thể, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định mọi quyết định liên quan tới việc có gửi đoàn ngoại giao tới dự Olympic Bắc Kinh 2022 hay không sẽ dựa trên lợi ích quốc gia của riêng Nhật. |
Mỹ sẽ không cử quan chức tới Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào đầu năm tới, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki...
Nguồn: [Link nguồn]