Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Anh, mây phóng xạ lan qua biển đến lục địa châu Âu
Sự cố tại nhà máy hạt nhân Windscale ở Anh năm 1957 đã gây rò rỉ một lượng lớn bụi phóng xạ, lan tỏa tới lục địa châu Âu và khiến hàng trăm người ở Anh chết vì ung thư.
Các thảm họa hạt nhân trên thế giới gây rò rỉ phóng xạ, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân.
Cách đây hơn 60 năm, một sự cố hạt nhân xảy ra ở Anh với nguy cơ tồi tệ hơn thảm họa Chernobyl, theo Mirror.
Ngày 10.10.1957, một thanh nhiên liệu hạt nhân uranium tại nhà máy Windscale, vùng nông thôn Cumbria, phía tây bắc nước Anh, bị quá nhiệt và bốc cháy, tạo nên một chuỗi các sự kiện kinh hoàng.
Quan chức điều hành nhà máy hạt nhân Windscale, Tom Tuohy, được giao nhiệm vụ cố gắng dập tắt đám cháy chưa từng có.
Sau khi hôn tạm biệt người thân trong gia đình và yêu cầu vợ con đóng chặt cửa sổ, người đàn ông 39 tuổi cấp tốc tới nhà máy hạt nhân chỉ cách nơi ở hơn 1km.
Tuohy trực tiếp mặc đồ bảo hộ, leo lên trục bê tông cao 24 mét trên đỉnh lò phản ứng hạt nhân số 1 để tìm hiểu tình hình.
Tuohy nhìn xuống dưới và cảm thấy hãi hùng khi thấy phần lõi đỏ rực khác thường, dấu hiệu cho thấy các thanh nhiên liệu hạt nhân đang bốc cháy trong điều kiện nhiệt độ cao.
Sai sót dẫn đến thảm họa
Vài ngày trước thảm họa, ngày 7.10, các nhân viên nhà máy hạt nhân Windscale thực hiện quy trình bảo dưỡng hệ thống làm mát của lò phản ứng.
Tuy nhiên, các nhân viên đã mắc sai sót dẫn đến các kết quả đo nhiệt độ không chính xác.
Khi quá trình phân hạch hạt nhân được tái khởi động, than chì trong lò phản ứng tăng đến nhiệt độ cao nguy hiểm.
Vài ngày sau, các nhân viên nhà máy mới phát hiện ra lửa cháy lan tới các thanh uranium.
Cơ sở hạt nhân Windscale bí mật của Anh sau Thế chiến 2.
Tom Hughes, quản lý phòng điều khiển và một người khác đã đến kiểm tra lò phản ứng với thiết bị bảo hộ.
Ông kể lại: “Chúng tôi hoàn toàn kinh hãi khi nhìn thấy bốn kênh dẫn nhiên liệu hạt nhân phát sáng màu đỏ rực.
Vào ngày 11.10, ngọn lửa đã đạt nhiệt độ 1.300 độ C. 11 tấn uranium đã bốc cháy và các nhân viên nhà máy ngày càng tuyệt vọng.
Tuohy và các cộng sự thất bại trong nỗ lực ban đầu nhằm dập tắt đám cháy vì khí CO2 không làm tắt nổi ngọn lửa.
Nước được bơm vào lõi lò phản ứng nhưng không thành công. Hành động này được coi là rất rủi ro vì nó có khả năng gây ra phản ứng nổ khi nước tiếp xúc với kim loại nóng chảy.
Tuohy cuối cùng đưa ra quyết định tắt tất cả các hệ thống làm mát và thông gió để ngăn không khí xâm nhập vào nhà máy.
Kế hoạch này giúp ngọn lửa không được tiếp thêm oxy trong khi nước được đưa qua các lỗ vào lò phản ứng. 24 giờ sau, ngọn lửa tắt dần.
Hậu quả lâu dài
Các công nhân mặc đồ bảo hộ làm việc tại cơ sở hạt nhân của Anh.
Các thông tin về sự cố hạt nhân được chính phủ Anh giữ bí mật cho đến năm 1988. Sự cố tại nhà máy hạt nhân Windscale được xếp vào mức 5 trên thang 7 mức độ nghiêm trọng trong những vụ tai nạn hạt nhân quốc tế (INES).
Windscale là nhà máy sản xuất uranium phục vụ dự án chế tạo bom nguyên tử. Hoạt động của nhà máy được giữ bí mật trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Người Anh hi vọng phía Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân nên nếu công bố sự cố ở nhà máy Windscale, điều này có thể khiến Mỹ nghĩ lại.
Báo cáo đổ lỗi cho "sai sót trong phán đoán" của các nhân viên nhà máy hạt nhân. Thủ tướng Anh Harold Macmillan khi đó ra lệnh không công bố báo cáo cho công chúng.
"Ông ấy đã che đậy sự kiện, đơn giản là như vậy", cháu trai và người viết tiểu sử cho cố Thủ tướng Anh, Lord Stockton nói.
Chính phủ Anh ước tính có 30 người bị ung thư do ảnh hưởng của phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy có 240 người chết vì ung thư do nhiễm phóng xạ và hàng trăm người khác chịu các di chứng suốt đời.
Các công nhân làm việc với các thanh nhiên liệu uranium.
Iodine-131 và các hạt phóng xạ nguy hiểm khác gây ô nhiễm nghiêm trọng trên khắp vùng nông thôn Cumbria. Phóng xạ còn lan tỏa ra biển Ireland, khiến vùng biển ngoài khơi nước Anh bị ô nhiễm một phần.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2007, các nhà khoa học Anh phát hiện lượng phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài gấp đôi so với những gì được công bố. Bụi phóng xạ được xác định lan tỏa xa đến lục địa châu Âu.
Nghiên cứu của John Garland, nhà khoa học từng làm việc cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Anh và Richard Wakeford, giáo sư tại Đại học Manchester, cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường có thể còn cao hơn nhiều.
Nhóm đã tiến hành phân tích lại dữ liệu thu được từ việc giám sát môi trường không khí, cỏ và thảm thực vật và kết hợp điều này với các mô hình máy tính để tiết lộ cách đám mây phóng xạ sẽ lan tỏa từ lò phản ứng ra xa đến đâu với điều kiện khí tượng tại thời điểm đó.
Fergus O'Dowd, chính trị gia Ireland, từng nói về kết quả nghiên cứu, cho rằng ngành công nghiệp hạt nhân Anh không đáng tin cậy: “Cho đến bây giờ, chúng ta chưa bao giờ biết rõ hậu quả của sự cố rò rỉ phóng xạ. Chúng ta vẫn chưa biết sự thật về những gì đã xảy ra”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá khứ, Liên Xô từng nhiều lần kích nổ hạt nhân dưới lòng đất phục vụ mục đích kinh tế và môt trong những...