Tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc hụt hơi vì thiếu tiền?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc thực tế đã chững lại những năm gần đây trước khi COVID-19 bùng phát. Đây sẽ là điểm yếu chí mạng nếu nước này không ngừng mở rộng tham vọng quyền lực trên trường quốc tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phiên làm việc ở Quốc hội Trung Quốc vào tháng 9-2019. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phiên làm việc ở Quốc hội Trung Quốc vào tháng 9-2019. Ảnh: REUTERS

Thời gian qua, Trung Quốc (TQ) liên tục có động thái mở rộng phạm vi ảnh hưởng và trực tiếp đối đầu với các nước khác trên nhiều mặt trận.

Dấu hiệu của cường quốc đang trỗi dậy

Nước này cùng lúc xung đột với Ấn Độ ở vùng Ladakh, thách thức Mỹ khi ban hành luật an ninh Hong Kong, cho máy bay lượn lờ xung quanh đảo Đài Loan, cũng như tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Đáng chú ý, song song với những hành động này, TQ cũng tái khởi động Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI), chi ngàn tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác, bên cạnh những khoản chi hàng tỉ USD khác vào các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo với mục tiêu vượt mặt phương Tây.

Tất cả diễn biến trên thoạt nhìn có thể xem là dấu hiệu của một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong bối cảnh trật tự thế giới mới hình thành dưới tác động đại dịch COVID-19, vị thế của Mỹ có phần suy giảm. Tuy nhiên, trong bài viết ngày 6-7 cho tạp chí Foreign Policy, PGS Salvatore Babones thuộc ĐH Sydney (Úc) cảnh báo việc trở thành nước lãnh đạo toàn cầu trên thực tế không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đòi hỏi phải bỏ ra một khối lượng tiền của rất lớn, vốn là thứ mà TQ đang cạn kiệt trầm trọng.

Tham vọng - tiềm lực Trung Quốc không tương xứng?

Theo chuyên gia Babones, trước khi COVID-19 xuất hiện, tăng trưởng kinh tế TQ những năm gần đây đang bắt đầu chững lại. Năm 2019, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia TQ công bố tăng trưởng GDP đạt 6,1%, kết quả đáng thất vọng nếu so với giai đoạn vàng đầu những năm 2000 với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức hai con số. Thậm chí, thống kê của các tổ chức quốc tế khác như Viện Brookings (Mỹ) còn khẳng định TQ hằng năm báo khống số liệu tăng trưởng đến gần 1,7% dù Bắc Kinh ra sức bác bỏ luận điểm này.

Dù tăng trưởng chậm nhưng chi tiêu chính phủ vẫn tăng đến 8,1% trong năm 2019, dẫn đến thâm hụt 4,9% tổng GDP và được dự báo sẽ chạm ngưỡng 11% trong năm nay. Tuy nhiên, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng mức thâm hụt thực tế đã cao hơn 12%.

Số phận và khả năng duy trì lâu dài kế hoạch BRI cũng là một vấn đề mà TQ đang phải đau đầu. PGS Babones nêu rõ kể từ năm 2017, TQ đã rút dần số vốn đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc BRI do hợp đồng ký với các quốc gia chủ nhà liên tục bị mất giá, làm giảm khả năng thu lời. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại TQ gần như rút hẳn chân khỏi dự án này, để lại một mình chính phủ TQ phải gồng gánh nguồn đầu tư khổng lồ. Tờ South China Morning Post ghi nhận hàng loạt dự án ở châu Á hiện đã bị đình trệ hoặc thu gọn lại do vấn đề kinh phí cùng tâm lý e ngại mắc phải bẫy nợ của TQ đến từ các nước xung quanh. Theo PGS Salvatore Babones, “tất cả diễn biến này đều xảy ra trước khi dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới”.

Ẩu đả bằng gậy gộc với Ấn Độ ở Ladakh thì có vẻ không tốn kém lắm nhưng cuộc chạy đua với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ khiến Bắc Kinh mất một khoản kếch xù. TQ cứ hay khoe rằng kinh tế của mình mạnh mẽ lắm nhưng thực tế ra sao ai cũng rõ.

PGS SALVATORE BABONES, ĐH Sydney (Úc) 

Quân sự Trung Quốc cũng vướng vấn đề tài chính

Về lĩnh vực quân sự, các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ (CSIS) nhận định việc TQ mở hàng loạt mặt trận đối đầu với các nước khác chắc chắn đã tạo áp lực khủng khiếp lên ngân sách quốc phòng nước này. Do đó, dù truyền thông TQ đưa tin rằng Bắc Kinh trong năm 2020 phân bổ ngân sách quốc phòng hơn 178 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái thì với cường độ hoạt động như hiện tại, con số này thậm chí còn không đủ để bù vào thâm hụt.

Mặt khác, các chương trình chế tạo công nghệ vũ khí của TQ cũng được cho là đang gặp rất nhiều vấn đề khiến quá trình phát triển kéo dài, kéo theo chi phí đi kèm tăng lên. Đơn cử, dòng tiêm kích J-20 được kỳ vọng sẽ là câu trả lời của TQ cho tiêm kích F-22 của Mỹ lại bị vướng lỗi tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu. Ngoài ra, trong năm nay TQ chỉ mới sản xuất được khoảng 50 chiếc dòng tiêm kích này, so với con số gần 320 chiếc F-22 và F-35 đã được Mỹ đưa vào biên chế và đang có kế hoạch sản xuất thêm 100 chiếc F-35 nữa trong năm nay.

Chương trình đóng tàu sân bay của TQ cũng chịu chung số phận khi kế hoạch đóng bốn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đã bị hoãn vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật làm đội giá thành lên quá cao. Bắc Kinh hồi tháng 2-2019 từng tuyên bố đến năm 2035 sẽ triển khai sáu tàu sân bay để cạnh tranh với Mỹ. Đến nay, TQ chỉ mới có hai chiếc hoạt động được là tàu sân bay Liêu Ninh (tàu cũ mua lại từ Ukraine) và tàu sân bay Sơn Đông công bố vào năm 2017 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

“Không có ngân sách nào không đáy cả và TQ có vẻ đã chạm đáy sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, Mỹ có thể vẫn là siêu cường và TQ có thể phải từ bỏ một tương lai đầy tham vọng như hiện nay” - PGS Salvatore Babones bình luận.

Mỹ còn chật vật, Trung Quốc sao có cơ hội?

Nhìn về cường quốc số một hiện nay là Mỹ, Tổng thống Donald Trump từ lúc nhậm chức năm 2017 đến nay đã duy trì chính sách ngoại giao biệt lập, rút nước này khỏi hàng loạt tổ chức, thể chế quốc tế khác nhau nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia vì không chịu nổi sức nóng của trọng trách người dẫn đầu, theo ông Babones.

“Một ví dụ điển hình là mỗi năm ngân sách quốc phòng của Mỹ bằng 10 quốc gia khác cộng lại. Năm 2020, Quốc hội phê duyệt cho Lầu Năm Góc gần 722 tỉ USD, tăng 34 tỉ USD so với năm ngoái. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Mỹ vẫn cho rằng cần phải chi nhiều hơn nữa nếu nước này muốn giữ vững sức mạnh quân sự như hiện nay trong 3-5 năm tới” - PGS Salvatore Babones cho biết. Dĩ nhiên, khoản chi nói trên chỉ là một phần trong danh sách dày đặc những mục tiêu, vấn đề mà Washington cần đầu tư và giải quyết trong thời gian tới như cải thiện năng lực phòng ngừa dịch bệnh, các loại công nghệ hiện đại đang bị TQ cạnh tranh, cũng như tiền hỗ trợ các tổ chức mà nước này vẫn còn là thành viên.

“Rõ ràng, Mỹ là nước có nền kinh tế lớn gấp đôi TQ cùng GDP đầu người cao gấp sáu lần mà vẫn chật vật để duy trì vị thế siêu cường của họ thì Bắc Kinh có hy vọng gì chuyện soán ngôi? Kể cả lúc thành siêu cường dẫn đầu thành công thì những thứ mà danh hiệu này đem lại có đáng để gồng gánh hàng tá những trách nhiệm đi kèm?” - ông Babones đặt câu hỏi. 

3 lý do khiến Ấn Độ khó ”thoát khỏi cái bóng” của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia nhận định Ấn Độ khó có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tương lai gần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN