Thân thế lịch sử của ông Lộc trong Tam Đa: Phúc – Lộc – Thọ

Là vị thần biểu tượng của tiền tài và sự thịnh vượng, ông Lộc được người dân khắp nơi thờ phụng từ rất sớm. Ở mỗi khu vực, người ta lại truyền tụng một câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của ông Lộc. Chính vì vậy, ông Lộc là vị thần có thân thế phức tạp nhất trong bộ ba thượng đẳng phúc thần.

Ông Lộc trong Tam Đa Phúc – Lộc – Thọ (ảnh minh họa)

Ông Lộc trong Tam Đa Phúc – Lộc – Thọ (ảnh minh họa)

Tam Đa là tên gọi chung của ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ, tượng trưng cho những điều tốt đẹp nhất mà con người luôn mong đợi.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, xuất thân ông Lộc là Đậu Từ Quân, giữ chức Thừa tướng của nhà Tấn, Trung Quốc. Nhà Tấn là một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử Trung Quốc, do Tư Mã Viêm thành lập sau thời kỳ Tam Quốc nổi tiếng.

Đậu Từ Quân tuy chức cao quyền trọng, nhưng thực chất lại là một đại quan tham. Ông này đặc biệt thích được hoàng đế ban thưởng. Chưa đủ, Đậu Từ Quân còn ra sức nhận hối lộ từ việc mua quan bán tước, chạy chọt lợi ích cho người thân.

Tài sản trong nhà Đậu Từ Quân chất cao như núi, nhưng tuyệt nhiên, ông ta không tham ô, bòn rút của công, chỉ thích được người khác mang của nả đến biếu.

Nhiều người cho rằng thân thế của ông Lộc là Đậu Từ Quân, thừa tướng của nhà Tấn (ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng thân thế của ông Lộc là Đậu Từ Quân, thừa tướng của nhà Tấn (ảnh minh họa)

Dù sống trong cảnh giàu sang tột cùng, nhưng Đậu Từ Quân vẫn có một nỗi phiền muội, đó là chưa có cháu đích tôn. Vì lo lắng buồn rầu nhiều, Đậu Từ Quân dần sinh bệnh mà mất. Trước khi qua đời, ông ta than rằng:

“Lộc ta để cho ai bây giờ? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?”

Vì là người sở hữu khối tài sản cực lớn, sống ngập trong phú quý cho đến cuối đời, nên Đậu Từ Quân được dân gian tôn làm ông Lộc. Tuy nhiên, vì Đậu Từ Quân hiếm muộn cháu đích tôn, nên khi tạc tượng hay vẽ hình, ông Lộc là người duy nhất trong Tam Đa không được miêu tả đứng gần trẻ con.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, thân thế của ông Lộc lại phức tạp hơn rất nhiều. Theo tờ Sohu, vào thời cổ của Trung Quốc, ông Lộc thường được đánh đồng với thần tài, đều là biểu tượng của tiền bạc, phú quý.

Ông Lộc cũng được cho là có xuất thân từ Triệu Công Minh hoặc Tỷ Can, người thời Chu – Thương (ảnh minh họa)

Ông Lộc cũng được cho là có xuất thân từ Triệu Công Minh hoặc Tỷ Can, người thời Chu – Thương (ảnh minh họa)

Nhiều người Trung Quốc cho rằng, xuất thân của ông Lộc là Triệu Công Minh, giữ chức nguyên soái dưới thời nhà Thương. Triệu Công Minh phò Trụ Vương chống lại Chu Vũ Vương, nhưng thất bại và tử trận.

Trong tác phẩm nổi tiếng Phong thần diễn nghĩa, Triệu Công Minh là người có tài phép, cưỡi một con cọp đen. Triệu Công Minh thường giả dạng làm kẻ ăn mày, đến nhà những người giàu có, xin cơm thừa canh cặn, áo quần.

Nhưng ông không xin cơm áo cho bản thân, mà dùng chúng để ban phát cho những người nghèo khổ. Sau khi Triệu Công Minh bị Khương Tử Nha tiêu diệt, ông được phong thần và trở thành ông Lộc hay thần tài.

Lại có thuyết cho rằng, nguồn gốc của ông Lộc tuy cùng xuất phát vào thời Thương - Chu, nhưng không phải Triệu Công Minh mà là Tỷ Can – văn thần nổi tiếng và cũng là chú ruột của Trụ Vương.

Theo tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, vì nhiều lần can gián, Tỷ Can bị Trụ Vương ghét bỏ. Trụ Vương nghe lời Đát Kỷ, bắt ông moi trái tim “thất khiếu linh lung”(quả tim có 7 lỗ) ra xem. Tỷ Can dù moi tim, vẫn cứ sống như thường. Ông trở về nhà và mang toàn bộ gia sản ban phát cho người nghèo.

Tỷ Can sau đó đi lang thang khắp nơi. Một lần khi đến chợ, ông hỏi một người bán rau “không tim có sống được không?”, người kia đáp “không tim tất chết”. Tỷ Can nghe vậy, ngã xuống chết ngay. Ông được dân gian tôn làm ông Lộc và được phong là đệ nhất trung thần của Trung Quốc.

Phạm Trọng Yêm - quyền thần nhà Bắc Tống, cũng được coi là hóa thân của ông Lộc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Phạm Trọng Yêm - quyền thần nhà Bắc Tống, cũng được coi là hóa thân của ông Lộc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Phạm Trọng Yêm, một đại thần của nhà Bắc Tống, cũng được dân gian truyền tụng là xuất thân của ông Lộc. Phạm Trọng Yêm (989 - 1052), là một nhà chính trị, quân sự, cải cách nổi tiếng triều Bắc Tống.

Theo Tống sử, năm 1015, Phạm Trọng Yêm đỗ tiến sĩ, giữ chức Tư lý tham quân (chức quan quản lý việc hình ngục), dưới thời hoàng đế Tống Chân Tông.

Năm 1038, Phạm Trọng Yêm được điều tới Thiểm Tây chống quân Tây Hạ xâm lược, lập được nhiều chiến công. Năm 1043, ông giữ chức Khu mật phó sứ (tương đương với phó Tể tướng). Phạm Trọng Yêm làm quan hết lòng vì nước vì dân. Ông cũng là người nổi tiếng với câu nói:

“Lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ.”

Phạm Trọng Yêm là người đứng đầu cuộc cải cách 10 điều, dưới thời Tống Nhân Tông. Nội dung cải cách chủ yếu xoay quanh việc bổ nhiệm, bãi miễn quan lại phải minh bạch, rõ ràng. Phải chỉnh đốn quân sự và việc thu thuế. Cuối cùng là hạn chế lao dịch cho người dân.

Tuy nhiên, do bị phe gian thần chống đối, cuộc cải cách của Phạm Trọng Yêm nhanh chóng thất bại. Ông bị giáng chức và điều đi xa khỏi kinh thành. Vì là người hết lòng lo cho dân lại làm việc thiện vô số, nên sau khi mất, Phạm Trọng Yêm được dân gian tôn làm ông Lộc.

Thần Văn Xương trong Đạo giáo (ảnh minh họa)

Thần Văn Xương trong Đạo giáo (ảnh minh họa)

Cũng có thuyết cho rằng, Phạm Trọng Yêm là do thần Văn Xương chuyển thế. Theo quan niệm của Đạo giáo, Văn Xương là vị thần chuyên cai quản công danh, tiền tài của thiên hạ.

Vì là vị thần tượng trưng cho tài lộc, nên ông Lộc được dân gian suy tôn, thờ phụng rộng rãi từ rất sớm. Chính vì điểm này, có khá nhiều những câu chuyện khác nhau được dân gian truyền tụng về thân thế của ông Lộc.

Tuy nhiên, tựu trung, tất cả đều thể hiện ông Lộc có xuất thân từ chốn quan trường, sở hữu khối tài sản lớn. Vì vậy, trong các tác phầm điêu khắc, hội họa, ông Lộc thường được miêu tả với quan phục, đầu đội mũ quan, tay cầm một chiếc hốt ngọc (vật dụng của quan lại khi lên chầu hoàng đế) lớn.Ông Lộc cũng gắn liền với hình ảnh con hươu, trong tiếng Trung Quốc, từ “hươu” phát âm giống với từ “lộc”.

Nguồn: [Link nguồn]

Danh tướng TQ bị gian thần ”dìm”, được dân tôn là ông Phúc trong ”Phúc-Lộc-Thọ”

Nguyên soái Đại Đường Quách Tử Nghi là một trong số những vị tướng hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc có cái kết viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN