Tham vọng chống lũ chi phí gần 200 tỷ USD của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ triển khai kế hoạch xây thêm 150 dự án bảo tồn nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), tuyên bố.
Trung Quốc muốn xây thêm 150 dự án bảo tồn nước, phòng chống lũ lụt (ảnh: Xinhua)
Su Wei – quan chức của NDRC – cho biết, tình hình mưa lũ năm nay cho thấy Trung Quốc cần phải có thêm nhiều công trình thủy lợi để nâng khả năng trữ lũ lên ít nhất 9 tỷ mét khối nước.
“Kế hoạch xây thêm 150 dự án bảo tồn nước mới sẽ tiêu tốn khoảng 1,29 nghìn tỷ nhân dân tệ (184,3 tỷ USD) nhưng khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt, kinh tế Trung Quốc hàng năm sẽ được đẩy lên 42 tỷ mét khối”, ông Su Wei nói.
Kế hoạch xây thêm 150 dự án bảo tồn nước mới của Trung Quốc được đánh giá là đầy tham vọng. Chi phí dự kiến ban đầu cho dự án đã gấp 5 đến 6 lần tiền xây đập Tam Hiệp - con đập lớn nhất hành tinh chặn nước sông Dương Tử.
Theo ông Ye Jianchun, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc, tình hình lũ ở sông Dương Tử hiện là nghiêm trọng.
Chưa rõ kế hoạch xây hàng loạt công trình thủy lợi nhằm tích nước này của Trung Quốc có ảnh hưởng đến nguồn nước của các quốc gia khác hay không.
“Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 7,1 tỷ USD để bắt đầu khiển khai dự án này”, ông Su nói.
Hôm 11.7, NDRC cũng phân bổ quỹ cứu trợ với tổng trị giá 44,13 triệu USD cho các khu vực bị lũ lụt.
Khoản tiền này dành cho cứu trợ và khôi phục cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng ở các vùng bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt, bao gồm An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh.
Vá đê ở Giang Tây (ảnh: Xinhua)
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, 433 con sông ở Trung Quốc đã vượt quá mức cảnh báo, trong đó mực nước ở 33 con sông đạt kỷ lục.
Đỉnh lũ đầu tiên trong năm trên sông Hoàng Hà – sông dài thứ 2 Trung Quốc – vừa phá hủy 2.100 mét đê tại huyện Đặng Khẩu, khu tự trị Nội Mông.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, kế hoạch xây thêm các dự án tích nước dựa trên thực tế tình hình kiểm soát lũ lụt ở Trung Quốc. Trong mùa mưa lũ năm nay, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã bị thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là ở Giang Tây – nơi xảy ra hàng loạt sự cố vỡ đê.
Mực nước ở hồ Phiên Dương, Giang Tây đã vượt mức kỷ lục trong đợt lũ “đại hồng thủy” năm 1998, theo Tân Hoa Xã.
Để đối phó với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở Giang Tây, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc đã nhanh chóng điều 190 tàu cứu hộ, 3.000 lều, 10.000 giường gắp, 20.000 chăn màn cho Giang Tây phục vụ việc cứu hộ, di dời người dân tránh lũ.
Số vật tư này chủ yếu được sử dụng ở huyện Phiên Dương, nơi hơn 600.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc hộ đê (ảnh: China Daily)
Địa bàn tỉnh Giang Tây có hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, 167.000 người cần hỗ trợ khẩn cấp để duy trì đời sống.
26 nhóm chuyên gia thủy lợi cũng được cử tới Giang Tây tham gia vào việc ứng phó lũ lụt, bảo vệ đê điều.
Tỉnh Giang Tây đã yêu cầu chính quyền địa phương cấp dưới sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ các tuyến đê, kiểm soát lũ, đảm bảo tính mạng, an toàn cho người dân.
Theo dự báo, từ ngày 13 – 14.7, Giang Tây không có mưa. Tuy nhiên, những trận mưa lớn sẽ trở lại từ ngày 15 – 17.7.
Từ năm 256 - 251 trước công nguyên, tấn công nhà Chu được xem là nhiệm vụ cuối cùng giúp nhà Tần thống nhất toàn bộ...
Nguồn: [Link nguồn]