Đây mới là nơi Mỹ định ném 2 quả bom nguyên tử đầu tiên

Như một sự sắp đặt của số mệnh, cuối cùng Hiroshima và Nagasaki lại là nơi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử đầu tiên xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Thành phố Kokura (nay là Kitakyushu) tại Nhật đã 2 lần liên tiếp thoát chết thảm họa hạt nhân chỉ trong gang tấc (Ảnh: GETTY)

Thành phố Kokura (nay là Kitakyushu) tại Nhật đã 2 lần liên tiếp thoát chết thảm họa hạt nhân chỉ trong gang tấc (Ảnh: GETTY)

Nằm ở trung tâm Kitakyushu, thành phố lớn nhất của đảo Kyushu ở phía Nam lãnh thổ Nhật Bản, thành phố cổ Kokura vốn nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời và là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại phát triển nhất trên hòn đảo này.

Song, người Nhật biết đến Kokura nhiều nhất không phải bởi những tòa pháo đài cổ kính, những công xưởng hiện đại hay hệ thống giao thông tiên tiến, mà bởi trong quá khứ, thành phố này, vì những lý do rất ngẫu nhiên, đã sống sót một cách thần kỳ khỏi thảm họa hạt nhân mà quân đội Mỹ trút xuống Nhật Bản vào năm 1945, không chỉ một, mà tới tận 2 lần.

Vào tháng 7 năm 1945, thời điểm Chiến tranh Thế giới lần II đang bước vào giai đoạn kết thúc khi Nhật Bản trở thành nước duy nhất thuộc phe Trục còn tồn tại. Để dứt điểm nhanh cuộc chiến và cũng để phô trương sức mạnh của những quả bom nguyên tử mới được chế tạo thành công từ Dự án Mahattan, quân đội Mỹ đã quyết định chọn 4 thành phố tại Nhật Bản là nơi thí điểm cho loại vũ khí hủy diệt của mình.

4 thành phố được chọn, theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là Hiroshima, Kokura, Nagasaki và Niigata.

Thành phố Hiroshima là lựa chọn đầu tiên do địa hình nhỏ gọn, và còn là nơi có một cảng biển chiến lược và đặt 2 sở chỉ huy quân sự. Tuy nhiên trước đó, nhận thấy tình hình thời tiết tại đây đang chuyển biến xấu, không quân Mỹ dự tính chọn Kokura làm mục tiêu chính để Pháo đài bay B-29 có biệt danh Enola Gay thả quả bom hạt nhân đầu tiên xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Dù vậy, vào ngày 6.8.1945, thời điểm được ấn định để Mỹ thả quả bom đầu tiên có biệt danh Little Boy, thời tiết tại Hiroshima lại trở nên lý tưởng ngay trước giờ G, nên “địa điểm dự phòng” đã không còn trở nên cần thiết.

Và 3 ngày sau đó, đến lượt Kokura trở thành mục tiêu chính cho một quả bom nguyên tử hạng nặng khác, do thành phố lúc bấy giờ là một trung tâm sản xuất vũ khí hóa học quan trọng và là nơi có số lượng lớn các kho vũ khí của quân đội Đế quốc Nhật Bản.

Máy bay B-29 có biệt danh Bockscar chở quả bom hạt nhân Fat Boy dự tính được ném xuống lãnh thổ Kokura (Ảnh: Getty)

Máy bay B-29 có biệt danh Bockscar chở quả bom hạt nhân Fat Boy dự tính được ném xuống lãnh thổ Kokura (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, như một sự sắp đặt của số mệnh, một làn khói dày đặc bao phủ bầu trời bên trên thành phố đã làm suy giảm tầm nhìn của máy bay B-29 chở theo Fat Man, biệt danh của quả bom nguyên tử thứ 2 dự kiến chỉ vài tiếng nữa sẽ được thả xuống trung tâm Kokura.  

Điều kiện thời tiết ngoài dự tính cuối cùng đã buộc Thiếu tá Charles W. Sweeney, người điểu khiển chiếc B-29 vào lúc đó, phải từ bỏ mục tiêu ban đầu của mình và chuyển hướng bay sang Nagasaki, thành phố cách Kokura 210 km về phía Nam.

“Những cơn gió của định mệnh có vẻ như ủng hộ một số thành phố tại Nhật Bản,” ký giả William Laurence của tờ New York Times, một trong những người ngồi trên máy bay B-29 vào ngày hôm đó, đã viết, “Chúng tôi bay vòng quanh Kokura hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn chưa thể tìm được thời điểm có thể khai hỏa xuống làn sương dày đặc bao phủ thành phố này.”

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của đám khói trên là do khí thải từ các lò đốt than, ảnh hưởng từ các vụ ném bom tại thành phố Yawata lân cận hay chỉ là hiện tượng thời tiết xấu. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn thực sự là một phép màu, cứu Kokura khỏi thảm họa hạt nhân chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Thậm chí, vào thời điểm Thế chiến thứ II kết thúc, trong khi rất nhiều thành phố lớn tại Nhật Bản, từ Hiroshima, Nagasaki cho đến Tokyo và Kobe, đều bị hủy hoại bởi các loại bom cháy và vũ khí hạt nhân, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, thì Kokura là một trong số rất ít những thành phố hầu như không bị bom đạn tàn phá.

Phải mãi đến nhiều tháng sau khi cuộc chiến kết thúc, cư dân tại Kokura mới biết được mình đã sống sót khỏi thảm họa lơ lửng trên đầu một cách thần kỳ ra sao. Và kể từ đó, “Vận may của Kokura” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến tại Nhật Bản trong suốt một thời gian dài.

Làn khói dày đặc bao phủ Kokura đã cứu thành phố khỏi quả bom hạt nhân thứ 2 (Ảnh: Getty)

Làn khói dày đặc bao phủ Kokura đã cứu thành phố khỏi quả bom hạt nhân thứ 2 (Ảnh: Getty)

Tuy vậy, những quả bom hạt nhân, dù đã không hủy diệt Kokura, vẫn là nỗi ám ảnh bao trùm lịch sử của thành phố này cho đến tận ngày nay. Vào mỗi tháng 7 hàng năm, các trường học tại Kokura, nay là Kitakyushu, vẫn dành ra “2 tiếng đặc biệt” cho những buổi học giáo dục về ý nghĩa hòa bình, và về mối quan hệ đặc biệt với Hiroshima và Nagasaki, 2 thành phố từng phải hứng chịu thảm họa hạt nhân nặng nề nhất.

“Chúng tôi cảm thấy rất lẫn lộn,” nhà sử học Saburo Yonezu trả lời phỏng vấn tờ New York Times vào năm 1985, “Chúng tôi vừa cảm thấy may mắn vì mình đã sống sót, vừa cảm thấy thương xót vì 2 thành phố khác đã trở thành nơi phải hứng chịu thảm họa thay cho chúng tôi.”

Còn theo ông Toshinobu Hibino, nhà nghiên cứu và người quản lý phòng trưng bày lịch sử Nhật Bản của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Lịch sử con người tại Kitakyushu, có một mối quan hệ gần gũi đặc biệt giữa thành phố Kokura cũ với Hiroshima và Nagasaki – một mối liên kết được hình thành dựa trên lịch sử và bước ngoặt định mệnh giữa 3 thành phố này. Bên cạnh việc cùng tổ chức các buổi tưởng niệm chung một cách trang trọng, cả 3 thành phố cũng là những nơi đi đầu trong việc kêu gọi việc ngưng phổ biển vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Nơi trước kia từng là kho vũ khí của quân đội tại Kitakyushu, giờ đã trở thành một công viên và khu tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh tại Nhật Bản. Tại trung tâm của công viên có đặt một chiếc chuông hòa bình, được đích thân người dân Nagasaki hiến tặng, với ý nghĩa nhắc nhở Kitakyushu về thảm họa hạt nhân mà thành phố đã may mắn sống sót.

Tháp chuông hòa bình và đài tưởng niệm Nagasaki ở công viên Kitakyushu (Ảnh: Beautiful Place 4 You)

Tháp chuông hòa bình và đài tưởng niệm Nagasaki ở công viên Kitakyushu (Ảnh: Beautiful Place 4 You)

“Thay vì nói rằng Kokura đã 2 lần có thể tránh được các quả bom hạt nhân,” ông Hibino nhấn mạnh, “Tôi hy vọng các nhà lập pháp tại Mỹ đừng quên câu nói “Chúng ta đã từng 2 lần muốn thả bom hạt nhân xuống thành phố này.”

Ông Shimoda, người phát ngôn Tổng cục Các vấn đề chung tại Kitakyushu, mong muốn thành phố của mình sẽ sớm rũ bỏ những hình ảnh tăm tối từ cuộc Chiến tranh Thế giới, và sẽ được biết đến rộng rãi hơn thông qua một diện mạo mới – từ một thành phố công nghiệp nặng dần chuyển mình thành một trung tâm phát triển công nghệ xanh của Nhật Bản.

“Trong nửa sau thế kỷ 20, thành phố đã vượt qua những vấn đề ô nhiễm thường thấy ở những đô thị đang phát triển…và mục tiêu bền vững của chúng tôi là sẽ sớm trở thành một thành phố vì môi trường trong tương lai,” ông Shimoda khẳng định.

Kế hoạch của Mỹ đánh bom hạt nhân đội tàu chiến Nhật Bản

Mỹ từng lên kế hoạch đánh bom cảng biển Truk, nơi được xem là Trân Châu Cảng “phiên bản Nhật” ở Thái Bình Dương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN