Thành Cát Tư Hãn khuất phục hoàng đế nhà Kim, chiếm lĩnh kinh đô bậc nhất Trung Hoa
Trong lần thứ hai dẫn quân uy hiếp kinh đô của nhà Kim (Bắc Kinh ngày nay), • một cuộc biến loạn diễn ra, mà nhờ đó, Thành Cát Tư Hãn không lâu sau đã hạ hạ được kinh đô sầm uất bậc nhất một thời ở Trung Hoa.
Trung Đô (Bắc Kinh ngày nay) rơi vào tay Thành Cát Tư Hãn sau cuộc vây hãm năm 1215.
Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn dẫn hơn 10 vạn quân mở đầu chiến dịch chinh phạt nhà Kim ở Trung Hoa. Chiến dịch tạm kết thúc vào đầu năm 1212 khi Thành Cát Tư Hãn ngừng bao vây Trung Đô, kinh đô của nhà Kim khi đó.
Lúc này, tướng Triết Biệt dẫn quân tiến sâu về hướng đông bắc, nhắm tới thành Đông Kinh (nay là thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Một nhân vật có thế lực ở khu vực là Gia Luật Lưu Ca, người Khiết Đan, nhân cơ hội Mông Cổ và Kim bất hòa, công khai phản lại nhà Kim. Chỉ trong vài tháng, Gia Luật Lưu Ca đã huy động lực lượng lên tới hàng vạn người, tuyên bố trung thành với Thành Cát Tư Hãn.
Khi nhà Kim phái binh thảo phạt, Gia Luật Lưu Ca phái người đến gặp Thành Cát Tư Hãn, cầu xin sự giúp đỡ. Thành Cát Tư Hãn lệnh cho tướng Triết Biệt đưa binh mã tới hỗ trợ, nhiều lần đẩy lùi quân Kim.
Ổn định tình hình ở vùng đông bắc Trung Hoa, mùa thu năm 1212, Thành Cát Tư Hãn lần thứ hai xuất đại quân tấn công nhà Kim. Mục tiêu của Thành Cát Tư Hãn lần này là Đại Đồng Phủ Tây Kinh (nay là Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), theo Sohu.
Sách lược mà Thành Cát Tư Hãn đề ra là vây thành đả viện, nghĩa là một mặt vây chặt, mặc khác đánh tan quân tiếp viện của đối phương. Tướng Kim là Áo Đồn Tương nhận lệnh dẫn quân từ Trung Đô tới tiếp viện. Thành Cát Tư Hãn dồn quân địch vào vòng vây phục kích ở Mật Cốc Khẩu, đông bắc Tây Kinh và tiêu diệt toàn bộ. Trong giao tranh ở Tây Kinh, Thành Cát Tư Hãn không may bị trúng tên, ra lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng.
Mùa thu năm 1213, Thành Cát Tư Hãn lần thứ ba xuất quân chinh phạt nhà Kim. Quân Mông Cổ vượt Trường Thành, đánh chiếm pháo đài Ô Sa một lần nữa, sau đó hạ được phủ Tuyên Đức, phủ Đức Hưng, giao chiến với quân Kim ở huyện Hoài Lai (nay là phía đông Hoài Lai, tỉnh Hà Bắc).
Quân Kim hơn 10 vạn người do tướng Hoàn Nhan Cương và Thuật Hổ Cao Kỳ thảm bại trước quân Mông Cổ phải tháo chạy. Thành Cát Tư Hãn thừa thắng truy kích đến cửa bắc Cư Dung Quan.
Cư Dung Quan là nơi hiểm yếu, phân thành hai cửa nam bắc, ở giữa là tuyến đường hẹp nằm giữa hai ngọn núi, có vực sâu, là nơi dễ thủ khó công. Thành Cát Tư Hãn lường được rằng, nếu mạo hiểm đánh thẳng vào Cư Dung Quan sẽ gặp tổn thất lớn, liền phái Trát Bát Nhi Hỏa, người am hiểu địa hình nhà Kim, dẫn tướng Triết Biệt đi theo đường nhỏ bất ngờ đánh chiếm cửa nam, tạo thế gọng kìm, qua đó kiểm soát hoàn toàn Cư Dung Quan.
Tiến sâu vào Trung Nguyên, Thành Cát Tư Hãn chia quân làm ba nhánh, ra lệnh thỏa sức công phá và cướp bóc, với mục tiêu là bao vây hoàn toàn Trung Đô lần thứ hai.
Nhà Kim lúc này một lần nữa rơi vào cảnh hỗn loạn. Trước khi chiến tranh nổ ra, Hồ Sa Hổ trấn giữ Tây Kinh, từng gây ra mâu thuẫn giết chết một huyện lệnh. Hoàn Nhan Vĩnh Tế không những không trừng phạt mà còn giao trọng trách đóng quân tinh nhuệ ở phía bắc Trung Đô.
Khi quân Mông Cổ ngày càng tới gần, Hồ Sa Hổ không chuẩn bị kế hoạch nghênh chiến mà còn mải mê săn bắn. Hoàn Nhan Vĩnh Tế nặng lời trách mắng, càng khiến Hồ Sa Hổ bất mãn. Vào một buổi đêm mùa thu năm 1213, Hồ Sa Hổ bí mật dẫn quân tiến vào hoàng cung ám sát Hoàn Nhan Vĩnh Tế, đưa một người cháu của hoàng đế là Hoàn Nhan Tuân lên nối ngôi, lấy hiệu là Kim Tuyên Tông. Hồ Sa Hổ có công đưa hoàng đế mới lên ngôi, được cấp đất phong vương.
Thành Cát Tư Hãn áp đảo hoàn toàn quân đội nhà Kim ở Trung Hoa không chỉ nhờ sự dũng mãnh mà còn nhờ mưu lược.
Tháng 10/1213, Thành Cát Tư Hãn tập hợp quân chủ lực gần Trung Đô, ba đạo quân chinh phạt các vùng khác do các con trai Thành Cát Tư hãn chỉ huy cũng lần lượt quay về.
Đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đóng tại ngoại thành Trung Đô suốt mùa đông, tới tháng 3/1214. Các tướng dưới quyền xin được dẫn quân công thành nhưng Thành Cát Tư Hãn không đồng ý, gửi thông điệp tới Kim Tuyên Tông Hoàn Nhan Tuân.
"Các vùng xung quanh kinh đô đều đã rơi vào tay Mông Cổ. Ta vốn muốn thu quân, nhưng các tướng đều muốn tấn công. Vậy phải xử lý như thế nào đây?". Kim Tuyên Tông mới lên ngôi một phần e ngại sức chiến đấu của quân Mông Cổ, một phần lo triều đình lại hỗn loạn, nên phái sứ thần đi cầu hòa.
Kim Tuyên Tông gả công chúa cho Thành Cát Tư Hãn, cống nạp một lượng lớn vàng bạc châu báu, 500 nam và 500 nữ cùng 3.000 con ngựa, đồng thời phái thừa tướng Hoàn Nhan Phúc Hưng tiễn Thành Cát Tư Hãn khỏi Cư Dung Quan. Sau khi hai bên ký hòa ước, Thành Cát Tư Hãn rút quân về Mông Cổ. Triều đình nhà Kim tưởng rằng đã thoát khỏi kiếp nạn diệt vong, nhưng thực chất đây chỉ là sự khởi đầu, theo Sohu.
Sau khi đại quân Mông Cổ rút về thảo nguyên phương bắc, Thành Cát Tư Hãn phái người đi sứ Nam Tống, hi vọng quân Mông Cổ và quân Tống có thể liên minh, cùng nhau diệt nhà Kim, phân chia giang sơn.
Sứ thần Mông Cổ trên đường đi không may bị quân Kim mai phục, bắt sống. Kim Tuyên Tông biết được ý đồ của Thành Cát Tư Hãn thì vô cùng hoảng hốt, lo lắng Mông Cổ lại một lần nữa tập kích.
Nhà Kim được coi là thế lực kiểm soát phía bắc Trung Hoa sau khi diệt Bắc Tống.
Năm 1215, hoàng đế nhà Kim ra quyết định dời đô tới thành Biện Kinh (nay là Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Đông đảo đại thần khuyên nhủ hoàng đế suy nghĩ lại nhưng Kim Tuyên Tông không nghe, quyết ý dời đô.
Thành Cát Tư Hãn nghe tin Kim Tuyên Tông dời đô về phía nam, phái sứ giả tới trách móc: "Kim chủ đã cùng ta hòa hảo, cùng nhau chung sống. Vậy mà giờ lại lựa chọn dời đô, là bởi vì đã nghi ngờ từ trước, chẳng qua là lấy hòa ước để lừa gạt ta mà thôi”.
Thành Cát Tư Hãn nhận định nhà Kim dời đô sẽ dẫn tới bất ổn, lòng người dao động, chính là cơ hội tốt để tấn công. Ông lệnh cho tướng Tát Mộc Hợp và hàng tướng nhà Kim là Thạch Bôi Minh An dẫn đại quân tiến vào lãnh thổ Kim, hợp quân với lực lượng phản loạn người Khiết Đan để bao vây Trung Đô. Thành Cát Tư Hãn lại lệnh cho Mộc Hoa Lê tiến quân chinh phạt Liêu Đông, chi viện cho Gia Luật Lưu Ca.
Thành Cát Tư Hãn cũng nghe theo lời khuyên của các tướng, tận dụng khoa học kỹ thuật của Trung Nguyên, thành lập một đội pháo binh Mông Cổ, dùng pháo để công thành.
Nghe nói đại quân Mông Cổ tiến về phía nam, Trung Đô sắp bị bao vây, Kim Tuyên Tông ở Biện Kinh lo cho thái tử, bèn lệnh cho con trai bí mật rời khỏi thành. Vắng bóng thái tử, quân thủ thành Trung Đô ngày càng thêm bất an. Tướng giữ thành là Hoàn Nhan Thừa Huy gửi thư cầu viện.
Kim Tuyên Tông lệnh cho tướng Ô Cổ Luận Khánh Thọ dẫn 4 vạn quân đi ứng cứu. Hoàng đế cũng phái tướng Thừa Lý Anh phụ trách việc vận chuyển lương thảo cứu Trung Đô.
Quân Mông Cổ dùng lại chiến lược cũ, vờ như vây thành nhưng thực chất là huy động quân chủ lực nghênh chiến viện binh của đối phương. Người Mông Cổ phục kích, cướp sạch lương thảo, giết chết Lý Anh. 4 vạn quân của Ô Cổ Luận Khánh Thọ cũng bị đánh tan, ai nấy bỏ chạy tán loạn.
Trung Đô lúc này bị vây chặt, trong thành xuất hiện nạn đói nghiêm trọng. Tháng 6/1215, quân Mông Cổ bắt đầu công thành, dùng trọng pháo công phá. Đứng trước thất bại, Hoàn Nhan Thừa Huy uống thuốc độc tự sát. Binh lính nhà Kim lũ lượt ra khỏi thành xin hàng.
Quân Mông Cổ thời kỳ cai trị của Thành Cát Tư Hãn gần như chưa bao giờ thất bại. Ảnh minh họa.
Trung Đô từng là kinh đô của nhà Kim, thành trì sầm uất bậc nhất Trung Hoa lúc bấy giờ với hơn 1 triệu người sinh sống. Thành Cát Tư Hãn gần như hủy diệt thành phố hoàn toàn. Toàn bộ tài sản, vàng bạc của Trung Đô được vận chuyển về thảo nguyên Mông Cổ.
Tháng 7/1215, Thành Cát Tư Hãn sai sứ giả gửi thông điệp tới Kim Tuyên Tông. "Nếu ngươi giao các thành trì ở vùng Sơn Đông, Hà Bắc, từ bỏ tước hiệu hoàng đế, Mông Cổ sẽ ngừng tấn công”, Thành Cát Tư Hãn chuyển lời, theo Sohu.
Nghe tin, Kim Tuyên Tông một mực từ chối, vẫn nuôi mộng chấn hưng triều đại. Tính đến hết mùa thu năm 1215, quân Mông Cổ đã chiếm được 862 thành trì lớn nhỏ của nhà Kim. Cuộc chiến Mông Cổ - Kim giờ đây bước sang giai đoạn mới.
______________________________
Giành được Trung Đô giúp sĩ khí Mông Cổ lên cao, Thành Cát Tư Hãn đặt ra mục tiêu phải kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ nhà Kim ở Trung Hoa. Nhưng điều gì đã khiến cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm sau đó và Thành Cát Tư Hãn đã làm cách nào để đánh bại hoàn toàn nhà Kim? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3, xuất bản lúc 19h ngày 22/5.
Năm 1209, 3 năm sau khi thống nhất các bộ lạc, thành lập đế quốc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn không ngừng củng cố binh lực với mục tiêu là tấn công nhà Kim, thế lực khi đó...
Nguồn: [Link nguồn]