Tham vọng đằng sau sáng kiến thành lập phiên bản “NATO kinh tế”

Người ta đã từng đề cập đến ý tưởng cho ra đời “NATO châu Á” từ góc độ an ninh, nay lại xuất hiện thêm sáng kiến thành lập khối “NATO kinh tế” mà mục tiêu đều là nhằm để đối phó với Trung Quốc.

Phiên bản kinh tế của Hiệp ước NATO

Mới đây, tại Hội nghị của Ủy ban tư vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản (EPCC) tổ chức tại Washington, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại hai nước Mỹ và Nhật Bản đã gián tiếp đề cập đến khái niệm “NATO kinh tế” trong các diễn giải của mình. Hai bên nhất trí rằng, “thực tế kinh tế của Trung Quốc” đòi hỏi họ phải có một phản ứng chung và được chuẩn bị kỹ càng.

Ý tưởng thành lập khối “NATO kinh tế” đã manh nha xuất hiện khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez hỏi một phụ tá của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc “tạo ra một phiên bản kinh tế theo kiểu quy định tại Điều 5 của Hiệp ước NATO”.

Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản tại Hội nghị Ủy ban tư vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản, ngày 29-7-2022

Ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản tại Hội nghị Ủy ban tư vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản, ngày 29-7-2022

Trước đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng đã đề xuất rằng: “G7 nên hoạt động như một NATO kinh tế, cùng bảo vệ sự thịnh vượng của khối. Nếu nền kinh tế của một thành viên NATO đang bị nhắm mục tiêu bởi một đối thủ hiếu chiến, chúng ta nên hành động để hỗ trợ họ. Mọi người vì một người, một người vì mọi người”.

Thời gian gần đây, cạnh tranh giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt. Trong con mắt của Washington, Bắc Kinh là “đối thủ chiến lược”. Còn khối quân sự NATO trong trong tài liệu chiến lược về an ninh và quân sự của NATO trong 10 năm tới thì xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. Tài liệu này nêu rõ: “Trung Quốc sử dụng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu. Họ cũng đang cố gắng phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian mạng và hàng hải”.

Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ và các nước đồng minh cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách “kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quan trọng, cơ sở hạ tầng quan trọng, nguyên liệu chiến lược và chuỗi cung ứng. Họ sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược”. Không chỉ thực hiện các biện pháp cho vay để có được cơ sở hạ tầng ở các vị trí trọng yếu trên thế giới, Trung Quốc còn áp dụng các hình thức trừng phạt kinh tế nghiêm trọng để đe dọa các nước, chẳng hạn như trừng phạt kinh tế Australia để trả đũa cho việc nước này yêu cầu điều tra về dịch bệnh Covid-19, ép các công ty Đức có đầu tư vào Trung Quốc phải cắt đứt quan hệ với các công ty Litva nhằm trừng phạt Litva vì quan điểm của họ ủng hộ Đài Loan.

Trước những việc làm trên của Trung Quốc, Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang buộc các nước phải chấp nhận các lựa chọn có thể khiến họ mất an ninh, tài sản trí tuệ và sự độc lập về kinh tế. Thông cáo của Hội nghị Ủy ban tư vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản (EPCC) vừa rồi ở Washington đã cảnh báo: “Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại lớn và phản đối việc tạo ra ảnh hưởng kinh tế mang tính tiêu cực, bao gồm cưỡng ép kinh tế cũng như các thực tế cho vay không công bằng và mờ ám, theo những cách thức đe dọa lợi ích chính đáng của các quốc gia có chủ quyền cũng như của các cá nhân và các ngành nghề”.

Cụ thể hóa tham vọng ngăn chặn Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nhật Bản cho rằng với vai trò là các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, họ phải có kế hoạch tập hợp ảnh hưởng kinh tế của mình để ngăn Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố, cần phải coi ngoại giao, an ninh và kinh tế như một chỉnh thể thì mới mong phản ứng hiệu quả trước điều mà ông gọi là việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế một cách không công bằng và thiếu minh bạch của Trung Quốc. Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì khái quát chính sách của Mỹ với Trung Quốc bằng các cụm từ: “đầu tư, liên kết, cạnh tranh”, tức là Mỹ nên đầu tư vào sức mạnh của chính mình, liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh, đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết.

Với sự ra đời của ý tưởng “NATO kinh tế”, đây có thể coi là sự cụ thể hóa tham vọng của Mỹ và Nhật Bản rằng hai nước “có thể cung cấp mô hình tốt nhất về thịnh vượng, ổn định và an ninh”. Điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là liệu “NATO kinh tế” có áp dụng điều khoản như Điều 5 của Hiệp ước NATO hay không. Điều 5 khẳng định rằng “Một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều (các nước thành viên NATO) ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ khối NATO và sẽ vấp phải phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, áp dụng Điều 5 theo Hiệp ước NATO trong lĩnh vực kinh tế là điều không tưởng, bởi vì Mỹ và châu Âu đã có nhiều sự bất đồng trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea hồi năm 2014. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran và hiện tại là sự hợp tác chặt chẽ trong việc trừng phạt Nga bởi cuộc xung đột với Ukraine đang khích lệ Mỹ và các đồng minh tin vào khả năng hiện thực của “NATO kinh tế”.

Ngày càng xuất hiện quan điểm cho rằng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được Mỹ và các nước phương Tây áp dụng khá thường xuyên với các hành động bị cho là vi phạm luật pháp quốc tế, Washington và đồng minh nên tận dụng cơ hội mà cuộc khủng hoảng Ukraine mang lại để các bên phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thống nhất một phản ứng chung về kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về tính hiện thực của ý tưởng “NATO kinh tế”. Đánh giá về ý tưởng thành lập “NATO kinh tế”, ông Bruce Stokes-thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức cho biết, sẽ rất khó để ý tưởng này thành hiện thực. Cụ thể, ông nhận định: “Các thành viên có thể cần rất nhiều thời gian để có thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt kinh tế để tránh gây ra những tác động tiêu cực ngược lại, như câu chuyện năng lượng của Nga và phương Tây”.

Với cường quốc tiềm lực như Trung Quốc, việc này còn khó hơn nhiều. Bằng chứng là dưới thời ông Donald Trump, cuộc chiến thương mại được đẩy mạnh, mức thuế quan trung bình của Mỹ với các sản phẩm Trung Quốc đã tăng từ khoảng 3% lên gần 20%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lạm phát đang ở mức cao, chính quyền của ông Joe Biden đã phải tính đến việc giảm bớt áp lực về giá bằng việc loại bớt mức thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

NATO đang mở rộng sang châu Á?

Đầu tháng 7-2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức ở thủ đô Madrid của Tây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN