“Thần khuyển” ngao Tây Tạng cắn chết 37 chó sói
Ngao Tây Tạng có hình thể gấp đôi chó sói và tốc độ không hề kém cạnh.
Ngao Tây Tạng có hình thể to lớn và đồ sộ như sư tử.
"Thần khuyển" diệt sói
Cao nguyên Tây Tạng lạnh lẽo, nơi có đỉnh Khả Khả Tây Lý đứng sừng sững giữa diện tích 2,5 triệu cây số vuông, từng cơn gió rít lên liên hồi. Đó là lúc 3 giờ sáng, khi trời đất vẫn còn tối tăm, những người du mục đang say ngủ thì con chó Sát Ba Tháp của họ bỗng sủa lên từng tiếng dũng mãnh.
Giữa đất trời mênh mông và việc tìm kiếm những con hươu hay tuần lộc là điều rất khó khăn, bầy sói 4 con đã đánh hơi thấy một ngôi làng nhỏ với vài hộ dân đang sinh sống. Chúng dò dẫm trong đêm, đôi mắt tinh anh nhìn rõ ràng mọi thứ như ban ngày. Con sói đầu đàn đi nhẹ từng bước, có lẽ chắc mẩm hôm nay sẽ được một bữa ngon.
Chó sói rất tinh khôn, biết tổ chức đi săn theo bầy.
Vậy nhưng Sát Ba Tháp đã không cho phép bầy sói được trọn vẹn ý nguyện. Con ngao Tây Tạng trưởng thành, cao lớn, dũng mãnh với cặp bờm như sư tử, đã lao ra cắn chết một lúc cả 4 con sói. Khi trưởng làng tỉnh giấc, thứ duy nhất họ nhìn thấy là Sát Ba Tháp đang nằm ngủ say gần lều, bên cạnh là xác 4 con sói to lớn bị hạ gục. Đây không phải là lần đầu tiên Sát Ba Tháp ra tay, bảo vệ chủ nhân khỏi những mối nguy mãnh thú tại cao nguyên lạnh lẽo này.
Chó sói, đặc biệt là sói xám, là loài động vật thuộc bộ ăn thịt, có gene khá gần gũi chó nhà. Chúng có hình thể cân đối, nặng từ 40-60 kg, đi theo bầy và có khả năng săn mồi đáng nể. Chó sói chạy rất nhanh, lên tới 65 km/giờ và có thể bám con mồi trên một chặng đường dài.
Sức mạnh của chó sói nằm ở khả năng chiến đấu theo bầy. Khi đó, một con chó sói đầu đàn sẽ chỉ huy cả đàn dàn trận tấn công. Nó sẽ “lãnh ấn tiên phong” tấn công và sau đó bầy sói sẽ lao vào hạ gục con mồi. Chó sói khá hung dữ, chúng sẵn sàng săn cả những con vật to lớn trên một tấn như bò bizon hay nai sừng tấm.
Mặc dù vậy, trong những câu chuyện kể lại của người dân trong khu vực, chúng chưa bao giờ "qua mặt" được Sát Ba Tháp. Người dân cho biết, con chó ngao mà họ coi là "thần khuyển" đã giết tới 37 con sói khi chúng lẻn vào làng định tấn công gia súc.
“Bùa hộ mệnh”
Ở thời cực thịnh, con ngao Tây Tạng như thế này có thể bán giá vài tỉ.
Nếu so với chó sói, chó ngao Tây Tạng như Sát Ba Tháp chiếm ưu thế hơn hẳn vì chúng rất cao lớn và nặng tới 100 kg. Cá biệt có trường hợp nặng tới 115 kg. Chó ngao Tây Tạng được người bản địa cho là mang “dòng máu sư tử” và sở hữu tốc độ “nhanh như hươu nai”.
Để một con chó ngao như Sát Ba Tháp đạt thể trạng tốt nhất, nó cần tới 3-4 năm phát triển. Loài chó này một bữa ăn cũng rất khỏe, có thể tới 1 kg thịt và cơm.
Ngao Tây Tạng có thể nặng tới 115 kg.
Chó ngao Tây Tạng có một lớp bờm lớn quanh cổ, khiến chúng rất dũng mãnh khi tấn công. Lớp bờm này có tác dụng dọa nạt những đối thủ lớn và nguy hiểm hơn như hổ, báo tuyết. Ngao Tây Tạng sở hữu gene cổ xưa nhất hiện nay và có thể chịu được mọi thời tiết giá lạnh. Một vườn thú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, từng đưa một con ngao Tây Tạng vào “đóng giả sư tử” vì không đủ chi phí nuôi một con sư tử thật.
Theo trí nhớ của người Tây Tạng lưu truyền tới nay, Sát Ba Tháp là chú chó nhỏ được họ nhặt về nuôi. Mẹ của Sát Ba Tháp bị một bầy sói giết chết. Sau khi trưởng thành, Sát Ba Tháp có thân hình to lớn, uy dũng khác người và không hề sợ thú dữ.
Chó ngao Tây Tạng sở hữu bộ bờm như sư tử.
Nhờ có “bùa hộ mệnh” này mà dân du mục Tây Tạng chẳng sợ điều gì xuất hiện bất chợt trong đêm. Hình thể vượt trội cùng sức mạnh bản năng khiến Sát Ba Tháp là “kẻ thù không đội trời chung” với bất kì con sói nào. Một số người cho rằng chính sự thông minh của Sát Ba Tháp đã giúp nó biết điểm yếu của đối phương và tấn công đúng yếu huyệt.
Cũng vì điều này mà Sát Ba Tháp được coi là ngao Tây Tạng đẳng cấp và vượt trội hơn hẳn mọi con chó ngao trong lịch sử. Người Tây Tạng luôn nhắc tới Sát Ba Tháp với sự tự hào tối đa về con chó mang trong mình “dòng máu sư tử”.
Ngao Tây Tạng sở hữu một bộ giáp dày và cân nặng gấp hai lần pitbull hiếu chiến.