Thái Lan: Thêm 122 ca nhiễm Covid-19, hàng loạt ca không rõ nguồn gốc
Thái Lan ngày 23.3 thông báo nước này có tổng cộng 721 ca nhiễm Covid-19, cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Thái Lan phát biểu tại cuộc họp báo, cho biết 20 ca nhiễm mới có liên quan đến các ca trước đó, 10 ca có nguồn gốc từ nước ngoài và điều đáng lo ngại là 92 ca dương tính không rõ nhiễm virus từ đâu, theo Bangkok Post.
Phát ngôn viên Taweesin Wisanuyothin nói Bộ Y tế Thái Lan đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu xem bằng cách nào 92 người trên đã nhiễm virus Corona.
Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận thêm 122 ca nhiễm mới tính đến ngày 23.3, nâng tổng số người nhiễm lên tới 721. Hiện Thái Lan chỉ xếp sau Malaysia (1.304 ca nhiễm) ở khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan hiện có 1 ca tử vong duy nhất kể từ khi ghi nhận dịch bệnh lây lan tới nước này. 52 bệnh nhân hồi phục và được cho ra viện. 668 người khác hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Một bà mẹ Thái Lan bế theo con nhỏ tại bến xe buýt hôm 22.3.
Theo Bangkok Post, sự gia tăng nhanh chóng đối với các trường hợp dương tính không nhất thiết liên quan đến tốc độ lây nhiễm ở Thái Lan mà phản ánh việc chính phủ nước này mở rộng xét nghiệm đối với những người có nguy cơ lây nhiễm.
Chính phủ Thái Lan hiện đã ra lệnh phong tỏa một phần thủ đô Bangkok, trước những quan ngại rằng số người nhiễm Covid-19 sẽ vượt mốc 1.000 trong tuần này.
Trạm xe buýt Mor Chit ở quận Chatuchak ghi nhận khoảng 80.000 hành khách là người lao động rời Bangkok khi còn có thể. Các nhân viên cố gắng hạn chế nguy cơ lây nhiễm cộng đồng nhất có thể bằng cách yêu cầu mọi hành khách đeo khẩu trang.
Cư dân Bangkok và các tỉnh lân cận được khuyến cáo làm việc tại nhà, nhiều cửa hàng, khu trung tâm mua sắm đóng cửa, dẫn đến lo lắng rằng sớm muộn thủ đô Thái Lan cũng sẽ bị phong tỏa toàn diện.
Nhiều người lao động tranh thủ quãng thời gian để lên chuyến xe về quê hương. Số khác muốn sang các tỉnh vẫn chưa bị phong tỏa để tìm kiếm việc làm.
Một số người Thái Lan quyết định ở lại thủ đô vì không muốn làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người thân ở quê nhà. Giáo viên Pawida Sae-Ho nói cô quyết định ở lại, không về quê sau khi được chính quyền khuyên mọi người nên ở nhà. “Tôi đã thay đổi ý định và cảm thấy ở lại trong quãng thời gian này là cách tốt nhất”, Pawida nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ Italia cho thấy, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của các nước cần phải được...
Nguồn: [Link nguồn]