Thất vọng với Mỹ, hai kình địch ở Trung Đông có động thái gây bất ngờ

Trong bối cảnh Ả Rập Saudi thất vọng với các chính sách đảm bảo an ninh của Mỹ và triển vọng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran bế tắc, hai kình định ở Trung Đông đang có dấu hiệu muốn "làm lành" để tự giải quyết vấn đề, theo CNN.

Giới chức Iran và Rập Saudi mới tham gia vòng đàm phán thứ 5.

Giới chức Iran và Rập Saudi mới tham gia vòng đàm phán thứ 5.

Hôm 25.4, Iran tiết lộ rằng nước này mới tham gia vòng đàm phán thứ 5 với Ả Rập Saudi vào tuần trước. Cuộc đàm phán giữa hai thế lực mạnh nhất ở Trung Đông diễn ra trong bầu không khí “tiến bộ và tích cực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho biết.

Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận là việc Iran muốn đưa 40.000 người hành hương sang thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi vào năm nay.

Trong thời gian tới, hai bên để ngỏ khả năng tổ chức thêm các vòng đàm phán với sự tham gia của các quan chức ngoại giao cấp cao. Iran và Ả Rập Saudi đã thể hiện mong muốn giải quyết những bất đồng dù quan hệ giữa hai nước được coi là khó hàn gắn nhất trong khu vực, theo CNN.

Riyadh đã cắt quan hệ với Tehran vào năm 2016, sau khi người biểu tình Iran xông vào đại sứ quán Ả Rập Saudi ở thủ đô Tehran. Người biểu tình phẫn nộ vì một giáo sĩ người Shia bị xử tử ở Ả Rập Saudi.

Ở Iran, 90% người Hồi giáo theo dòng Shia. Ngược lại, 90% người Hồi giáo ở Ả Rập Saudi theo dòng Sunni. Hai dòng tôn giáo này có mâu thuẫn từ thời kỳ cổ xưa, đến nay do Iran và Ả Rập Saudi ngày càng cạnh tranh ảnh hưởng nên căng thẳng càng trầm trọng.

Đối với Ả Rập Saudi, quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông nhận thấy Mỹ không còn quan tâm đến vấn đề an ninh của nước này, từ đó muốn tự đàm phán với quốc gia kình địch Iran để chấm dứt các cuộc xung đột gây tổn hại đến nền kinh tế.

Các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Ả Rập Saudi từng nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen, lực lượng nổi dậy do Iran hậu thuẫn. Ả Rập Saudi không hề hài lòng khi Mỹ ngừng hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Yemen, khiến cuộc chiến rơi vào bế tắc.

Đến khi xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ lại thúc giục Ả Rập Saudi và các đồng minh vùng Vịnh bơm thêm dầu mỏ để ổn định giá dầu.

Cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi ở Jeddah bị phiến quân Houthi phóng tên lửa gây hỏa hoạn dữ dội.

Cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi ở Jeddah bị phiến quân Houthi phóng tên lửa gây hỏa hoạn dữ dội.

Ả Rập Saudi tuyên bố sản lượng khai thác dầu mỏ tăng hay giảm phụ thuộc vào lộ trình được các nước trong tổ chức OPEC+ thống nhất, trong đó có Nga.

Đối với Iran, đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Mỹ  gần đây đã rơi vào bế tắc. 

Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để thuyết phục Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và ngược lại, Tehran cần tuân thủ cam kết không làm giàu uranium. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Theo phía Iran, một trong những rào cản ngăn hai nước hàn gắn quan hệ là cuộc chiến của Ả Rập Saudi ở Yemen. “Cuộc chiến đến nay đã tạm ngừng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, có triển vọng về việc cải thiện quan hệ”, Mohammad Marandi, giáo sư tại Đại học Tehran, nói. “Iran sẵn sàng đàm phán về các vấn đề mang tính chất song phương”.

“Về cơ bản, vấn đề không nằm ở Iran và Ả Rập Saudi, mà là giữa Iran và Mỹ. Iran gây hấn với Ả Rập Saudi vì cho rằng vương quốc này là tay sai của Mỹ”, Mohammed Alyahya, chuyên gia tại viện Hudson ở Mỹ, nói.

Theo Alyahya, các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Saudi, bắt đầu nhận ra rằng Mỹ đang sử dụng quân bài Iran để kiềm chế chính các nước này.

Mỹ một mặt tỏ ra sẵn sàng đảm bảo an ninh cho các quốc gia vùng Vịnh, mặt khác lại sẵn sàng mềm mỏng với Iran khi có thể, tạo cơ hội để Iran vươn tầm ảnh hưởng trong khu vực, Alyahya nói.

Seyed Hossein Mousavian, giáo sư đại học Princeton, người từng là nhà đàm phán hạt nhân Iran, nói Ả Rập Saudi và Iran có khả năng chi phối lẫn nhau để thúc đẩy đàm phán.

“Vấn đề quan trọng đối với cả hai bên là cam kết không đe dọa lợi ích và an ninh của nhau”, ông nói. “Ả Rập Saudi ít nhiều vẫn có Mỹ hậu thuẫn, còn Iran lại là thế lực không thể xem thường ở Trung Động”.

Lãnh đạo Ả Rập Saudi, UAE từ chối cuộc gọi của Tổng thống Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể liên lạc với các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau khi lời đề nghị giàn xếp điện đàm của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN