Thảm kịch giẫm đạp 173 người chết trong 15 giây, tồi tệ nhất lịch sử Anh
Một nhầm lẫn tai hại vô tình khiến hàng trăm người rơi vào tình trạng hỗn loạn, dẫn tới cái chết đau lòng của gần 200 người dân London.
Thời chiến, khu vực nhà ga sâu bên trong lòng đất thường được tận dụng làm nơi trú ẩn cho hàng ngàn người dân trong thành phố.
Ngày nay, ga tàu điện ngầm Bethnal Green là một trong những nhà ga đông đúc nhất ở thủ đô London (Anh) với hàng nghìn lượt khách ra vào mỗi ngày. Tuy nhiên, lịch sử của nhà ga nhuốm màu đen tối khi từng có hàng trăm người bỏ mạng tại đây trong quá khứ.
Cụ thể, có tới 173 người dân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong vòng 15 giây ngắn ngủi. Vụ việc đau thương bị chính phủ giữ kín trong một khoảng thời gian dài.
Hình ảnh người dân chen chúc chật chội, nằm kín không còn một chỗ trống trong các nhà ga trú ẩn.
Câu chuyện bi thảm xảy ra vào buổi tối ngày 3.3.1943, trong giai đoạn nước Anh đang tham gia Chiến tranh Thế giới II. Người dân ở phía đông London được cảnh báo về cuộc không kích vào ban đêm của phe Phát xít. Hàng trăm người từ các quán rượu và rạp chiếu phim gần đó đều trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng chạy đến nơi ẩn náu bên trong nhà ga trung tâm Bethnal Green – nơi được trang bị sẵn 5.000 chỗ trú ẩn cùng một bệnh viện dã chiến, thư viện và căng tin.
Không lâu sau đó, tiếng còi báo động không kích xuất hiện khiến những người trên mặt đất nhanh chóng di chuyển đến chỗ trú ẩn. Đột nhiên, một tiếng nổ lớn vang lên khiến cho mọi người rơi vào trạng thái hoảng loạn vì nghĩ rằng bom nổ ở ngay gần.
Khung cảnh bỗng chốc trở nên hỗn loạn và không thể kiểm soát nổi khi hàng trăm người cùng đổ xô tới cầu thang duy nhất dẫn vào sâu trong nhà ga. Chiếc cầu thang nhỏ bé rộng chưa tới 5 mét, cao 19 bậc nhanh chóng quá tải với lượng người đông đúc chen lấn một lúc.
Thảm kịch giẫm đạp tồi tệ trong lịch sử nước Anh diễn ra tại chiếc cầu thang dẫn vào nhà ga khi có tới hàng trăm người cùng chen lấn một lúc, dẫn tới nhiều cái chết do ngạt thở.
Theo lời kể của một nhân chứng, nhiều phụ nữ và trẻ em mắc kẹt trong đám đông, nhiều người vấp ngã và chưa kịp đứng dậy đã bị những người khác giẫm đạp.
Một vài người may mắn thoát khỏi hàng người, song hàng trăm người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã qua đời do ngạt thở. Chỉ trong vòng 15 giây, nhà ga Bethnal Green trở thành ngôi mộ tập thể khổng lồ.
Tổng cộng, 173 người thiệt mạng và 90 người bị thương, bao gồm 27 đàn ông, 84 phụ nữ và 62 trẻ em – nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới chỉ 5 tháng tuổi.
Báo cáo chính thức của tòa án miêu tả cảnh tượng: “Chỉ trong vòng 10 đến 15 giây, cầu thang ở cổng vào nhà ga bỗng chốc biến thành nhà xác”.
Chính quyền Anh cho niêm phong toàn bộ khu vực sau thảm họa, đồng thời “ngụy trang” vụ việc dưới dạng một vụ đánh bom từ phe địch.
Tuy nhiên, vụ việc đau thương không tác động nhiều đến cuộc sống của người dân London khi đó, bởi chính quyền Anh đã ngay lập tức lên kế hoạch dọn dẹp hiện trường, đồng thời dùng nhiều cách để giấu nhẹm thảm kịch.
Những người đàn ông phụ trách thu gom xác được yêu cầu chất các thi thể lên xe tải và đưa đi ngay sau đó. Sáng hôm sau, người dân London vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật, không hề hay biết về thảm họa tồi tệ vừa xảy ra.
Tại thời điểm đó, các tờ báo không được phép xuất bản bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực chiến thắng của Anh trong Thế chiến II. Các phương tiện truyền thông đã buộc phải giữ im lặng trong hai ngày trước khi được phép thuật lại về những gì đã xảy ra vào buổi tối định mệnh đó.
Tuy nhiên các bài báo không được đề cập tên gọi, địa chỉ chính xác của nhà ga và thay vì nghẹt thở vì dẫm đạp, các bài báo buộc phải viết nguyên nhân gây chết người là do đánh bom.
“Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn và chính phủ buộc phải che giấu mọi điều tiêu cực” – một người sống sót tên Alf Morris cho hay.
Tấm bia ghi lại tóm tắt vụ việc đau lòng đặt ở lối vào nhà ga.
Năm 2017, một đài tưởng niệm được xây dựng ngay cạnh nhà ga để tưởng nhớ các nạn nhân.
Cho đến năm 2006, sự kiện đau buồn này mới được công khai. Một tấm bia nhỏ được đặt ở phía lối vào nhà ga để tưởng niệm các nạn nhân.
Năm 2017, một đài tưởng niệm có tên gọi “Nấc thang lên thiên đường” được xây dựng, như lời nhắc nhở về một trong những thảm kịch kinh hoàng từng xảy ra ở Anh.
Lịch sử đã ghi lại những trận thiên tai khủng khiếp khiến hàng triệu người oán trách. Ít ai biết rằng, cũng có lúc thiên...