Thay đổi bước ngoặt từ chỉ huy đội quân thánh chiến khét tiếng của Taliban

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Phó lãnh đạo Afghanistan Sirajuddin Haqqani vừa là một chiến binh thánh chiến kỳ cựu, vừa là một chính khách Taliban thực dụng. Các nhà ngoại giao phương Tây đã bị sốc trước sự thay đổi của vị chỉ huy này và tự hỏi, liệu đây có phải là niềm hy vọng cho sự thay đổi ở Afghanistan?

Lãnh đạo cao nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và ông Sirajuddin Haqqani ở Abu Dhabi vào tháng 6-2024

Lãnh đạo cao nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và ông Sirajuddin Haqqani ở Abu Dhabi vào tháng 6-2024

Trong gần 2 thập kỷ, Sirajuddin Haqqani là một cái tên chỉ nhắc đến cũng khiến người ta cũng sợ hãi, bởi con người đó dường như có quyền quyết định ai sống, ai chết trong cuộc chiến chống lại quân đội Mỹ ở Afghanistan. Ông ta đứng đầu đội quân thánh chiến của Taliban, có mối quan hệ sâu sắc với Al Qaeda và các mạng lưới khủng bố khác, từng đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất và bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD. Nhưng kể từ khi người Mỹ rút quân vào năm 2021 và Taliban trở lại nắm quyền, ông Sirajuddin, với tư cách Phó lãnh đạo thứ nhất của Afghanistan và quyền Bộ trưởng Nội vụ, đã trở thành một người hoàn toàn khác. Đó là một chính khách thực dụng, một nhà ngoại giao đáng tin cậy và là tiếng nói tương đối ôn hòa trong một chính phủ thấm nhuần chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Trong dịp tiếp phóng viên New York Times tại ngôi biệt thự bên ngoài Khu vực xanh của Kabul, nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh tham vọng của mình là giải thoát đất nước khỏi bạo lực và chiến tranh.

Phó lãnh đạo Taliban Sirajuddin Haqqani tham dự lễ tốt nghiệp cảnh sát ở Kabul năm 2022

Phó lãnh đạo Taliban Sirajuddin Haqqani tham dự lễ tốt nghiệp cảnh sát ở Kabul năm 2022

Nghiệp cầm quân cha truyền con nối

Sinh năm 1979, Sirajuddin lớn lên ở Miran Shah - vùng đất của những người tị nạn Afghanistan ngay bên kia biên giới Pakistan. Jalaluddin Haqqani - cha của Sirajuddin là một chỉ huy nổi tiếng của nhóm phiến quân Mujahedeen chống lại lực lượng Liên Xô thời đó. Quá trình này, ông Jalaluddin đã vun đắp mối quan hệ với các cơ quan tình báo Pakistan và Saudi Arabia cũng như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để nhận được hàng trăm nghìn USD và vũ khí tài trợ. Ông cũng trở nên thân thiết với Osama bin Laden, người sáng lập Al Qaeda sau này. Khi đó ông Jalaluddin chuẩn bị cho con trai mình (Sirajuddin) tiếp quản đội quân thánh chiến mà ông tạo ra, có sự hỗ trợ của mạng lưới tội phạm về ma túy, bắt cóc và tống tiền trải khắp thế giới Ảrập. Ngay cả khi Sirajuddin còn nhỏ, hàng xóm và họ hàng đã gọi ông là “khalifa”, nghĩa là người kế nhiệm hoặc thủ lĩnh.

Sirajuddin học tại một trường học địa phương, sau đó có gia sư riêng dạy về chính trị toàn cầu cũng như các văn bản tôn giáo. Điều đó đã giúp ông tiếp xúc với thế giới bên ngoài, điều hiếm có đối với một nhà lãnh đạo Taliban tương lai. Năm 2001, khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, Sirajuddin mới ngoài 20 tuổi và đang ở tỉnh Khost. Tên lửa Mỹ trút xuống Kabul, chế độ Taliban sụp đổ nhanh chóng. Đến mùa hè năm 2006, phong trào này hồi phục dần. Vào thời điểm đó, Sirajuddin đã chỉ huy các hoạt động du kích ở phía Đông, trước khi được giao nhiệm vụ giám sát chiến lược quân sự của Taliban trên toàn quốc với tư cách là Phó thủ lĩnh cao nhất.

Tiểu đoàn thánh chiến do Sirajuddin Haqqani chỉ huy đã thực hiện các cuộc tấn công liều chết đẫm máu nhất, bao gồm cuộc đánh bom bằng xe tải năm 2017 khiến hơn 150 người thiệt mạng. Năm 2011, họ mở cuộc tấn công kéo dài 19 tiếng vào Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Sirajuddin kể rằng, thời điểm bị Mỹ đưa vào danh sách truy nã gắt gao, đôi khi ông ta thay đổi địa điểm 10 lần/đêm và không bao giờ sử dụng cùng một chiếc xe hoặc vệ sĩ.

Trong vòng vài tháng sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan năm, thủ lĩnh cấp cao nhất Sheikh Haibatullah đã tự khẳng định mình là người ra quyết định duy nhất về mọi chính sách quan trọng. Nhưng giới phân tích cho rằng, ông Sirajuddin vẫn là một trong số ít người thách thức vị trí cấp cao đó và ngày càng hướng ra bên ngoài để giúp thay đổi cuộc cạnh tranh quyền lực có lợi cho mình.

Ông Sirajuddin Haqqani hiện là Phó lãnh đạo thứ nhất của Afghanistan và là quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan

Ông Sirajuddin Haqqani hiện là Phó lãnh đạo thứ nhất của Afghanistan và là quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan

Nhà ngoại giao hàng đầu và hy vọng về sự thay đổi

Hiện tại, không có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, ông Sirajuddin đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức Liên hợp quốc và các nước châu Âu, đồng thời bật đèn xanh cho đầu tư của Trung Quốc và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Trong các cuộc trò chuyện bí mật với các nhà ngoại giao phương Tây, ông đã tận dụng một vấn đề mà mình có ảnh hưởng: Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Nhà ngoại giao này cam kết sẽ ngăn chặn mối đe dọa không chỉ từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà còn từ Al Qaeda, tổ chức mà mạng lưới của ông vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ.

Một số nhà ngoại giao phương Tây đã đặt câu hỏi, liệu chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ Afghanistan có phải là mối đe dọa toàn cầu hay không? Sự ngờ vực vẫn còn lơ lửng, đặc biệt là sau khi Ayman al-Zawahri - thủ lĩnh Al Qaeda bị lính Mỹ đột kích tiêu diệt vào năm 2022 tại một ngôi nhà an toàn ở Kabul. Nhưng nhìn vào môi trường an ninh ở Afghanistan 3 năm qua, trong khi các nhóm khủng bố vẫn hiện diện thì việc họ không tấn công các mục tiêu ở phương Tây là dấu hiệu cho thấy mong muốn kết nối với quốc tế của ông Sirajuddin.

Một điều thú vị là ngay cả trong chiến tranh, gia tộc Haqqani đã thể hiện sự cởi mở trong việc hợp tác với Mỹ, bằng việc nhiều lần đề xuất thảo luận bí mật nhằm tìm kiếm sự hòa hoãn. Ngay từ những ngày đầu Mỹ đưa quân vào Afghanistan, ông Jalaluddin đã dẫn đầu một đoàn gồm hàng chục người thân và đồng minh đến Kabul để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Hamid Karzai được Mỹ hậu thuẫn. Ngay sau đó, ông Jalaluddin đã cử em trai mình là Ibrahim Omari đến Kabul để hợp tác với người Mỹ, nhưng đã bị lính Mỹ bắt giữ. “Người Mỹ đã không lắng nghe chúng tôi, họ đã buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định chiến đấu. Chúng tôi muốn đàm phán, thương lượng và hòa giải, nhưng mọi thứ lại diễn ra theo hướng khác” - ông Sirajuddin chia sẻ.

Vào khoảng năm 2015, gia tộc Haqqani đã lần đầu tiên ngồi với các quan chức Mỹ thảo luận về việc tìm ra con đường chấm dứt chiến tranh. Đến giờ, ông Sirajuddin Haqqani vẫn tỏ ra e ngại mối quan hệ trước đây của gia đình ông với phương Tây có thể làm phức tạp thêm quan hệ của ông với các nhóm khác trong Taliban. Nhưng dù đó là thông tin mà ông miễn cưỡng công khai thì nó có thể là lá bài tốt để đưa ra với các chính phủ nước ngoài đang hoài nghi ông hiện nay.

Đầu mùa hè 2024, một bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cảnh ông Sirajuddin bắt tay ông Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan - nhà lãnh đạo cao nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bên ngoài cung điện Qasr Al Shati ở Abu Dhabi. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của ông với một nguyên thủ quốc gia, là tín hiệu cho thấy những nỗ lực của nhà ngoại giao hàng đầu Taliban đã bắt đầu được đền đáp. Vào tháng 6-2024, Liên hợp quốc đã tạm thời xóa tên ông Sirajuddin khỏi danh sách cấm đi lại. Ngoài việc đến Abu Dhabi, ông còn đến Mecca, Ả Rập Xê Út để thực hiện cuộc hành hương Hajj.

Trong năm nay, ông Sirajuddin cũng đã gặp gỡ những người lớn tuổi trên khắp miền Bắc và miền Tây Afghanistan, đồng thời tung các video để duy trì danh tiếng của mình trong các chiến binh Taliban trẻ tuổi. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông đã đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về giáo dục dành cho phụ nữ và nói rằng, tình hình hiện tại “không có nghĩa là trẻ em gái mãi mãi bị từ chối đến trường và không được học hành”. Những tuyên bố như vậy dường như phản ánh niềm tin của ông rằng, ngay cả một chính phủ độc tài cũng cần sự ủng hộ của dân chúng để tồn tại. “Sự thống nhất rất quan trọng đối với Afghanistan hiện nay để chúng tôi có thể có một đất nước hòa bình” - vị Phó lãnh đạo Taliban khẳng định.

Một số chuyên gia rằng, việc Mỹ tiếp tục từ chối hợp tác với ông Sirajuddin Haqqani có thể là sai lầm. Một số người coi ông là động lực tiềm năng cho sự thay đổi mà một ngày nào đó có thể định nghĩa lại cuộc sống dưới sự quản lý của Taliban và mối quan hệ của nước này với thế giới.

Nga đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xoá Taliban khỏi danh sách khủng bố của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi - New York Times ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN