Thay đổi lạ ở đặc khu kinh tế của Triều Tiên

Đặc khu kinh tế Rason, khu vực từng là nơi thử nghiệm chủ nghĩa tư bản hạn chế của Triều Tiên, có vẻ đang là tâm điểm của quan hệ hợp tác ngày càng gần gũi giữa nước này với Nga. Các chuyên gia phương Tây cho rằng hoạt động đó bao gồm cả khả năng vận chuyển vũ khí.

Ảnh vệ tinh chụp cảng của đặc khu kinh tế Rason, Triều Tiên. (Ảnh: Planet Labs)

Ảnh vệ tinh chụp cảng của đặc khu kinh tế Rason, Triều Tiên. (Ảnh: Planet Labs)

Với các khu chung cư và chợ tràn ngập hàng hóa nhập khẩu, Rason SEZ, khu vực được xây từ những năm 1990 ở vùng giáp biên giới với Trung Quốc và Nga, là điểm đến mơ ước của nhiều người Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng hứng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn.

Việc nước này đóng cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khiến gần như mọi hoạt động thương mại và du lịch bị bóp nghẹt, Reuters dẫn lời hai chuyên gia nghiên cứu về Rason cho biết.

Trong những tháng gần đây xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy khu vực này đang hồi phục, với các tàu cập cảng lần đầu tiên kể từ năm 2018. Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động thương mại tăng đột biến ở cả cảng và tuyến đường sắt đến Nga. Dù Trung Quốc có vẻ là động lực rõ ràng cho sự phục hồi ở Rason, nhưng các chuyên gia bên ngoài cho rằng quan hệ hợp tác sâu sắc hơn của Triều Tiên với Nga tác động ngay lập tức đến Rason.

“Khi Triều Tiên và Nga trở nên rất thân thiết trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở Ukraine, có thể có thêm nhiều khách Nga đến Triều Tiên, giúp phục hồi du lịch (ở Rason)”, Jeong Eunlee, một chuyên gia về kinh tế về Triều Tiên tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho biết.

Theo nhà nghiên cứu này, Nga cũng có thể bán than, dầu và bột mì cho Triều Tiên qua Rason. Nếu có thêm nhiều công nhân Triều Tiên được phép qua biên giới, họ có thể gửi thuốc của Nga và các hàng hóa khác về nhà cho người thân bán.

Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết họ đang tạm dừng công bố số liệu thống kê ngoại thương. Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Trung Quốc chiếm 97% tổng thương mại của Triều Tiên vào năm 2022.

Nga nối lại xuất khẩu dầu sang Triều Tiên từ tháng 12/2022 và đã xuất khẩu 67.300 thùng dầu tinh chế sang Triều Tiên tính đến tháng 4, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.

Lee Chan-woo, một chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại ĐH Teikyo ở Tokyo, cho biết gỗ Nga do các thợ Triều Tiên khai thác có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc qua Rason, một thị trấn với khoảng 200.000 dân.

Cho Sung-chan, công tác tại Hananuri - tổ chức phi lợi nhuận của Hàn Quốc đã tài trợ cho một nhà máy chế biến thực phẩm ở Rason, dự đoán Nga có thể sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Triều Tiên về lương thực, năng lượng và cơ sở hạ tầng thông qua Rason.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh, các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và các nhà nghiên cứu phương Tây cho biết, từ tháng 8 năm nay, cảng Rason tiếp nhận các tàu Nga thuộc hệ thống hậu cần quân sự của nước này.

Những chuyến hàng bị nghi ngờ

Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ những con tàu này chở hàng quân sự từ Triều Tiên sang Nga. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc.

Các quan chức quân sự Hàn Quốc nói với các phóng viên rằng từ cảng Rason, Triều Tiên đã gửi cho Nga khoảng 2.000 container mà Seoul nghi chứa đạn pháo và có thể cả tên lửa tầm ngắn.

Chung Songhak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Hàn Quốc, đã phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp khu vực xung quanh Rason. Ông nói rằng từ cuối năm 2022 đã có những hoạt động xung quanh ga Tumangang của Rason, nơi có các tuyến đường sắt nối với Nga.

Chuyên gia này phát hiện thêm nhiều toa tàu ở đó sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Lavrov thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7.

Kể từ khi Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ định Rason là đặc khu vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc mở cửa hơn nữa, Triều Tiên cố gắng thu hút đầu tư vào đó.

Rason là khu lâu đời nhất và lớn nhất trong số 29 khu phát triển kinh tế của Triều Tiên, là trung tâm trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, Rason là một trong những thị trường đầu tiên và lớn nhất của Triều Tiên, là nơi có mạng di động đầu tiên của đất nước và là nơi duy nhất Triều Tiên hợp pháp hóa việc mua bán nhà vào năm 2018.

Nguồn: [Link nguồn]

Triều Tiên nói vệ tinh do thám chụp ảnh Nhà Trắng, Lầu Năm Góc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xem ảnh chụp Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và tàu sân bay Mỹ ở căn cứ hải quân do vệ tinh gửi về, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 28/11 cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN