Thành phố Campuchia đánh cược tương lai vào tiền tấn của Trung Quốc
Sihanoukville, Campuchia cách Bắc Kinh, Trung Quốc, hơn 3.500km, nhưng cảm nhận ở đây rất giống thành phố Trung Quốc.
Hoạt động xây dựng không ngừng nghỉ ở Sihanoukville.
Theo SCMP, mọi người ở Sihanoukville đều nghe thấy tiếng Trung ở khắp nơi. Làn sóng đầu tư vào thành phố Campuchia đến từ 3 năm trước, nhờ chính phủ nới lỏng luật nhập cư, tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài.
Ngày nay, gần 90% hoạt động kinh doanh ở thành phố, từ nhà hàng, khách sạn cho đến sòng bạc đều do người Trung Quốc quản lý, cảnh sát trưởng Campuchia Chuon Narin nói.
Đây được coi là cơ hội phát triển bùng nổ của Sihanoukville, nhưng cũng tạo ra không ít hệ lụy.
Bất ổn leo thang
Hiện trường vụ tai nạn sập nhà đang xây hồi tháng 6.
Hồi tháng 6, tòa nhà 7 tầng có chủ là người Trung Quốc sụp đổ khiến 28 công nhân Campuchia thiệt mạng. Vụ việc khiến thống đốc tỉnh Sihanoukville nộp đơn từ chức. Chính quyền cũng tăng cường kiểm soát hoạt động xây dựng trên khắp thành phố.
Kết quả là 22 công trình xây dựng bị buộc phải ngừng lại, 2 tòa nhà mới xây bị đánh sập vì bị phát hiện các vết nứt lớn. Thị trưởng Y Sokleng nói vấn nạn an toàn xây dựng đã khiến người dân địa phương tức giận.
“Người Trung Quốc dùng vật liệu chất lượng thấp, bỏ qua yếu tố an toàn gây nên tình trạng bất an”, Y Sokleng nói.
Các hoạt động xây dựng ồ ạt cũng dẫn đến tác động tiêu cực với môi trường, theo nhà hoạt động Alex Gonzalez-Davidson.
Tình trạng tội phạm có chiều hướng gia tăng, lên tới 25% so với năm 2017, theo cảnh sát. Hồi tháng 7, một phụ nữ Trung Quốc 25 tuổi làm việc ở casino bị bắn chết trên đường về nhà vào ban đêm. Cảnh sát hiện vẫn đang truy tìm 3 nghi phạm.
Một người đàn ông Trung Quốc cũng bị bắn chết giữa ban ngày và cảnh sát bắt giữ hai người mang quốc tịch Trung Quốc liên quan đến vụ việc.
Nhờ các sòng bạc mọc lên như nấm, hoạt động du lịch ở Sihanoukville tăng trưởng mạnh. 1,9 triệu lượt khách Trung Quốc đến thành phố này từ năm ngoái, so với mức 1,2 triệu lượt vào năm 2017.
Neak Chandarith, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hoàng gia ở Phnom Penh, nói nhiều người Trung Quốc đến Sihanoukville không phải để kinh doanh, mà để tìm cách khai thác lỗ hổng luật pháp.
“Ở Trung Quốc, luật pháp nghiêm ngặt hơn nhiều. Nhiều người Trung Quốc đến đây không phải để đầu tư mà để tìm cách lách luật. Đó là vấn đề nhức nhối”, Chandarith nói.
Sòng bạc tạo ra nhiều hệ lụy xã hội ở Sihanoukville.
Trong số hơn 80 sòng bạc mọc lên ở Sihanoukville, có hơn một nửa là của chủ người Trung Quốc. Vì luật pháp Campuchia cấm người bản địa cờ bạc nên chỉ có khách nước ngoài mới được vào casino. Điều này dẫn đến các vấn đề về xã hội.
“Sihanoukville có thể trở thành trung tâm rửa tiền từ Trung Quốc, thông qua hoạt động đánh bạc và bất động sản”, Gonzalez-Davidson đến từ tổ chức phân tích tài chính toàn cầu, nói.
Hoạt động bùng nổ của các casino cũng thu hút lực lượng lao động người Campuchia ở Sihanoukville. Kết quả là nhiều nhà xưởng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không tìm được nhân viên. “Người trẻ muốn làm việc ở casino hơn là tại nhà xưởng vì công việc nhàn hạ, được trả lương cao”.
Ngược lại, những người dân nghèo Campuchia không thể sống nổi vì chi phí thuê mặt bằng ngày càng tăng ở Sihanoukville.
Nhưng thị trưởng Y Sokleng cho rằng mọi chuyện đều ổn. “Người Campuchia không được vào casino. Chuỗi sòng bạc mọc lên phục vụ cho người nước ngoài dừng chân tại đây vì Sihanoukville là điểm dừng chân quan trọng trong Sáng kiến Vành đai Con đường.
Cơ hội và thách thức
Nhiều người địa phương kiếm được nhiều tiền hơn nhờ làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Tem Ban, một tài xế lái xe tuk-tuk đến từ một ngôi làng hẻo lánh, nói Sihanoukville ngày càng sầm uất hơn, từ đó ông kiếm được nhiều tiền hơn.
Tem Ban nói anh kiếm được khoản tiền khá nhờ chạy xe tuk-tuk.
“Tôi có thể kiếm được 30 USD mỗi ngày và gửi về gia đình mỗi tháng 500 USD”, Tem Ban nói.
Sorn Lidy, 25 tuổi, nói cô có thể kiếm thêm 1.000 USD mỗi tháng nhờ làm việc với tư cách là người phiên dịch cho các doanh nhân Trung Quốc.
Những người trẻ ở Sihanoukville được học tiếng Trung Quốc miễn phí, giúp tăng khả năng tìm việc.
Trong khi đó, những gia đình nghèo, các hộ buôn bán nhỏ lẻ đang chết dần. Nhiều người dân Campuchia quyết định chuyển ra ngoại ô Sihanoukville sinh sống để có giá thuê nhà rẻ hơn.
Dù vậy, họ vẫn phải trả tới 200 USD mỗi tháng tiền thuê nhà, trong khi nếu như 3 năm trước, con số này chỉ là 30 USD.
Học giả Neak Chandarith đồng ý rằng người nghèo càng nghèo ở và các công ty Trung Quốc cần ngồi lại với chính quyền để tìm giải pháp.
Ngay cả những nhà đầu tư Trung Quốc cũng cảm thấy khó khăn. “Một doanh nhân mở nhà hàng chuyên về đồ ăn người Hoa ở khu trung tâm vào năm ngoái, nay gặp không ít khó khăn. “Tôi không hề có lợi nhuận vì chi phí thuê mặt bằng ở đây rất đắt đỏ, lên tới 5.000 USD/tháng. Không biết tôi còn trụ được bao lâu nữa”.
Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đổ dồn vào Sihanoukville đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Campuchia này,...