Thắng lợi của Qatar nhìn từ trận thua mở màn World Cup 2022
Qatar đi vào lịch sử khi là nước chủ nhà đầu tiên thất bại ngay trong trận mở màn World Cup. Nhưng quốc gia này giành được một thắng lợi có thể nói là quan trọng và có ý nghĩa sâu xa hơn.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani (trái) gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi trước khi trận khai mạc World Cup khởi tranh.
Qatar là quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đầu tiên đăng cai World Cup, chi số tiền kỷ lục để tổ chức giải đấu lớn nhất hành tinh. Ngoài kỳ vọng trên sân cỏ, Qatar có thể có những toan tính và lý do riêng để làm như vậy. Loạt bài này sẽ đề cập và phân tích về những khía cạnh ở phía sau sân cỏ World Cup 2022. |
Đội tuyển Qatar đã có sự chuẩn bị không nhỏ cho World Cup 2022, với bước chạy đà được coi là hoàn hảo khi đoạt Cup vô địch châu Á năm 2019. Qatar khi đó đánh bại cả các đối thủ sừng sỏ của châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhưng trong trận khai mạc gặp đội tuyển Ecuador, ĐT Qatar bị lấn lướt hoàn toàn, không thể triển khai được lối chơi và đành chấp nhận kết quả thua 0-2.
Ở trên khán đài, hình ảnh đáng chú ý nhất là quốc vương Qatar ngồi ở hàng ghế VIP bên cạnh các nhà lãnh đạo Ả Rập - lãnh đạo các quốc gia mới 1,5 năm trước còn đang áp đặt cấm vận và phong tỏa toàn diện với Qatar.
Cựu vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani (giữa), cha của quốc vương Tamim tới dự khán trận khai mac World Cup.
Không có bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào tới dự lễ khai mạc World Cup 2022 ở Qatar, phản ánh những chỉ trích của phương Tây về một kỳ World Cup diễn ra với quá nhiều sự thay đổi và hạn chế, theo AP.
Nhưng sự hiện diện của thái tử kiêm Thủ tướng Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman (MbS) và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi cho thấy Qatar đã phần nào vượt qua sự tẩy chay vì những mâu thuẫn chính trị.
Trên khán đài còn có sự hiện diện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã duy trì nguồn sống quan trọng giúp Qatar vượt qua sự phong tỏa từ các nước Ả Rập. Trong suốt 4 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là quốc gia cung cấp lương thực và các sản phẩm thiết yếu khác cho Qatar vì các nước láng giềng đóng cửa cảng biển, không phận.
Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người giữ chức Thủ tướng UAE, cũng tới dự lễ khai mạc World Cup. Các tòa nhà chọc trời ở Dubai từ lâu đã là mục tiêu đầu tư của hoàng gia Qatar.
Những gương mặt này xuất hiện trên khán đài chính là thắng lợi về chính trị, ngoại giao của Qatar.
Tuy nhiên, Tổng thống UAE kiêm tiểu vương Abu Dhabi, Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã không tới dự. Quốc vương Bahrain cũng không tham dự lễ khai mạc.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) thăm hỏi cựu vương Hamad.
Theo giới quan sát, sự vắng mặt của hai nhân vật quan trọng trong khu vực cho thấy nhóm các nước Ả Rập vùng Vịnh vẫn còn những bất đồng với Qatar.
Trong lễ khai mạc, thái tử Ả Rập Saudi MbS tỏ ra vui vẻ, ngồi cạnh Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và kế bên ông Infantino là quốc vương Qatar.
Trong bài phát biểu khai mạc World Cup, quốc vương Qatar Tamim nói: "Thật đẹp biết bao khi mọi người gạt bỏ những gì đã chia rẽ sang một bên để tôn vinh những giá trị truyền thống và những thứ mang mọi người xích lại gần nhau hơn".
Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Qatar (năm 2017 - 2021), một số nước Ả Rập đề xuất đào hào dọc biên giới dài 87km giữa Ả Rập Saudi và Qatar và lấp đầy chất thải hạt nhân ở đó. Quốc vương Kuwait khi đó còn đe dọa một cuộc chiến tranh.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani vẫy tay ở khu vực hàng ghế VIP.
Nguồn gốc căng thẳng xuất phát từ việc Qatar âm thầm ủng hộ làn sóng "mùa xuân Ả Rập", gồm các phong trào biểu tình xuất hiện ở Ai Cập và nhiều nước Ả Rập khác từ năm 2011.
Qatar coi các cuộc biểu tình thể hiện sự thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông, trong khi các nước vùng Vịnh khác coi là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ.
Cùng với Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và cựu Tổng thống Ai Cập bị phế truất Mohammed Morsi.
Tướng El-Sisi, người lật đổ ông Morsi trong cuộc đảo chính năm 2013, đã công khai bắt tay ông Erdogan tại lễ khai mạc World Cup. Đây được coi là động thái tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước. Quốc vương Qatar Tamim mỉm cười ở phía sau khung hình
Qatar cũng đối mặt với sự chỉ trích từ phương Tây khi bị cho là đứng sau kích động biểu tình ở Syria và khiến biểu tình trở thành nội chiến. Qatar sau này nói rằng nước này chỉ ủng hộ biểu tình ôn hòa, không hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cực đoan nhằm lật đổ chính phủ Syria và cũng không hỗ trợ khủng bố IS.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) tươi cười bắt tay quốc vương Qatar. Ả Rập Saudi dỡ bỏ cấm vận và phong tỏa với Qatar vào đầu năm 2021.
Qatar giống như Ả Rập Saudi, là quốc gia Hồi giáo theo đường lối bảo thủ, áp đặt các quy định khắt khe như cấm bia rượu.
Tuy nhiên, quốc gia này phần nào nới lỏng quy định, cho phép phục vụ rượu trong các quán bar của khách sạn và khu vực riêng biệt dành cho người hâm mộ FIFA.
Hiện tại, một số luồng ý kiến ở Qatar cho rằng, giải đấu World Cup đang tuyên truyền sự xa hoa và những giá trị văn hóa lệch lạc đến từ phương Tây. Điều này dường như dẫn đến việc hoàng gia Qatar đột ngột ban hành lệnh cấm bia rượu tại các sân vận động, chỉ 2 ngày trước khi giải đấu khởi tranh, theo AP.
Hôm 19/11, tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập, ra thông báo chỉ trích Qatar tổ chức World Cup, vì cho rằng hoạt động này thu hút "những kẻ vô đạo đức, những người đồng tính, những kẻ gieo mầm tham nhũng và chủ nghĩa vô thần từ phương Tây".
Trong buổi lễ khai mạc, những tràng pháo tay lớn được giành cho quốc vương Tamim và cha ông, cựu vương Hamad bin Khalifa Al Thani - người 12 năm trước đã giúp Qatar giành quyền đăng cai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2022.
Lễ khai mạc World Cup 2022 diễn ra ở sân vận động Al Bayt với 60.000 chỗ ngồi.
Iran, một đồng minh khác của Qatar bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cử bộ trưởng thanh niên và thể thao tới dự lễ khai mạc World Cup, khi Tổng thống Ebrahim Raisi vẫn đang bận giải quyết cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở đất nước.
Tháng trước, lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei chỉ trích phương Tây đứng sau kích động biểu tình và bạo loạn, nhằm khiến Iran chìm trong bất ổn.
Hôm 19/11, Chủ tịch FIFA Infantino đưa ra những lời chỉ trích hiếm hoi nhằm vào châu Âu, phản đối việc phương Tây lấy lý do nhân quyền để công kích giải đấu tổ chức ở Qatar. Ông Infantino cho rằng, "châu Âu không có tư cách đưa ra những bài giảng về đạo đức dựa trên những gì người châu Âu đã gây ra trong lịch sử".
__________________
Đầu tư vào bóng đá, thâu tóm các câu lạc bộ trên thế giới, "vung tiền" tổ chức World Cup 2022, Qatar có những toan tính ra sao ngoài thu hút du khách và thúc đẩy nền kinh tế? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản sáng sớm ngày 23/11 trên mục Thế giới.
Qatar đi vào lịch sử World Cup khi là đội chủ nhà đầu tiên thất bại trong trận mở màn. Sự cổ vũ của số đông khán giả nhà đã không khỏa lấp được khoảng cách về trình...
Nguồn: [Link nguồn]