Thái Lan “vỡ mộng” với thương vụ tàu ngầm mua của Trung Quốc
Thương vụ mua tàu ngầm Trung Quốc của Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi Đức từ chối cung cấp các động cơ trang bị cho tàu ngầm này.
Tàu ngầm 039G của Trung Quốc, neo ở Hong Kong. Tàu ngầm S26T mà Thái Lan đặt mua từ Trung Quốc dựa trên nguyên mẫu 039A Type.
“Liệu chúng ta có cần một tàu ngầm không có động cơ?”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói vào tuần trước, ám chỉ rằng chính phủ Thái Lan có thể ngừng mua tàu ngầm nếu phía Trung Quốc không thực hiện đúng theo hợp đồng ký kết.
Năm 2017, chính phủ Thái Lan ký hợp đồng mua tàu ngầm Trung Quốc với giá 403 triệu USD. Đơn hàng dự kiến được giao vào năm 2023.
Thái Lan cũng có kế hoạch mua thêm 2 chiếc khác vào năm 2020, nhưng sau đó phải hủy bỏ trước sự phản đối của dư luận, do công chúng muốn chính phủ ưu tiên hơn cho kế hoạch tái thiết kinh tế.
Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSOC, đơn vị chịu trách nhiệm đóng tàu ngầm cho Thái Lan, có kế hoạch sử dụng động cơ mua từ Đức.
Hồi tháng 2, truyền thông Thái Lan tiết lộ, Đức đã từ chối cung cấp động cơ cho Trung Quốc và CSOC đã phải tạm dừng đóng tàu ngầm.
Đại sứ quán Đức ở Thái Lan khi đó ra thông báo giải thích rằng Trung Quốc không nói với Đức là mua động cơ để trang bị cho tàu ngầm.
Theo truyền thông Thái Lan, Trung Quốc đề xuất Thái Lan chấp nhận sử dụng động cơ Trung Quốc cho tàu ngầm hoặc nhận một tàu ngầm khác đã qua sử dụng. Năm ngoái, Trung Quốc đã cho không Myanmar một tàu ngầm loại cũ.
“Trung Quốc chưa chính thức thông báo với chúng tôi về giải pháp thay thế”, phát ngôn viên hải quân Thái Lan nói trên tạp chí Nikkei Asia ngày 12.4. “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc giao tàu ngầm sử dụng động cơ của Đức như hợp đồng ký kết”.
Người dân Thái Lan phản đối chính phủ có kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm Trung Quốc vào năm 2020.
Thái Lan có kế hoạch triệu đại diện công ty đóng tàu CSOC đến Bangkok để thảo luận về vấn đề và mong muốn đạt thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng này.
Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị vũ khí cho Trung Quốc kể từ năm 1989. Trung Quốc vẫn có thể mua các động cơ từ châu Âu với mục đích dân sự. Nhưng việc Trung Quốc bán tàu ngầm cho Thái Lan đã khiến phía đối tác Đức nghi ngờ và thông báo ngừng hợp tác.
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan chịu nhiều sự chỉ trích của phương Tây, từ đó quay sang hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc.
Các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia đều có tàu ngầm, nhưng Thái Lan thì không. Chính phủ Thái Lan cho rằng mua tàu ngầm của Trung Quốc là phù hợp nhất, cũng như cần thiết cho an ninh quốc gia.
Paul Chambers, một học giả về các vấn đề quân sự tại Đại học Naresuan ở Thái Lan, nói Bangkok ký hợp đồng mua tàu ngầm với Bắc Kinh nhằm thể hiện rằng nước này không phụ thuộc vào phương Tây.
Thái Lan đã thúc đẩy nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc trong giai đoạn năm 2014-2018, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 5 năm trước, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ở Thụy Điển.
“Thỏa thuận tàu ngầm gặp trục trặc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ mua sắm khí tài quân sự giữa Thái Lan và Trung Quốc”, ông Chambers nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Các vận tải cơ cỡ lớn của Trung Quốc đã có 12 chuyến bay tới Serbia vào cuối tuần, chia làm hai đợt, để chuyển giao cho quốc gia châu Âu 3 hệ thống phòng không tầm trung FK-3,...