Thành Cát Tư Hãn đã giết người anh trai thế nào?
Ít người biết rằng, để nắm quyền trong gia đình, Thành Cát Tư Hãn đã cùng em trai giết chết người anh cả cùng cha khác mẹ của mình.
Nhân vật Thành Cát Tư Hãn thời trẻ trong phim "Mongol: The Rise Of Genghis Khan" (Tựa Việt: "Đế chế Mông Cổ: Sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn")
Theo Bí sử Mông Cổ, mẹ Thành Cát Tư Hãn là Ha Nguyệt Luân, sau khi cưới người chồng đầu là Chiledu đã bị Dã Tốc Cai bắt cóc và ép làm vợ thứ hai. Sau khi Ha Nguyệt Luân sinh đứa con đầu lòng, Dã Tốc Cai đặt tên con là Thiết Mộc Chân. Hai người con trai và gái khác của họ cũng được đặt tên bắt đầu bằng hai chữ Thiết Mộc, tiếng Mông Cổ là động từ "temul", nghĩa là vội vàng, được truyền cảm hứng, có suy nghĩ sáng tạo...
Sau khi Dã Tốc Cai chết, để lại hai người vợ và bảy người con, Thiết Mộc Chân đã chịu đựng sự ức hiếp của người anh cùng cha khác mẹ là Biệt Khắc Thiếp Nhi.
Trong các gia đình Mông Cổ từ xưa đến tận bây giờ, hệ thống thứ bậc luôn rất chặt chẽ và đóng vai trò quyết định. Trong gia đình, khi người cha vắng mặt, dù chỉ là ngắn hạn, thì con trai trưởng sẽ tiếp nhận vai trò đó. Người anh cả có quyền điều khiển mọi hoạt động, giao cho các thành viên còn lại bất cứ nhiệm vụ nào, và được lấy bất cứ cái gì cậu ta muốn.
Bí sử Mông Cổ kể rằng, nỗi phẫn nộ của Thiết Mộc Chân với người anh bùng nổ chỉ vì những sự việc thoảng qua có thể là vụn vặt. Biệt Khắc Thiếp Nhi đã lấy đi con chim sơn ca mà Thiết Mộc Chân bắn hạ. Sau đó, khi Thiết Mộc Chân và em cùng mẹ là Cáp Tát Nhi câu được cá, thì Biệt Khắc Thiếp Nhi và người em cùng mẹ với anh ta là Biệt Lặc Cổ Đài đã cướp mất cá. Khi Thiết Mộc Chân mách mẹ, Ha Nguyệt Luân còn bênh vực người anh, vị chủ mới của gia đình.
Nỗi tức giận càng thêm nung nấu, Thiết Mộc Chân đã cùng Cáp Tát Nhi bỏ đi khỏi nhà và nhìn thấy Biệt Khắc Thiếp Nhi đang ngồi một mình trên gò đá nhỏ nhìn xuống thảo nguyên. Thiết Mộc Chân liền bảo Cáp Tát Nhi - tay cung giỏi nhất cả nhà - đi vòng ra phía trước gò, còn cậu leo lên từ phía sau. Khi đã đến đủ gần để bắn tên, cả hai đột nhiên đứng dậy và giương cung.
Hình ảnh trong phim "Genghis: The Legend of the Ten" (Tạm dịch: Huyền thoại về 10 vị tướng của Thành Cát Tư Hãn)
Tuy nhiên Biệt Khắc Thiếp Nhi đã không sợ hãi bỏ chạy hay có ý định giao chiến. Sau khi quở trách những người em, biết rằng không tránh khỏi số phận, cậu chỉ yêu cầu với hai người rằng hãy tha mạng cho em trai ruột của mình - Biệt Lặc Cổ Đài.
Hai phát tên được bắn ra, Biệt Khắc Thiếp Nhi trúng tên, gục ngã. Hai anh em để mặc địch thủ chết gục tại đó và đi về nhà.
Theo Bí sử Mông Cổ, khi nhìn thấy vẻ mặt của hai người con, Ha Nguyệt Luân đã hiểu ngay sự việc và la mắng họ thậm tệ. Các nhà sử học phân tích rằng, cơn giận dữ la hét của bà với Thiết Mộc Chân là một trong những đoạn độc thoại dài nhất Bí sử, và bà đã liên tục so sánh con với các loài thú vật.
Theo sử sách Mông Cổ, sự kiện này xảy ra khoảng trước năm 1178, năm Thiết Mộc Chân tròn 16 tuổi. Sau đó, cậu đã sinh sống hòa thuận với Biệt Lặc Cổ Đài và đưa các em cùng tham gia vào những cuộc giao tranh và chinh phạt của mình.
Theo Giáo sư Jack Mciver Weatherford, tác giả cuốn "Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại" (NXB Khoa học Xã hội, 2018, Võ Phương Linh dịch), thì Thiết Mộc Chân từ nhỏ đã thích chơi các trò chơi sinh tử như vậy, và luôn sẵn sàng tìm mọi cách để chiến thắng. Việc ám sát người anh đã được cậu ta tổ chức với chiến thuật như trong cuộc săn bắn, và sau này, trong chiến trận, cậu đã chứng tỏ mình là bậc kỳ tài trong việc chuyển đổi kỹ năng săn bắn thành sách lược chiến tranh.
Tác giả Weatherford đánh giá, Thiết Mộc Chân như một con ngựa luôn phải dẫn đầu mọi cuộc đua và luôn kiên quyết xác định mình ở vị trí chỉ huy, không thể nghe lệnh bất cứ ai. Và việc ông ta sẵn sàng vi phạm tục lệ của dân tộc, chống đối lại mẹ, và giết chết người cản đường mình dù là anh trai, đã chứng minh điều đó. Với tính cách quyết liệt, Thiết Mộc Chân liên tục đạt được các thành tựu trong chinh chiến, để rồi trở thành vị Đại Hãn của các bộ tộc Mông Cổ, rồi tiến đến danh hiệu nhà chinh phạt vĩ đại trong lịch sử thế giới.
______________
Lớn lên trên thảo nguyên, Thành Cát Tư Hãn chưa từng được học chiến thuật vây thành, nhưng ông nhanh chóng tìm ra những phương pháp riêng để chiếm mọi pháo đài, phá bỏ mọi bức tường thành gặp phải trên đường chinh phạt. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, xuất bản sáng 22/3/2019.
Trận thua được cho là duy nhất của Thành Cát Tư Hãn vẫn là một bí ẩn, thậm chí nhiều sử gia cho rằng đây là câu chuyện...