Thảm kịch sát thủ tàu ngầm Nga chuyên diệt tàu sân bay Mỹ
Tàu ngầm nguyên tử Nga chuyên “tìm diệt” tàu sân bay Mỹ đã trở thành nạn nhân của chính kho vũ khí đáng gờm, đánh dấu một trong những thảm họa hàng hải khủng khiếp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tàu ngầm hạt nhân Kursk, thuộc lớp Oscar trước khi gặp nạn.
Theo National Interest, đối thủ lớn nhất mà Liên Xô và ngày nay là Nga lo ngại chính là các tàu sân bay Mỹ, với khả năng mang theo hàng chục chiến đấu cơ, di chuyển cùng nhóm tác chiến đến oanh tạc căn cứ của Hạm đội phương bắc Liên Xô qua vành đai Bắc Cực. Tàu sân bay Mỹ cũng có thể mang theo vũ khí hạt nhân, đe dọa đến thành phố ven biển Liên Xô.
Sát thủ diệt tàu sân bay
Giải pháp của Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh là chế tạo các tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar. Nga hiện vẫn vận vành một vài tàu ngầm lớn nhất thế giới thuộc lớp này. Với lượng giãn nước 19.400 tấn, tàu ngầm lớp Oscar còn lớn hơn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ.
Tàu ngầm lớp Oscar được chế tạo với kích thước khổng lồ bởi mỗi chiếc cần phải mang theo ít nhất 24 tên lửa P-700 Granit. P-700 là tên lửa kích thước lớn chuyên diệt tàu nổi với tốc độ siêu thanh, tầm bắn hơn 600 km.
Tên lửa có thể mang theo đầu đạn thông thường 749 kg, đủ để vô hiệu hóa tàu sân bay hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kt, khiến cho tàu sân bay đối phương “bốc hơi” trong chốc lát. P700 Granit được dẫn hướng bởi vệ tinh, ngắm bắn nhóm tác chiến tàu sân bay khi đối phương chưa kịp phản ứng.
Một phần tàu ngầm Kursk được trục vớt khỏi mặt nước.
Ngoài ra, tàu ngầm lớp Oscar còn mang theo tối đa 24 ngư lôi. Mỗitàu ngầm có 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và hai ống phóng ngư lôi ngoại cỡ 650 mm để tấn công các mục tiêu cỡ lớn.
Tàu ngầm lớp Oscar cần phải đủ nhanh để đánh chặn tàu sân bay hạt nhân Mỹ. Do đó, tàu ngầm cần đến động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hai lò phản ứng cung cấp tối đa 97.990 mã lực. Tàu ngầm đạt vận tốc 28 km/giờ khi nổi và 58 km giờ khi lặn.
24 tàu ngầm lớp Oscar được Liên Xô lên kế hoạch nhưng chỉ có 13 chiếc được chế tạo trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tàu ngầm Kursk hay còn gọi là K-141 hạ thủy tháng 3.1992 và đưa vào biên chế Hạm đội phương Bắc vào tháng 12.1994.
Trong ngày định mệnh 15.8.2000, tàu ngầm Kursk đang thực hiện nhiệm vụ diễn tập tác chiến cùng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tuần dương hạm Peter Đại đế. Các tên lửa Granit và ngư lôi đều được đưa vào bệ phóng trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa.
Tai nạn thảm khốc nhất hải quân Nga
11 giờ 28 phút, vụ nổ lớn dưới nước xuất hiện và hai phút sau đó là vụ nổ thứ hai, sức công phá lên tới 2-3 tấn TNT. Tuần dương hạm Peter Đại đế dường bị chấn động mạnh bởi sóng xung kích từ vụ nổ. Trạm địa chấn Na Uy cũng ghi lại hai chấn động này.
Tên lửa chống hạm P-700 Granit được đưa vào ống phóng tàu ngầm lớp Oscar.
Hai vụ nổ đã nhấn chìm tàu ngầm Kursk ở độ sâu 107 mét. Sau 2 vụ nổ kinh hoàng, 23 thủy thủ vẫn còn sống trong tổng số 118 người. Họ tập trung tại khoang số 9, gồm 2 đường hầm thoát thứ cấp (đường hầm chính ở khoang thứ 2 đã bị phá hủy).
Hạm trưởng Dmitri Kolesnikov, dường như đã cố gắng viết tên những người sống sót ở khoang 9, khoảng hai giờ khi vụ nổ đầu tiên xảy ra. Họ cố gắng để thoát ra ngoài, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại vì áp suất trong các khoang vào thời điểm đó đều như nhau.
Nỗ lực giải cứu của người Nga, sau đó có sự hỗ trợ của nhóm cứu hộ từ Anh và Na Uy đều không thành công. Những thủy thủ trên tàu sau đó đều thiệt mạng do ngạt, ngộ độc khí và một số nguyên nhân khác.
Một tuần sau khi tai nạn xảy ra, đội cứu hộ mới có thể tiếp cận bên trong tàu. Kết luận cuối cùng của Nga xác định tàu ngầm Kursk gặp nạn do ngư lôi Type 65-76A phát nổ. Mối hàn bị lỗi trong ngư lôi hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển đã khiến cho ngư lôi rò rỉ hóa chất hydrogen peroxide.
Toàn bộ 118 thủy thủ tàu ngầm Kursk đã thiệt mạng trong thảm kịch.
Đây là hóa chất được sử dụng như nhiên liệu vận hành ngư lôi dưới nước. Hydrogen peroxide dễ dàng phát nổ khi tiếp xúc với hợp chất hữu cơ hoặc lửa. Tai nạn tương tự được cho là đã đánh chìm HMS Sidon, tàu ngầm của hải quân Hoàng gia Anh.
Thuyết âm mưu liên quan đến thảm kịch tàu ngầm Kursk xuất hiện tràn ngập trên mạng internet khi đó. Nhiều người tin rằng, một tàu ngầm tấn công Mỹ đã đánh chìm tàu Kursk bằng ngư lôi Mark 48. Giả thiết này không hoàn toàn phi lý bởi sau khi trục vớt một phần xác tàu ngầm, các nhà điều tra Nga vẫn chưa xác định được bằng chứng cho thấy ngư lôi phát nổ từ bên trong.
Nhưng Mỹ không có lý do tấn công tàu ngầm Nga trong bối cảnh quan hệ hai nước khi đó ở trong giai đoạn ổn định. Nếu là một vụ tấn công, vì sao chỉ có tàu ngầm Kursk bị đánh chìm mà không phải là tàu sân bay Kuznetsov hay tuần dương hạm Peter Đại đế? Vì sao chính phủ Nga lại che dấu thông tin này? Đó là những câu hỏi không có lời giải đáp.
Cuối cùng, thảm kịch tàu ngầm Kursk dường như bắt nguồn từ lý do đơn giản, là do tai nạn của hóa chất. Vụ tai nạn đã cho thấy sự nguy hiểm của các thủy thủ khi vận hành tàu ngầm cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn dưới nước.
Nếu như thảm kịch này xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng, khả năng leo thang dẫn đến chiến tranh Nga-Mỹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, theo National Interest.