Thẩm phán 'tuýt còi' Pennsylvania, cục diện lợi cho ông Trump?

Hôm 25-11 (giờ địa phương), Thẩm phán Patricia McCullough (đảng Cộng hòa, Tòa án Khối Thịnh vượng chung Pennsylvania) ra phán quyết dừng chứng nhận kết quả bầu cử ở bang này.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Cụ thể, Thẩm phán Patricia McCullough viết rằng: “Trong trường hợp vẫn còn bất kỳ (thủ tục) yêu cầu để hoàn thiện việc chứng nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, những người chịu trách nhiệm không được thực hiện trong lúc chờ diễn ra phiên điều trần”.

Mọi chuyện đã xong

Trước đó, Thẩm phán Patricia McCullough đã ấn định một phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 27-11, nhưng phiên điều trần đã bị hủy sau khi các nhà chức trách chính quyền Pennsylvania kháng cáo quyết định của vị Thẩm phán này. Các động thái của Thẩm phán Patricia McCullough diễn ra khi nhiều người tại đây, trong đó có Hạ nghị sĩ Mike Kelly, cáo buộc cuộc bầu cử diễn ra không hợp lệ, cụ thể là việc thực hiện bỏ phiếu vắng mặt (bỏ phiếu bầu qua bưu điện) là vi hiến.

Tại thời điểm Thẩm phán Patricia McCullough ra quyết định về việc ngừng kết quả bầu cử, thì các thủ tục chứng thực kết quả bỏ phiếu tại bang Pennsylvania đã hoàn thành. Giấy xác nhận kết quả bầu cử (sau đây gọi là Giấy xác nhận) tại tiểu bang Pennsylvania đã được thống đốc tiểu bang này - Tom Wolf - ký và đóng mộc của bang, và công bố, xác nhận ông Biden chiến thắng.

Giấy xác nhận cũng kèm theo tên của 20 thành viên trong Cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu bầu cho ứng viên Joe Biden và Kamala Harris mà tiểu bang đã chỉ định theo quy định của pháp luật. Giấy xác nhận này đồng thời cũng đã được gửi đến và lưu trữ ở Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ (U.S. National Archives and Records Administration) theo quy định thủ tục bầu cử.

Không ảnh hưởng việc xác nhận kết quả

Có ý kiến băn khoăn liệu việc “tuýt còi” từ Thẩm phán Patricia McCullough có thể làm thay đổi cục diện thay đổi hay không. Cụ thể, liệu phán quyết của Tòa này có thể dẫn đến việc Giấy xác nhận phải bị thu hồi để chờ đợi phiên điều trần (nếu có) hoặc cho đến khi phía ông Trump chấp nhận thất bại.

Câu trả lời cho băn khoăn trên là: Phán quyết Thẩm phán Patricia McCullough hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả xác nhận từ chính quyền bang Pennsylvania.

Theo tài liệu do Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service) công bố, quy trình và thủ tục xác nhận kết quả bầu cử của các tiểu bang được luật pháp Mỹ quy định chặt chẽ. Theo đó, từ ngày 4-11 đến ngày 14-12, các tiểu bang phải hoàn tất việc điếm phiếu bầu phổ thông và hoàn thành Giấy xác nhận.

“Ngay sau ngày bầu cử, các tiểu bang sẽ đếm và xác nhận kết quả phiếu bầu phổ thông theo đúng các yêu cầu về thủ tục của mỗi tiểu bang. Khi tiểu bang đã hoàn tất việc đếm phiếu và công nhận kết quả chính thức, Điều 3 U.S.C. §6 (nằm trong Bộ luật Liên bang của Mỹ - PV) yêu cầu Thống đốc tiểu bang phải chuẩn bị “sớm nhất có thể” Giấy xác nhận (Certificate of Ascertainment) kết quả bỏ phiếu bầu. Giấy xác thực phải liệt kê danh sách thành viên Cử Tri Đoàn đã được chọn bởi các cử tri (phổ thông) và số phiếu mà họ đạt được qua kết quả bỏ phiếu phổ thông, cùng với tên của toàn bộ các ứng viên Cử Tri Đoàn đã thua với số phiếu mà họ đã nhận được…” - Theo tài liệu do Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Mỹ giải thích rất rõ.

Như vậy, theo quy định của liên bang thì Giấy xác nhận kết quả bầu cử đã được hoàn tất, và mọi quy trình thủ tục yêu cầu để xác nhận và công bố kết quả bầu cử đã hoàn thành. Việc Thẩm phán Patricia McCullough muốn ngăn chặn việc xác nhận kết quả, vì thế, cũng không còn ý nghĩa. Cũng theo luật pháp liên bang của Mỹ, trách nhiệm chứng thực kết quả bầu cử của các tiểu bang nằm trong tay nhánh hành pháp, tức là quyền hạn của Thống đốc bang. Luật pháp không cấp quyền cho Tòa án tiểu bang trong việc hủy hoặc thu hồi kết quả xác nhận của tiểu bang về kết quả bầu cử.

Phó Thống đốc bang Pennsylvania John Fetterman trên Twitter cá nhân cũng đã viết rằng không ai có quyền thay đổi kết quả xác nhận bầu cử. Trong khi đó, Tổng Chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro cho rằng phán quyết của Thẩm phán Patricia McCullough sẽ không thể thay đổi kết quả xác nhận của chính quyền tiểu bang này. “Lệnh (từ Thẩm phán Patricia McCullough) không gây ảnh hưởng đến việc xác nhận danh sách Cử tri đoàn (đã được công bố). Chúng tôi sẽ sớm đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Pennsylvania” – ông Josh Shapiro viết.

Nhóm của ông Trump đã đệ đơn lên Tòa án ở tiểu bang Pennsylvania để cáo buộc bầu cử xuất hiện gian lận. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các vụ kiện của nhóm ông Trump đều thất bại do không cung cấp được các bằng chứng có giá trị để Tòa án có thể ra phán quyết một cuộc điều tra. Truyền thông và nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng khả năng đảo ngược kết quả của nhóm ông Trump đến lúc này là vô cùng khó khăn.

Mải lo kiện ông Biden, giờ đến lượt chính ông Trump bị kiện

Một cư dân bang North Carolina kiện ông Trump để đòi lại khoản tiền 2,5 triệu USD với cáo buộc Tổng thống thứ 45 của Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐẠI THẮNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN