"Thần dược" chống Covid-19 của quốc gia châu Phi?

Sau khi các trường học được mở cửa trở lại, học sinh của quốc gia này được phát một chai nước thuốc chiết xuất từ thảo dược và phải uống để chống Covid-19.

Nhiều học sinh tại Madagascar mặt mày nhăn nhó vì vị đắng của chai nước thuốc, tuy nhiên, họ vẫn uống hết và được cho vào trường học. Học sinh tại Madagascar giờ được yêu cầu ngồi mỗi em một bàn, thay vì 2 người một bàn như trước đây để tránh nguy cơ lây lan Covid-19.

Tổng thống Madagascar – ông Andry Rajoelina, cũng dành nhiều lời quảng bá cho loại nước thảo dược kỳ bí này. Ông Andry Rajoelina thậm chí còn phát biểu trên sóng truyền hình rằng, thứ thuốc này là có thể “thay đổi cả lịch sử y tế” trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.

Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào được thế giới công nhận là có tác dụng đặc trị Covid-19.

Madagascar – quốc gia châu Phi với 26 triệu dân, đã ghi nhận tổng cộng 128 ca nhiễm Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.

Thứ nước thuốc kỳ lạ của Madagascar chưa được chứng minh bởi bất kỳ nhà khoa học nào, nhưng Tổng thống Rajoelina thì vẫn nhiệt tình ca ngợi.

“Những gì tôi muốn làm hôm nay là phổ biến thức uống này để bảo vệ người dân khỏi Covid-19”, ông Rajoelina phát biểu rồi tự mình uống hết một chai thảo dược.

Nước thảo dược bí ẩn được phân phát cho nhiều người dân tại Madagascar (ảnh: AP)

Nước thảo dược bí ẩn được phân phát cho nhiều người dân tại Madagascar (ảnh: AP)

Nước thuốc được cho là có thể chống Covid-19 đang được phân phát miễn phí tại các trường học ở và các khu dân cư nghèo ở Madagascar. Tại những nơi khác, muốn uống nước thuốc thì phải trả tiền. Nhiều người Madagascar coi thứ thuốc này là “thần dược”.

Nước thuốc được phát triển bởi Viện nghiên cứu ứng dụng Malagasy (Madagascar). Mặc dù trên chai không ghi thành phần, nhưng theo Tổng thống Rajoelina, thuốc chủ yếu làm từ cây ngải đắng.

Một số chuyên gia y tế tại Madagascar đã phản đối việc dùng thuốc bừa bãi và cho rằng, việc uống nước lá ngải không theo đơn có thể gây hại cho sức khỏe hơn là lợi.

“Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự hiệu quả của thứ nước này. Thậm chí, nó còn có khả năng gây hại cho sức khỏe của người dân, đặc biệt là các em nhỏ”, Marcel Razanamparany – Chủ tịch Học viện Y khoa Madagascar, cho biết.

Stephen Barrett, một bác sĩ tại Madagascar cho rằng, tiền sản xuất nước thảo dược chống Covid-19 nên được chi cho việc tiêm phòng sởi ở trẻ em. Madagascar hiện đang phải chiến đấu với dịch sởi, căn bệnh đã khiến hơn 1.000 trẻ em nước này tử vong vào năm ngoái.

Học sinh tại Madagascar phải uống thuốc thì mới được cho vào học (ảnh: AP)

Học sinh tại Madagascar phải uống thuốc thì mới được cho vào học (ảnh: AP)

“Ban đầu tôi hơi sợ khi phải uống thuốc nhưng tôi đã xem TV và Tổng thống nói uống thuốc này sẽ không bị làm sao. TV nói rằng thuốc có thể giúp tăng khả năng miễn dịch, tôi thì không biết điều đó có thật không. Bố mẹ tôi cấm không được uống thuốc này. Bố mẹ nói tôi không nên đến trường vì dịch bệnh vẫn đang lây lan nhưng tôi vẫn phải đi học vì còn kỳ thi vào cuối năm”, Hugo Ramiakatrarivo, một học sinh trung học tại trường Ampefiloha, thủ đô Antananarivo, chia sẻ.

Hiệu trưởng trường Ampefiloha – ông Mamisoa Randrianjafy, trấn an các học sinh rằng thuốc thảo dược chỉ như một loại trà dùng hàng ngày. Ông Randrianjafy nhấn mạnh, học sinh nào không chịu uống thuốc thì không được phép vào lớp học.

Thư ký Bộ Giáo dục Madagascar - Herimanana Razafimahefa, cho biết, nước thảo dược đã được phân phát cho tất cả học sinh tại thủ đô Antananarivo và nhiều nơi khác.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ: Tiêm hoóc môn giới tính nữ vào đàn ông để điều trị Covid-19

Đàn ông dường như có nhiều nguy cơ tử vong do Covid-19 hơn phụ nữ, vì thế các nhà khoa học tại Mỹ đang tiến hành điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – AP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN