Thành phố lớn đầu tiên ở châu Âu áp đặt loạt hạn chế để đối phó khủng hoảng khí đốt
Hanover của Đức là thành phố lớn đầu tiên ở châu Âu áp đặt một loạt quy định nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt do Nga cắt giảm nguồn cung.
Thành phố Hanover đặt mục tiêu giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng.
Hôm 28.7, chính quyền thành phố Hanover, thủ phủ vùng Lower Saxony, phía tây bắc nước Đức, đã thông báo cắt nguồn nước nóng cung cấp cho các tòa nhà công cộng, bể bơi, nhà thi đấu thể dục thể thao, theo Daily Mail
Các biện pháp tiết kiệm khác gồm tắt các đài phun nước công cộng và tắt đèn chiếu sáng vào ban đêm ở các tòa nhà như tòa thị chính và viện bảo tàng.
Thị trưởng thành phố, Belit Onay nói thành phố phải giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng để tránh nguy cơ “đối mặt sự khan hiếm khí đốt”.
Các nhà tòa nhà văn phòng, tòa nhà công cộng ở thành phố sẽ không được bật máy sưởi từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Trong những tháng còn lại, nhiệt độ của máy sưởi không được vượt quá 20 độ C, dù sẽ có một số ngoại lệ.
Thành phố cũng có kế hoạch hạn chế máy điều hòa không khí di động, máy sưởi trong cộng đồng dân cư, theo Daily Mail.
Hanover là thành phố lớn thứ 13 ở Đức với khoảng 536.932 người sinh sống và là thành phố lớn thứ ba ở phía bắc nước Đức, sau Hamburg và Bremen.
Đức là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở châu Âu, phụ thuộc đáng kể vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Đầu tuần này, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20%.
Trong động thái mới nhất, nhà chức trách Đức đang có kế hoạch tiếp tục vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân, thay vì đóng cửa các nhà máy theo kế hoạch vào cuối năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo một nhà lãnh đạo ở châu Âu, một lệnh cấm nhằm vào khí đốt Nga sẽ dẫn đến hiệu ứng domino ở châu Âu.