Tham vọng của NATO gây áp lực cho quân đội Đức

NATO đang tăng cường lực lượng cho "bức tường lửa" và Đức dự kiến cung cấp 15.000 quân cho nỗ lực này của NATO. Tuy nhên, điều này cũng khiến quân đội Đức gặp nhiều vấn đề. 

Đức sẽ đóng góp 15.000 quân cho "bức tường lửa" của NATO. Ảnh: DPA

Đức sẽ đóng góp 15.000 quân cho "bức tường lửa" của NATO. Ảnh: DPA

Theo trang DW (Đức), lực lượng trực chiến NATO (NRF) là "bức tường lửa" của khối quân sự này. Các đơn vị chiến đấu đa quốc gia của NRF được giữ liên tục trong trạng thái sẵn sàng. Trong trường hợp khẩn cấp, các đơn vị đầu tiên của NRF sẽ di chuyển tới các khu vực có khủng hoảng trong 48 tiếng, thực hiện các nhiệm vụ trên bộ, trên không và trên biển. 

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha hôm 28/6, NATO quyết định củng cố khu vực biên giới phía đông của khối bằng cách tăng cường ồ ạt lực lượng của NRF từ 40.000 lên 300.000 quân. 

Đức sẽ đóng góp 15.000 quân cho lực lượng này của NATO và 3.000  - 5.000 quân trong số này sẽ đồn trú tại Lithuania, theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Tới thời điểm này, chỉ có khoảng 1.000 quân Đức đồn trú tại Lithuania. Ngoài ra, Đức dự kiến cung cấp 65 chiến đấu cơ, 2 tàu chiến cũng như các đơn vị đặc nhiệm hoặc lính biệt kích. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn thấy một phần lớn lực lượng NRF được triển khai hoạt động sớm nhất vào năm tới. Theo DW, đây là một tham vọng của NATO khiến quân đội Đức (biệt danh Bundeswehr) gặp nhiều áp lực. 

Một quân đội Đức đầy khó khăn

Tình trạng hiện tại làm dấy lên những nghi ngờ về việc liệu quân đội Đức có thể đảm đương các nhiệm vụ mới của NATO, nhất là khi quy mô của Bundeswehr đã bị thu hẹp đáng kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. 

Những điểm bất ổn trong quân đội Đức được Bộ trưởng Quốc phòng nước này nêu ra gần đây nhất trong cuộc tranh luận tại quốc hội Đức vào cuối tháng 4. 

"Trên giấy tờ, chúng ta có 350 xe chiến đấu bộ binh Puma, nhưng thực tế chỉ có 150 chiếc đang hoạt động", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói trước quốc hội Đức. 

Bà Lambrecht cho biết, tình trạng là tương tự với trực thăng chiến đấu Tiger: chỉ 9/51 chiếc có thể cất cánh. Ngoài ra, binh sĩ Đức còn thiếu áo chống đạn, ba lô và thiết bị nhìn ban đêm.  

Eva Högl, một nữ ủy viên quốc phòng Đức, cho rằng sự tăng cường NRF của NATO sẽ là gánh nặng cho quân đội Đức. 

"Chúng ta có thể thấy trước rằng các yêu cầu từ phía NATO với Đức sẽ tăng lên", bà Högl nói với với nhật báo Đức Augsburger Allgemeine. "Đối với quân đội Đức, điều này có nghĩa là họ phải đối mặt với thách thức rất lớn và đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ về nhân sự, vật chất, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng". 

Thách thức lớn

André Wüstner, chủ tịch hiệp hội các lực lượng vũ trang Đức BundeswehrVerband, nhận thấy quân đội Đức đang "đối mặt với các thách thức lớn khi đảm nhận nhiệm vụ của NATO, với quy mô quân đội nhỏ nhất từ trước đến nay". 

Ông Wüstner cho rằng, quỹ đặc biệt trị giá 102 tỷ USD dành cho quân đội, được Thủ tướng Đức công bố ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, sẽ không đủ cho việc tái cơ cấu lực lượng. 

"Nếu muốn đạt được những tham vọng của NATO, chúng ta cần một số tiền lớn đầu tư cho quân đội - khoảng hơn 200 tỷ USD", ông Wüstner nói với đài truyền hình ZDF (Đức). 

Những gì được mua với số tiền 102 tỷ USD trong quỹ đặc biệt vẫn đang được giới lãnh đạo Đức thảo luận với các chiến lược gia của Bộ Quốc phòng nước này. Nhưng thời gian không còn nhiều với người Đức. 

Quy mô của quân đội Đức bị thu hẹp đáng kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Ảnh: DPA

Quy mô của quân đội Đức bị thu hẹp đáng kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Ảnh: DPA

"Các giá vũ khí đang trống rỗng. Đó là điều quân đội Đức phải nghĩ đến", Christian Mölling, chuyên gia chính sách quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Đức), cảnh báo. "Thị trường sẽ không sản xuất các sản phẩm mà họ không thấy có nhu cầu về các sản phẩm đó. Việc bạn mua xe tăng sẽ không thể giống bạn nhặt một gói hàng trên kệ ở siêu thị. Bạn cần thời gian để sản xuất ra chiếc xe tăng đó, ông Mölling nói thêm. 

Trên hết, các binh sĩ Đức sẽ cần có cấu trúc chỉ huy và hậu cần. "Họ cần có khả năng vận chuyển trang thiết bị và quan trọng nhất với binh sĩ đó là việc liên lạc", ông Mölling cho hay. Điều đó có nghĩa là quân đội Đức cần trang bị các thiết bị liên lạc mới. 

Trong thời bình, những thiếu sót này có thể tạm thời không ảnh hưởng quá lớn, nhưng "ở thời chiến, nếu những thiếu sót đó không được bù đắp, quân đội Đức sẽ không thể hoạt động hiệu quả", theo ông Mölling. 

Báo Đức: Bắt giữ lính Đức âm mưu đánh sập cầu Crimea

Hai binh sĩ Đức khai nhận đã tham gia vào một vụ trộm cắp chất nổ của quân đội và có kế hoạch tấn công cây cầu nối từ lãnh thổ Nga đến bán đảo Crimea.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Theo DW ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN