Thảm họa đường sắt Ấn Độ: Cú bẻ lái bí ẩn và 2 nghi vấn chính
Một lỗi tín hiệu "tử thần" chưa rõ là do ai, vô tình hay cố ý phá hoại, đã khiến chuyến tàu 12841 Coromandel Express bẻ lái sai lầm và gây nên thảm họa đường sắt ở Ấn Độ. Lời khai của người lái tàu - sống sót nhưng bị thương - có thể là chi tiết then chốt.
Theo India Express, dữ liệu từ cơ quan đường sắt cho biết tại nơi xảy ra tai nạn có 4 đường ray gần nhau: Tuyến Chính Trên dành cho tàu hướng về TP Chennai và tuyến Chính Dưới dành cho tàu hướng về thị xã Howrah, cùng 2 tuyến đường vòng phía trên và phía dưới.
"Chuyến tàu tử thần" 12841 Coromandel Express đang đi trên tuyến Chính Trên với tốc độ tối đa 100 km/giờ khi băng qua nhà ga Bahanaga Bazar vào lúc 19 giờ 1 phút tối 2-6 (giờ địa phương), vì nó không phải dừng lại tại ga này.
"Trình điều khiển đầu máy được hướng dẫn bởi các tín hiệu, bởi những gì họ nhìn thấy trên đường ray không quá nhiều, đặc biệt là trong bóng tối" - một nguồn tin nói với India Express.
Toàn cảnh các đoàn tàu gặp nạn - Ảnh: PTI
Một cuộc kiểm tra đa ngành sau đại thảm họa đường sắt kết luận rằng tín hiệu màu xanh lá cây (được phép đi thẳng) đã được cấp cho tàu 2841 Coromandel Express ở tuyến Chính Trên. Nếu đi theo tín hiệu này, nó sẽ hướng tới điểm dừng tiếp theo Bhadrak một cách bình yên.
Tuy nhiên, tín hiệu này ngay sau đó đã bị tắt đi một cách bí ẩn, đoàn tàu bẻ lái đột ngột và lao vào tuyến đường vòng phía trên, nơi nó đụng độ với đoàn tàu chở hàng.
Theo Times Of India, có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân của thảm họa đường sắt này, có thể quy thành 2 cụm chính: Một là do sự phá hoại cố ý, hai là do lỗi lầm vô tình của con người.
Nếu do lỗi của con người, thì lỗi của ai - người lái tàu, bộ phận điều phối các tín hiệu, hay ai khác?
"Điều này có thể do sự can thiệp của con người nhưng rất khó để nói bằng cách nào. Chúng tôi sẽ có thể đánh giá chính xác những gì đã xảy ra sau khi điều tra kỹ lưỡng" - một quan chức đường sắt Ấn Độ nói với Times Of India.
Ảnh đồ họa cho thấy 4 tuyến đường ray tại nhà ga Bahanaga Bazar, trong đó tàu 12841 Coromandel Express lẽ ra phải đi trên tuyến Chính Trên (UP LINE), thay vì bẻ lái sang đường vòng và đụng độ đoàn tàu chở hàng - Ảnh: INDIA EXPRESS
Tuy đầu tàu của Coromandel Express gần như đè lên tàu chở hàng nhưng người lái tàu đã may mắn sống sót, dù bị thương. Các quan chức kỳ vọng lời khai từ người này sẽ giải đáp nhiều khúc mắc.
Đoàn tàu thứ ba, 12864 Sir M Visvesvaraya Terminal Bengaluru-Howrah Express, di chuyển đúng quy trình trên tuyến Chính Dưới theo hướng ngược lại với tàu 12841 Coromandel Express, ngay đúng thời điểm va chạm và cũng bị trật bánh vài toa cuối.
Có hai giả thuyết chính là nó trật bánh do bị vài toa của 12841 Coromandel Express lật va phải, hoặc do sóng xung kích quá mạnh từ vụ tai nạn làm toàn bộ mặt đất các đường ray rung chuyển.
Nhân chứng kể về phút kinh hoàng Anh Ompal Bhatia, 25 tuổi, hành khách sống sót của chuyến tàu 12841 Coromandel Express, cho biết toa S3 mà anh và 3 người bạn có mặt đông đến mức chỉ còn chỗ đứng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, mọi người đã ăn xong, nhiều người cố tìm chỗ nghỉ ngơi. Anh Bhatia và một hành khách khác là anh Moti Sheik (30 tuổi), đều cho biết họ nghe một tiếng động đột ngột, lớn và dữ dội, sau đó cảm thấy đoàn tàu bắt đầu lùi lại. Họ nghĩ tàu phanh gấp, nhưng sau đó nó bắt đầu lật. "Khi tai nạn xảy ra, chúng tôi tưởng mình đã chết. Khi nhận ra mình còn sống, chúng tôi bắt đầu tìm đường đến cửa sổ khẩn cấp để ra khỏi tàu" - anh Bhatia nói vơi Reuters qua điện thoại hôm 3-6. Anh cho biết khi ra bên ngoài, anh đã nhìn thấy khung cảnh hỗn loạn, nhiều người chết, nhiều người cố gắng cứu nạn hoặc tìm kiếm người thân. Sự trợ giúp từ chính quyền bắt đầu khoảng 20 phút sau đó. Vụ tai nạn xảy ra với 3 đoàn tàu tại Ấn Độ cho đến nay đã khiến 290 người thiệt mạng. Các báo cáo ước tính số người bị thương nằm trong khoảng 800-1.000 người. Tàu 12841 Coromandel Express có số nạn nhân lớn nhất. |
Reuters hôm 3/6 dẫn lời Giám đốc truyền thông Cơ quan Đường sắt Đông Nam Ấn Độ cho biết, theo thông tin ban đầu, tàu tốc hành tuyến Bengaluru - Howrah được cho là gây ra chuỗi...
Nguồn: [Link nguồn]