Thành phố đầu tiên ở Indonesia thử "sống chung với Covid-19" ra sao?
"Người dân vẫn phải đeo khẩu trang nhưng không cần phải ở trong nhà như trước, mà được thoải mái tụ tập", một qua chức cấp cao của Indonesia nói.
Thành phố Blitar ở Indonesia sẽ "trở lại cuộc sống bình thường" vào tuần tới trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang thử nghiệm sống chung với Covid-19. Ảnh: Reuters
Theo Straits Times, cuộc sống sẽ trở lại bình thường ở thành phố Blitar, thuộc tỉnh Đông Java, vào tuần tới. Đây là thành phố đầu tiên ở Indonesia được "trở lại cuộc sống bình thường" trong bối cảnh các quan chức Indonesia đang thử nghiệm phương pháp "sống chung với Covid-19".
Động thái này diễn ra khi quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á kiểm soát được làn sóng lây lan dịch bệnh mới nhất, bùng phát hồi tháng 5 năm nay.
Số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày đạt đỉnh vào giữa tháng 7 ở Indonesia với hơn 50.000 ca/ngày. Giờ đây, con số này giảm xuống, chỉ còn 1.700 ca/ngày. Tương tự, tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày cũng giảm xuống, từ 1.700 ca/ngày hồi đầu tháng 8, giờ chỉ còn 100 ca/ngày.
"Chúng tôi đang làm một thử nghiệm bằng cách đưa cuộc sống trở lại bình thường ở thành phố Blitar", ông Luhut Pandjaitan, phụ tá thân cận của Tổng thống Indonesia Joko Widodo kiêm người phụ trách điều phối nỗ lực phòng chống Covid-19 lây lan ở Java và Bali, nói.
"Người dân vẫn phải đeo khẩu trang nhưng không cần phải ở trong nhà như trước, mà được thoải mái tụ tập", ông Luhut trao đổi với phóng viên tờ Straits Times qua điện thoại vào cuối tuần qua.
Ông Luhut nhấn mạnh, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn rất cần thiết và những người được tham gia vào các hoạt động xã hội phải được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ.
Theo quy định của Indonesia với các thành phố có mức độ lây lan Covid-19 thấp như Blitar, các cửa hàng và trung tâm mua sắm chỉ có thể hoạt động với 75% công suất. Trường học duy trì 50% công suất, đồng nghĩa với việc các học sinh sẽ đến trường vào những ngày khác nhau. Tuy nhiên, các quy định này sẽ bị gỡ bỏ ở Blitar vào tuần tới.
Blitar cũng như nhiều thành phố khác ở Indonesia ghi nhận mức độ lây lan Covid-19 thấp và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở các thành phố này là dưới 20 ca/100.000 dân/tuần. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện cũng ở mức thấp, 5 ca/100.000 dân.
Giống như Ấn Độ, Anh và Mỹ, Indonesia cũng bị biến chủng Delta hoành hành trong năm nay. Biến chủng dễ lây lan nhất ở thời điểm hiện tại xâm nhập vào Indonesia từ tháng 3 năm nay. Kể từ tháng 6, số ca nhiễm biến chủng Delta chiếm 90% tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Indonesia.
Chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia, bắt đầu từ giữa tháng 1 năm nay, chủ yếu dựa vào vắc xin CoronaVac. Ngoài ra, một số vắc xin khác như Pfizer hay AstraZeneca cũng được quốc gia Đông Nam Á này sử dụng.
Theo Ngân hàng Thế giới, Indonesia là một trong 7 quốc gia đã phân phối 10 triệu mũi vắc xin Covid-19 tính tới 31/8.
Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ học địa phương khuyến cáo người dân nên thận trọng. Họ cảnh báo rằng, Indonesia có thể phải đối mặt với làn sóng lây lan Covid-19 lần 3, khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ.
Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Quốc gia Đông Nam Á gần đây đẩy mạnh xây dựng các cơ sở kiểm dịch tập trung ở một số tỉnh, đảm bảo trang thiết bị và nhân viên y tế luôn sẵn sàng đối phó nếu có làn sóng lây lan mới.
"Nếu chúng ta giữ kỷ luật và làm mọi thứ một cách nhất quán, Indonesia có thể tránh được làn sóng lây lan thứ 3. Nếu số ca nhiễm mới tăng lên, chúng tôi sẽ chuyển ngay các trường hợp này tới nơi kiểm dịch tập trung, để ngăn chặn sự lây lan. Ngoài ra, việc tránh được làn sóng lây lan tiếp theo hay không còn phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới", ông Luhut nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Một chuyên gia về mô hình dự đoán các bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Singapore cảnh báo, số ca mắc mới trong ngày của...