Thái Lan lâm vào rối ren chính trị mới

Sự kiện: Tin tức Thái Lan

Với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 24-8 đã ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong khi chờ đợi phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ. Lệnh trên của Tòa án Hiến pháp được đưa ra sau khi chấp nhận đơn yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm làm thủ tướng của ông Prayut do phe đối lập đệ trình.

Theo hàng ngũ kế nhiệm của nội các, Phó Thủ tướng thứ nhất Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là một chính trị gia lâu năm, sẽ tạm thời giữ chức thủ tướng thay ông Prayut, bắt đầu từ ngày 24-8.

Uy tín sụt giảm nghiêm trọng

Sự bất bình âm ỉ đã bùng lên trong nền chính trị-xã hội Thái Lan vào nửa cuối năm 2021. Các cuộc biểu tình và sự giận dữ đối với Chính phủ Thái Lan leo thang do việc xử lý không thỏa đáng đối với đại dịch COVID-19, việc triển khai tiêm vaccine chậm và sự thất vọng của người dân về tình trạng hoạt động kinh doanh gián đoạn, thu nhập giảm sút do các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.

Mặc dù Thái Lan đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn vào năm 2021, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng mạnh kể từ tháng 4-2021 với trung bình 13.000 ca mỗi ngày, dẫn tới một cuộc biểu tình lớn vào ngày 24-6-2021 kêu gọi ông Prayut từ chức.

Những người biểu tình Thái Lan cũng tiếp tục hối thúc sửa đổi hiến pháp, yêu cầu khẩn trương đưa ra lịch trình cho các cuộc bầu cử mới và cải cách chế độ quân chủ. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy uy tín của ông Prayut sụt giảm một phần do việc xử lý dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng. Theo kết quả được công bố ngày 22-8, hơn 93% trong tổng số 374.063 người được khảo sát bởi một mạng lưới học giả từ 8 trường đại học Thái Lan cho biết “ông Prayut không nên tại vị quá 8 năm”. Cuối tuần qua, hơn 38 tổ chức cũng lên tiếng đòi ông Prayut từ chức. Theo các nhóm này, sau ngày 24-8, dù ông Prayut có từ chức hay không và phán quyết của tòa thế nào thì ông “cũng không còn được công nhận là thủ tướng”.

Ông Prayut sau khi dự cuộc họp nội các hôm 23-8, một ngày trước khi bị tòa hiến pháp tuyên bố đình chỉ chức vụ. Ảnh Reuters

Ông Prayut sau khi dự cuộc họp nội các hôm 23-8, một ngày trước khi bị tòa hiến pháp tuyên bố đình chỉ chức vụ. Ảnh Reuters

Trước đó, ngày 17-8, phe đối lập đã chính thức kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ 8 năm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và đề nghị tòa tạm thời đình chỉ chức vụ thủ tướng của ông nhằm ngăn chặn những phức tạp pháp lý và thiệt hại phát sinh trước khi tòa ra phán quyết cuối cùng. Kiến nghị này do 171 hạ nghị sĩ đối lập ký, được thủ lĩnh đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Cholnan Srikaew trình lên tòa án thông qua Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai.

Tranh cãi về nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut

Phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ tối đa 8 năm của Thủ tướng Prayut phải hết hạn vào ngày 24-8. Họ cho rằng ông đã phục vụ 2 nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp trên cương vị thủ tướng kể từ khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (hiện cơ quan này đã giải thể) năm 2014. Đơn kiến nghị của phe đối lập đã được chuyển từ Hạ viện lên Tòa án Hiến pháp hôm 22-8.

Phe đối lập và những người chỉ trích chính phủ nhấn mạnh rằng nhiệm kỳ của ông Prayut bắt đầu vào ngày 24-8-2014, khi ông được bổ nhiệm làm thủ tướng lần đầu tiên sau cuộc đảo chính vài tháng trước đó.

Theo lập luận của họ, vì hiến pháp hiện hành áp đặt giới hạn nhiệm kỳ 8 năm đối với thủ tướng, ông Prayut lẽ ra đã mãn nhiệm vào nửa đêm ngày 23-8. Tuy nhiên, một trường phái khác khẳng định rằng hiến pháp, được ban hành vào năm 2017, không có hiệu lực hồi tố. Vì vậy, họ nhấn mạnh rằng nhiệm kỳ của ông Prayut bắt đầu vào năm 2017, chứ không phải năm 2014. Điều đó có nghĩa là ông Prayut có thể tiếp tục phục vụ nhiệm kỳ hiện tại và thậm chí giữ chức thủ tướng ít nhất 2 năm nữa sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo - miễn là ông được bổ nhiệm lại.

Một lập luận khác được đưa ra từ những người ủng hộ Đại tướng Prayut, cho rằng ông chỉ được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2019 sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 năm đó và đó là khi nhiệm kỳ hiện tại của ông bắt đầu.

3 lập luận trên đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia chính trị và pháp lý trong  nhiều tuần qua. Nhưng, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Tòa án Hiến pháp. Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017 quy định một chính trị gia chỉ có thể làm Thủ tướng Thái Lan trong 2 nhiệm kỳ (tức 8 năm), bất kể là 2 nhiệm liên tiếp hay ngắt quãng. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế thời gian nắm quyền thủ tướng của một chính trị gia, qua đó ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền có thể dẫn đến xung đột, bất ổn trong xã hội.

Không kịch bản nào tốt cho ông Prayut

Nếu cuối cùng phán quyết của tòa án có lợi cho ông Prayut thì ông có thể trở lại công việc của mình hoặc tiếp tục giữ chức thủ tướng. Nhưng, trong kịch bản này, tương lai chính trị lâu dài của ông phụ thuộc vào thời điểm tòa án quy định nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ năm 2017 hay năm 2019. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng phán quyết đó sẽ được những người chỉ trích ông Prayut chấp nhận, đặc biệt là khi họ đã gọi ông là “thủ tướng bất hợp pháp”.

Ngoài ra, nó sẽ có nguy cơ thúc đẩy một phong trào phản đối lâu nay vẫn luôn tìm cách lật đổ ông và khơi lại những rạn nứt sâu sắc ở Thái Lan, nơi từng rung chuyển bởi những hỗn loạn chính trị lặp đi lặp lại kể từ khi cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006. Sau chính biến năm đó, ông Thaksin - tỷ phú viễn thông với tư tưởng dân túy đe dọa cấu trúc quyền lực truyền thống, vẫn là trung tâm của nền chính trị Thái Lan, khi những người ủng hộ và phản đối của ông tranh giành quyền lực tại cả hòm phiếu và trên đường phố. Cuối cùng, gia đình ông Thaksin bị phế truất quyền lực là khi ông Prayut Chan-o-cha lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ em gái ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra vào năm 2014.

Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp quyết định rằng nhiệm kỳ làm thủ tướng 8 năm của ông Prayut đã hết, nhưng đừng quên thực tế là ông Prayut cũng kiêm luôn chức Bộ trưởng Quốc phòng, điều đó có nghĩa là ông sẽ vẫn ở trong nội các. Trong kịch bản này, người tạm thời tiếp quản chức vụ thủ tướng là ông Prawit Wongsuwan sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong phần còn lại của nhiệm kỳ chính trị hiện tại, kết thúc vào tháng 3 năm sau khi các cuộc tổng tuyển cử mới dự kiến được tổ chức.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha: Từ quyền lực không thể lung lay đến cú phanh đột ngột

Trong 8 năm, dường như không có gì có thể làm lung lay quyền lực của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 rồi vượt qua một cuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN