Thảm họa núi lửa khiến "máu người bốc hơi, hộp sọ nổ tung”
Thảm họa núi lửa cách đây gần 2.000 năm, nhấn chìm một ngôi làng trong tro bụi, dung nham, khiến các nạn nhân chết trong đau đớn, một nghiên cứu mới đây cho biết.
Núi lửa Vesuvius nhìn từ thành phố Naples, Ý.
Theo Newsweek, núi lửa Vesuvius phun trào năm 79 ở Ý tạo ra lớp tro bụi dày đặc, ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi làng Herculaneum nằm cách đó không xa.
Ước tính 300 người trú ẩn trong 12 căn hầm nằm dọc ven bờ biển. Trong một nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học dẫn dầu bởi Pierpaolo Petrone, đến từ Đại học Bệnh viện Federico II ở Naples, Ý, đã phân tích các mẫu xương để xác định xem chuyện gì xảy ra trong giây phút cuối cùng.
Vụ phun trào núi lửa Vesuvius cách đây 2.000 năm hết sức tồi tệ. Tro bụi, đất đá và khí gas phun lên bầu trời, tạo thành cột khói cao tới 33km. Lượng dung nham nóng chảy 500 độ C lan tới ngôi làng gần đó.
Các giả thuyết cũ cho rằng, dung nham, tro, bụi, đá từ núi lửa khiến hàng ngàn người bị chôn sống mà không kịp thoát thân. Nhưng các nhà khoa học Ý phát hiện ít nhất 300 người chết theo cách còn kinh hoàng hơn.
Bộ xương nguyên vẹn của các nạn nhân trong thảm họa núi lửa Vesuvius.
Nhiều hộp sọ trên các bộ hài cốt có những vết nứt vỡ và tro bụi len lỏi vào trong hộp sọ. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng các nạn nhân trú ẩn dưới hầm vô tình bị nướng chín bởi dung nham. Phần máu trong cơ thể họ bốc hơi hoàn toàn còn hộp sọ thì nổ tung.
“Phát hiện dấu vết của tro bụi trong hộp sọ, cho thấy não bộ cũng bốc hơi và bị thay thế bằng tro bụi”, nghiên cứu cho biết. “Đáng chú ý, toàn bộ các nạn nhân trốn trong 12 căn hầm đều có những hiện tượng như vậy”.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện những vết đen trên xương cốt, là dấu hiệu của sắt còn lại khi máu bốc hơi. Đây được coi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy phần chất lỏng trong cơ thể người bị bốc hơi hoàn toàn.
“Các nạn nhân trốn dưới hầm ở ngôi làng Herculaneum bị nướng chín, trước khi vùi lấp bởi tro bụi, dung nham”, nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu nhận thấy máu của nạn nhân bốc hơi còn hộp sọ nổ tung, phủ đầy tro bụi.
Cư dân sống ở các vùng lân cận như Pompeii, Petrone thì đón nhận kết cục khác. “Ở Pompeii, cách núi lửa 10km, dung nham chỉ còn nóng chảy khoảng 250-300 độ C, đủ để giết chết người nhưng không đến mức làm bốc hơi các chất hữu cơ trong cơ thể.
Vậy nên sau khi mặt đất nguội đi, phần da thịt của các nạn nhân mới dần bị phân hủy, để lại những khoảng trống giữa lớp tro bụi. Đó là những gì mà các nhà khảo cổ Ý quan sát được.
Các nhà nghiên cứu nói phát hiện trên là bằng chứng quan trọng về mối nguy hại của núi lửa ngày nay. Ước tính 3 triệu người hiện đang sống gần Vesuvius, trong khi thành phố Naples với gần 1 triệu người chỉ cách núi lửa khoảng 13km.
Một ngày nào đó, núi lửa Vesuvius sẽ lại thức giấc, báo hiệu thảm kịch đối với các cư dân sống xung quanh. “Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn lịch sử về người dân thời La Mã cổ xưa, cũng như cảnh báo về mối đe dọa của núi lửa đối với các khu vực đông người sinh sống ngày nay”, các nhà khoa học cho biết.
Siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ đã phải hứng chịu hơn 400 trận động đất trong một tuần qua, khiến nhiều người lo ngại...