Thấy gì từ chuyến thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo quốc tế

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang gấp rút đến thăm Trung Quốc trong tháng 4 này, trong số đó gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Trước đó, trong tuần qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã tới Bắc Kinh.

“Điểm nhấn” mang tên Ukraine

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 30/3 đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Lý Cường và trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của một quốc gia châu Âu đến thăm Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19, chỉ sau Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Felix Bolanos cho biết “khả năng hòa giải trong cuộc chiến Ukraine” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lý do chính cho chuyến thăm của Thủ tướng Pedro Sanchez. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cho hay, ông sẽ “tìm hiểu trực tiếp lập trường của Trung Quốc đối với hòa bình ở Ukraine và chuyển tải thông điệp rằng người dân Ukraine sẽ thiết lập các điều kiện cho hòa bình”. Ông nói thêm rằng, lời mời trước đây của ông Tập Cận Bình tới thăm Trung Quốc chứng tỏ “sự công nhận quốc tế dành cho Tây Ban Nha trong thời điểm có những khó khăn địa chính trị phức tạp”.

Thủ tướng Pedro Sanchez và người đồng cấp Lý Cường tại Bắc Kinh ngày 31/3. Ảnh: EPA

Thủ tướng Pedro Sanchez và người đồng cấp Lý Cường tại Bắc Kinh ngày 31/3. Ảnh: EPA

Đối với Trung Quốc, khi được hỏi về chuyến thăm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc và Tây Ban Nha có mối quan hệ phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định. Hai nhà lãnh đạo duy trì tốt liên lạc. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Pedro Sanchez diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần trước nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình 12 điểm đối với xung đột Ukraine.

Bên cạnh Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng sang thăm Trung Quốc vào đầu tháng này để thảo luận về tình hình Ukraine. Tổng thống Pháp nói rằng, ông đã đề nghị Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cùng tới Trung Quốc vào ngày 4/4 để tạo tiếng nói thống nhất về vấn đề này.

Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình trong khi ông sẽ ghé qua Bắc Kinh để đối thoại chiến lược với Ngoại trưởng nước chủ nhà Tần Cương trước khi sang Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh các Ngoại trưởng G7 vào ngày 16/4. Ngoài ông Emmanuel Macron và bà Ursula von der Leyen, ông Josep Borrell cũng sẽ sớm đến thăm Trung Quốc, song vẫn chưa ấn định ngày cụ thể.

Theo giới chuyên gia, trong các chuyến thăm, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cố gắng thuyết phục Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, trong bối cảnh lục địa già lo ngại rằng một động thái như vậy có thể châm ngòi cho Thế chiến III. Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, việc nhiều lãnh đạo châu Âu sẵn sàng thăm nước này được xem là động thái quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy hơn vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình tại Ukraine.

Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, ông Cui Hongjian cho rằng, Trung Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. “Các nước châu Âu biết rằng Trung Quốc không chỉ có khả năng mà còn thể hiện thiện chí đưa ra đề xuất hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Họ muốn bày tỏ quan điểm của châu Âu về vấn đề này”, vị chuyên gia cho hay.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Anh tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải Gao Jian cho hay, trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu vẫn trì trệ, châu Âu nhận ra rằng chính sách “tách rời” vốn do Mỹ đề xuất (ý tưởng giảm sự phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực) tác động tiêu cực đến châu Âu. Từ đó, chuyên gia Gao Jian cho rằng, EU nên tập trung vào việc củng cố quan hệ kinh tế và thương mại song phương với Trung Quốc.

Một số nhà ngoại giao Tây Âu nhận định kỳ vọng về các chuyến thăm khá thấp song chính việc các nhà lãnh đạo trực tiếp đến và bày tỏ quan điểm sẽ khiến các cuộc gặp trở nên có giá trị. Cũng trong những tuần gần đây, ngôn từ dành cho Trung Quốc tại Brussels đã dịu đi ít nhiều. Các nhà ngoại giao giờ đây nói kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh là “thiếu sót” thay vì “hoàn toàn lãng phí thời gian” như trước.

Họ chỉ ra thực tế rằng, Ukraine không hoàn toàn bác bỏ kế hoạch và có một số điểm trùng lặp với quan điểm của chính Kiev về việc chấm dứt chiến tranh. Sau chuyến công du cấp nhà nước tới Moscow vào tuần trước, một số người đang chờ xem liệu bây giờ Chủ tịch Tập Cận Bình có gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không. Các nhà lãnh đạo EU lo ngại việc tiếp tục chỉ trích kế hoạch hòa bình của Trung Quốc sẽ đẩy Bắc Kinh đến gần hơn với Moscow.

Thương mại và đầu tư là động lực chính

Các nhà phân tích cho biết, chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của hai vị lãnh đạo Singapore và Malaysia thể hiện chiến lược “chủ động” của các quốc gia Đông Nam Á nhằm củng cố quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Singapore nhấn mạnh tính trung lập của mình và vai trò trung tâm của ASEAN, trong khi Malaysia có thể “nghiêng” về phía Bắc Kinh do ưu tiên các vấn đề kinh tế.

Ông Peter Mumford, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với Singapore và Malaysia, cũng như với toàn bộ ASEAN. Trong đó, Singapore muốn thể hiện sự trung lập về địa chính trị và sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Đối với Malaysia, chuyên gia Peter Mumford cho rằng, cần thêm thời gian để có thể trả lời cho việc Thủ tướng Anwar Ibrahim - người từng được cho là thân thiện với phương Tây hơn so với các vị lãnh đạo tiền nhiệm, có đi theo cách tiếp cận khác hay không. Các nhà phân tích cũng khẳng định, vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Anwar Ibrahim, trong đó Malaysia đặc biệt hoan nghênh Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào việc phát triển quốc gia này.

Trước ông Lý Hiển Long và ông Anwar Ibrahim, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24-29/3. Trong chuyến công du này, ông Kao Kim Hourn cho biết, ASEAN sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc - đối tác lớn của khối trên mọi lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho khu vực.

Theo chuyên gia Ge Hongliang tới từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), việc các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN liên tiếp đến thăm Trung Quốc trong vài tháng qua, cho thấy khối này rất coi trọng quan hệ với Bắc Kinh. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và ổn định địa chính trị khu vực là mối quan tâm hàng đầu, cũng như nhiệm vụ cốt lõi lúc này. Do đó, ASEAN coi trọng việc hợp tác với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo Trung Quốc cảnh báo về bất ổn ở Mỹ sau khi ông Trump bị truy tố

Sau vài tuần đồn đoán, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bị đại bồi thẩm đoàn ở New York truy tố hình sự. Điều này đặc biệt gây chú ý vì ông Trump đang vận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN