Tháng cô hồn, người Trung Quốc đốt gì gửi người "cõi âm"?
Nhiều người thắc mắc, không rõ vì sao người Trung Quốc đốt cả xe tăng, xe Mercedes, két sắt…. bằng giấy xuống “âm phủ”.
Người Trung Quốc đã đốt vàng mã suốt hàng trăm năm (ảnh: Baidu)
1. Nguồn gốc tục đốt vàng mã ở Trung Quốc
Đốt vàng mã (hay còn gọi là tiền âm phủ) được cho là phong tục bắt nguồn từ hàng trăm năm trước ở Trung Quốc. Vào những ngày lễ dành cho “cõi âm” như lễ Thanh minh, lễ Cô hồn (ma đói), người Trung Quốc lại đốt rất nhiều tiền mã.
Theo quan niệm cổ của người Trung Quốc, vàng mã bị đốt cháy sẽ được chuyển sang thế giới bên kia và người “cõi âm” có thể tiêu xài được.
Thời nhà Hạ (khoảng năm 2000 TCN), người Trung Quốc đã có tục làm đồ bằng đất, bằng gỗ, đá để chôn theo người chết. Đây là một dạng “tài sản âm phủ” để linh hồn người chết có thể tiêu xài.
Tới thời nhà Chu (khoảng năm 1000 TCN), người Trung Quốc có tục chôn tài sản thật, chôn sống vợ, nô lệ theo người chết.
Sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế (năm 221 TCN), ông đã ra lệnh cấm người dân dùng đồ vật thật và nô lệ để tùy táng. Thay vào đó, có thể dùng tiền xu giả, vàng giả để chôn theo người chết.
Mệnh lệnh trên được người Tần ủng hộ, bởi suy cho cùng, việc chôn tài sản thật theo người chết rất lãng phí và làm tăng nguy cơ bị trộm mộ.
Người Trung Quốc đốt cả xe tăng, xe Mercedes bằng giấy cho tổ tiên (ảnh: Daily Mail)
Khoảng năm 100 SCN, Thái Luân – một vị quan nhà Hán – đã phát minh ra cách làm giấy từ vỏ cây dâu, cây dó và lưới đánh cá rách. Tiền âm phủ để đốt cho người chết vì vậy cũng ra đời.
Tới thời nhà Đường, tục đốt vàng mã ở Trung Quốc phát triển mạnh. Ngoài vàng mã, người Trung Quốc còn chế ra vàng bạc, quần áo, đồ dùng bằng giấy để đốt cho người chết.
Tiền mã thường được sản xuất bằng loại giấy mỏng, kém chất lượng và dễ cháy. Về hình thức, vàng mã ở Trung Quốc thường được cắt thành dạng đồng xu lớn, có lỗ ở giữa, cắt thành dạng hình chữ nhật, dán giấy ánh kim màu vàng hoặc bạc ở giữa hoặc vàng mã hình chữ nhật có đóng dấu mực đỏ lên trên.
Các loại vàng mã ở Trung Quốc rất đa dạng (ảnh: Yumofchina)
2. Tháng Cô hồn ở Trung Quốc
Tháng 7 âm lịch hằng năm được coi là “tháng cô hồn” ở Trung Quốc. Người xưa quan niệm rằng, vào tháng này, vong hồn của người đã khuất sẽ được phép rời khỏi âm phủ và trở về thế giới người sống.
Đối với một số vong hồn không được thờ cúng và đói khát, người Trung Quốc sẽ đốt giấy tiền và vàng mã cho họ như một cách để “xoa dịu”.
Các hoạt động khác trong tháng Cô hồn bao gồm, dâng hương, cúng tế thực phẩm cho “quỷ đói” và múa lân sư rồng, khua chiêng gióng trống để xua đuổi tà ma.
Căn biệt thự hàng mã với kích thước tương đương nhà thật (ảnh: Daily Mail)
Nhiều người Trung Quốc tin rằng, việc đốt giấy tiền và đồ mã là cách để họ giúp tổ tiên có cuộc sống dư dả, đầy đủ ở thế giới bên kia. Ngược lại, tổ tiên sẽ “phù hộ” cho họ nếu cảm thấy hài lòng.
Ở Trung Quốc, hầu hết đền, chùa đều có lò lớn để đốt giấy tiền. Người dân Trung Quốc chỉ đốt tiền âm phủ. Việc đốt tiền thật được cho là mang lại xui xẻo.
Bộ sản phẩm của hãng Apple làm bằng giấy (ảnh: Daily Mail)
3. Đốt tiền mã gây “nhức nhối” ở Trung Quốc
Do xu thế thời đại, tục đốt vàng mã của người Trung Quốc ngày nay đã phát triển thành đốt bất kỳ vật phẩm bằng giấy nào cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ngoài vàng mã, vàng mã, người Trung Quốc có thể đốt xuống “cõi âm” thẻ tín dụng, hộ chiếu, TV, laptop, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay, máy tính bảng, điện thoại iPhone, thẻ bảo hiểm y tế, ghế massage… thậm chí là cả súng đạn và xe tăng. Tất cả đều được làm bằng giấy với kích thước tương đương đồ thật.
Tiền mã ở Trung Quốc cũng được cắt và in ngày càng tinh xảo, cầu kỳ hơn. Ngoài các loại tiền mã truyền thống, người Trung Quốc cũng ưa chuộng loại tiền âm phủ “ngoại tệ” như đồng USD giả, euro giả. Đồng nhân dân tệ “âm phủ” cũng được in giả với đường nét, màu sắc khá giống tiền thật.
Căn cước, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế kiểu “âm phủ” (ảnh: Daily Mail)
Theo SCMP, ở Trung Quốc và một số quốc gia thuộc khu vực Đông Á có quan niệm “trần sao âm vậy”. Người Trung Quốc cho rằng, khi xã hội phát triển, “người cõi âm” cũng cần sử dụng các thiết bị công nghệ, đồ gia dụng kiểu mới và cả ngoại tệ.
Tuy nhiên, việc đốt cả xe tăng, súng đạn, máy bay… xuống “âm phủ” bị nhiều người cho là cách “làm lố” và không cần thiết. Việc đốt quá nhiều vàng mã, vật dụng bằng giấy cũng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Theo Nhân dân nhật báo, buôn bán vàng mã, hàng mã là ngành kinh doanh sinh lời lớn ở Trung Quốc. Trên các cửa hàng trực tuyến lớn của Trung Quốc như Tabao, bạn có thể mua từ những xấp tiền mã giá chưa đến 1 nhân dân tệ (khoảng 3.200 VNĐ) đến những tòa biệt thự bằng giấy có giá lên tới 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6.500.000 VNĐ).
Các loại đồ hàng mã có kích thước càng lớn, càng chi tiết và giống thật thì có giá càng đắt đỏ, theo Nhân dân nhật báo. Tuy nhiên, với hy vọng được tổ tiền “phù hộ” không ít người vẫn vung tiền ra mua số lượng vàng mã, đồ hàng mã khổng lồ chỉ để đốt.
4. “Tuyên chiến” với tục đốt vàng mã ở Trung Quốc
Năm 2017, Trung Quốc có chiến dịch làm sạch môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên môi trường. Theo đó, mọi mặt hàng có sử dụng nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên đều sẽ bị tăng thuế và giá bán. Đây là động thái được cho là phần nào sẽ làm giảm lượng tiêu thụ vàng mã của người dân, do vàng mã hầu hết được sản xuất từ bột tre, bột gỗ.
Theo SCMP, chính quyền một số thành phố lớn ở Trung Quốc từng “tuyên chiến” với tục đốt vàng mã nhưng kết quả không được triệt để.
Năm 2021, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã và cho biết sẽ có biện pháp để kiểm soát tục lệ này.
Theo đó, các cơ sở, nhà máy sản xuất vàng mã, hàng mã ở Cáp Nhĩ Tân sẽ bị quản lý nghiêm ngặt để hạn chế số lượng sản phẩm bán ra.
Theo chính quyền Cáp Nhĩ Tân, việc đốt tiền âm phủ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Họ hy vọng có thể xóa bỏ tục lệ này.
Ngoài Cáp Nhĩ Tân, các thành phố khác ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi người dân hạn chế đốt tiền mã và đồ hàng mã.
Động thái mạnh tay của chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội và cũng nhận về nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng, giới chức đang đi ngược lại văn hóa truyền thống dân tộc, theo SCMP.
Đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm không khí ở Trung Quốc (ảnh: Sanghaiist)
Sau các tuyên bố cứng rắn vào năm 2021, chính quyền Cáp Nhĩ Tân không thể ra quy định cấm đốt vàng mã. Ở Trung Quốc, chính quyền các tỉnh thành chỉ có thể kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã, đồ hàng mã vào các dịp lễ Thanh minh và lễ Cô hồn.
Zheng Tuyou – giáo sư tại Đại học Phục Đán (Trung Quốc) – nhận xét, văn hóa dân gian được tạo thành từ những nghi lễ nhỏ. Việc xóa bỏ một nghi lễ quan trọng có thể khiến văn hóa dân gian mất ý nghĩa.
“Cấm quá ngặt một số phong tục nhất định cũng có thể gây mâu thuẫn với văn hóa truyền thống lâu đời”, ông Tuyou nói về việc cấm đốt tiền mã.
Một người đàn ông sống ở Bỉ đã thực hiện trò chơi khăm lớn nhất trong đời khi tung tin đã chết rồi sau đó đáp trực thăng tới tang lễ của chính mình thay vì được đưa...
Nguồn: [Link nguồn]