Thảm họa vỡ đập kinh hoàng nhất Ấn Độ, hàng nghìn người tử nạn
Vụ vỡ đập Machchhu ở Ấn Độ, còn được gọi là thảm họa Morbi, là một trong những thảm họa vỡ đập nghiêm trọng nhất thế giới.
Ảnh chụp đập Machchhu-2 vỡ năm 1979 ở Ấn Độ
Tối 23.7, một đập thủy điện đã vỡ ở Lào, khiến hàng trăm người chết và mất tích. Theo số liệu của BBC, ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người vẫn còn mất tích.
Vụ vỡ đập này khiến chúng ta nhớ lại các thảm họa tương tự trong lịch sử, với số thương vong lên tới hàng nghìn người.
Vào ngày 11.8.1979, con đập Machchhu-2 nằm trên sông Machhu đã “vỡ tung”, tạo nên một trận lũ kinh hoàng nhấn chìm thị trấn Morbi (nay thuộc quận Morbi của Gujarat, Ấn Độ).
Cho đến nay vẫn không có con số thương vong chính xác nhưng ước tính có từ 1.800 đến 25.000 người thiệt mạng do vụ vỡ đập.
Quân đội Ấn Độ dọn dẹp các thi thể thiệt mạng sau vụ vỡ đập
Machchu-2 được xây dựng trên sông Machhu vào tháng 8.1972. Là một công trình kết hợp, nó bao gồm một đập tràn trên sông và kè đất ở hai bên bờ.
Con đập có mục đích chính là phục vụ cho việc tưới tiêu. Nguyên nhân của vụ vỡ đập là do mưa lớn và lũ lớn tạo áp lực lên các bức tường đất của đập Machchhu 2 dài 4 km.
Trong vòng 20 phút, nước lũ đã tràn xuống các vùng trũng thấp của thị trấn công nghiệp Morvi, nơi bị ngập từ 3,7 đến 9,1 m.
Xác vật nuôi treo lơ lửng trên dây điện sau thảm họa kinh hoàng
Vụ vỡ đập Machchhu-2 từng được liệt kê là vụ vỡ đập tồi tệ nhất trong Sách kỷ lục Guinness. Nhưng vụ vỡ đập Bản Kiều xảy ra ở Trung Quốc năm 1975 đã thay thế vị trí này sau khi số thương vong của nó được cập nhật năm 2005.
Không chỉ gây thiệt hại về người, vụ vỡ đập Machchhu-2 còn làm hư hại đất nông nghiệp, dẫn đến giảm năng suất cây trồng trong thời gian dài sau đó. Khoảng 3.000 vật nuôi cũng thiệt mạng.
Vụ vỡ đập khiến toàn bộ cư dân trong một thị trấn hạ lưu tử mạng ngay lập tức.