Tháng Ramadan sẽ mở ra giai đoạn mới trong xung đột Israel-Hamas?
Các nhà đàm phán đang nỗ lực tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin trước thời điểm bắt đầu tháng Ramadan, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas sẽ bước sang giai đoạn mới vào tháng lễ này.
Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) vẫn tiếp diễn, tháng Ramadan được xem như hạn chót không chính thức cho việc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, theo tờ The Wall Street Journal.
Tháng lễ Ramadan là tháng nhịn ăn của người Hồi giáo, bắt đầu vào khoảng ngày 10-3.
Các nhà lãnh đạo Israel cho biết họ sẽ mở cuộc tấn công nhằm vào TP Rafah - thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, nếu các bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước khi tháng Ramadan bắt đầu.
Người dân Gaza trú ẩn trong một căn lều ở miền trung dải đất, trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas tiếp diễn. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Trong khi đó, ngày 28-2, ông Ismail Haniyeh – người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas – kêu gọi người Palestine sống bên ngoài Gaza tập trung về nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa tại Jerusalem (một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi) vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan để phản đối các hạn chế do Israel đặt ra.
Đáp lại, người phát ngôn chính phủ Israel – bà Tal Heirich cáo buộc lãnh đạo Hamas “cố lôi kéo Israel vào cuộc chiến trên các mặt trận khác”, theo hãng tin Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant cho biết mục đích của Hamas là muốn Israel chuyển các nguồn lực an ninh tới Jerusalem và Bờ Tây.
“Mục tiêu chính của Hamas là tận dụng tháng Ramadan và biến nó thành giai đoạn thứ hai trong kế hoạch tấn công của họ – vốn bắt đầu vào ngày 7-10-2023. Chúng ta không được trao cho Hamas những gì họ muốn” – ông Gallant nói.
Vì sao tháng Ramadan có thể là thời điểm bắt đầu giai đoạn mới trong xung đột Israel-Hamas?
Trong tháng Ramadan, theo truyền thống, những tín đồ Hồi giáo tập trung tại Al Aqsa. Nhà thờ này được người Hồi giáo gọi là Thánh địa cao quý, trong khi người người Do Thái gọi là Núi Đền. Đối với những người theo đạo Do Thái, khu vực Núi Đền là một trong những nơi linh thiêng nhất.
Trong những năm gần đây, tháng Ramadan là thời điểm căng thẳng leo thang giữa Israel và các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Nhà thờ Al Aqsa từng là tâm điểm căng thẳng trong tháng Ramadan năm 2021. Khi ấy, xung đột Israel-Hamas đã bùng nổ tại Gaza trong 11 ngày, bên cạnh các vụ bạo loạn của người Ả Rập tại Israel. Trong tháng Ramadan 2022 và 2023, cảnh sát Israel đã đụng độ người Palestine tại nhà thờ Al Aqsa.
Du khách tại khu vực nhà thờ Al Aqsa nằm trong một khu phức hợp được người Do Thái gọi là Núi Đền. Ảnh: REUTERS
Do đó, các quan chức an ninh Israel có lý do để lo ngại rằng Hamas có thể lợi dụng tầm quan trọng của tháng lễ này để mở rộng xung đột Israel-Hamas ra ngoài Gaza.
Phía Israel cũng cho rằng Hamas có thể tận dụng tháng Ramadan để gây ra căng thẳng tôn giáo và kích động bạo lực ở Jerusalem, Bờ Tây và toàn vùng Trung Đông.
Bà Dina Lisnyansky – giảng viên tại ĐH Reichman (Israel) cho rằng “Hamas, đặc biệt là ông Yahya Sinwar [lãnh đạo Hamas tại Gaza], sẽ cố gắng kích động các khu vực khác trong tháng Ramadan và khai thác lòng nhiệt thành của nhiều tín đồ Hồi giáo chống lại Israel. Đây là lý do tại sao mọi người đều nói về tháng Ramadan”.
Các bên đang làm gì để ngăn xung đột Israel-Hamas bước sang giai đoạn mới trong tháng Ramadan?
Mỹ, Ai Cập và Qatar đang nỗ lực thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin trước tháng lễ Ramadan. Nhiều nguồn tin cho rằng trong tuần tới, Israel và Hamas có thể đồng ý về thỏa thuận tạm dừng giao tranh và thả con tin.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn dự đoán rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận vào ngày 4-3. Tuy nhiên, các nhà đàm phán của Qatar và Ai Cập tỏ ra bi quan hơn. Nhà Trắng sau đó cũng xác nhận phát ngôn của ông Biden chỉ nhằm bày tỏ niềm hy vọng của ông, chứ không khẳng định thời điểm các bên đạt được thỏa thuận.
Theo The Wall Street Journal, Nhà Trắng không muốn thấy Israel tấn công Rafah trong tháng Ramadan. Ngoài ra, dưới áp lực từ các cử tri, chính quyền ông Biden cũng mong xung đột Israel-Hamas sớm kết thúc.
Hôm 27-2, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ đang cố gắng thuyết phục các bên đi đến thỏa thuận nhằm chấm dứt giao tranh và thả con tin. Tuy nhiên, ông Kirby cho hay các nhà đàm phán đang không “cố gắng vượt qua thời gian [để đạt được thỏa thuận trước tháng Ramadan]”.
Người dân Gaza nhận viện trợ gần khu vực trạm kiểm soát của Israel tại TP Gaza (bắc Gaza) trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp diễn. Ảnh: REUTERS
Về phía Israel, cho đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa thống nhất cách ứng xử với những người theo đạo Hồi đến nhà thờ Al Aqsa trong tháng Ramadan. Trước đây, Israel đã hạn chế các cá nhân "nguy hiểm" đến thăm nhà thờ trong tháng lễ. Có lúc, Israel chỉ cho phép phụ nữ, trẻ em và người già đến địa điểm này.
Đầu tháng 2, ông Benny Gantz – thành viên nội các thời chiến Israel – cho biết chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp an ninh trong tháng Ramadan do xung đột ở Gaza nhưng vẫn chưa nêu cụ thể các biện pháp này là gì.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel – ông Itamar Ben-Gvir kêu gọi Israel thực hiện các biện pháp tối đa để giữ người Palestine ở Bờ Tây tránh xa nhà thờ Al Aqsa. Tuy nhiên, các quan chức Israel cũng cho biết họ đã bác bỏ đề xuất của ông Ben-Gvir.
Việc Israel tiến hành chiến dịch ám sát các lãnh đạo Hamas mang lại một số lợi ích nhưng cũng đem tới không ít rủi ro cho Israel.
Nguồn: [Link nguồn]