Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ đơn phương phát động sứ mệnh quân sự ở Mexico?
Nạn buôn lậu ma túy từ Mexico sang Mỹ chưa có chiều hướng giảm, cũng như mối đe dọa mà các băng đảng ma túy Mỹ tạo ra với người dân Mỹ qua vụ bắt cóc, sát hại gần đây đã khiến một số nghị sĩ Mỹ cảm thấy Washington cần phải hành động một cách cứng rắn hơn.
Các nghị sĩ Mỹ đang ngày càng mất kiên nhẫn trước những tác động tiêu cực mà các băng đảng ma túy Mexico gây ra cho người dân Mỹ.
Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa gồm Dan Crenshaw và Michael Waltz đã đệ trình dự luật cho phép quân đội Mỹ sử dụng vũ lực nhằm vào các băng đảng ma túy Mexico. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr đã đưa ra quan điểm đồng tình.
Gần đây, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham ủng hộ giải pháp đưa quân đội sang Mexico truy quét các băng đảng ma túy.
"Tôi sẽ đệ trình dự luật coi các băng đảng Mexico là tổ chức khủng bố và tạo tiền đề để Mỹ sử dụng vũ lực chống khủng bố nếu cần thiết nhằm bảo vệ người Mỹ khỏi những thứ độc hại xuất phát từ Mexico", ông Graham nói.
Ông Graham cũng gửi thông điệp cảnh báo Mexico: "Nếu Mexico tiếp tục chứa chấp các băng đảng ma túy thì họ cũng sẽ là kẻ thù của Mỹ. Nếu Mexico không dẹp được các băng đảng ma túy thì Mỹ sẽ ra tay dẹp bỏ hộ quốc gia láng giềng".
"Chúng ta cần triệt hạ các băng đảng ma túy Mexico. Nếu chính phủ Mexico không hưởng ứng thì hãy đứng sang một bên để chúng ta tự làm điều đó", cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr nói, theo New York Post.
Câu hỏi đặt ra là, lựa chọn quân sự có phải giải pháp khả thi và nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể áp dụng chiến lược nào?
Tờ Washington Examiner nhận định, chính phủ Mexico khó có thể tập trung chống băng đảng ma túy do tình trạng tham nhũng tràn lan. Nếu không có sư can thiệp của Mỹ, các băng đảng sẽ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Mỹ có thể áp dụng cách đối phó với băng đảng ma túy ở Mexico như cách săn lùng các trùm khủng bố ở Iraq và Afghansitan.
Mỹ hiện cung cấp khoản tiền lớn một cách thường xuyên để chính phủ Mexico truy lùng băng đảng ma túy và đôi lúc cũng có một số trùm ma túy bị bắt. Báo Mỹ cho rằng đó chỉ là "vở kịch" mà chính phủ Mexico và một số băng đảng ma túy tạo ra.
Nhưng can thiệp quân sự vào Mexico, phát động chiến tranh với băng đảng ma túy là điều hết sức phức tạp, phức tạp hơn nhiều so với nỗ lực chống ma túy của Mỹ ở Colombia vào những năm 1980 và 1990.
Báo Mỹ cho biết, giới lãnh đạo chính trị và an ninh Mexico không có ý chí chống ma túy mạnh mẽ như cách Colombia từng làm. Đó là rào cản đầu tiên. Lực lượng an ninh Mexico có thể bí mật tuồn thông tin cho băng đảng, khiến các hoạt động quân sự của Mỹ gặp khó khăn.
Ngoài ra, Mỹ chỉ phải đối phó hai băng đảng chính ở Colombia, gồm Medellin và Cali. Nhưng ở Mexico, có tới 6 băng đảng quyền lực. Điều đó có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ phải huy động một lượng lớn nhân lực, ít nhất hàng ngàn quân nhân để đối phó một cách hiệu quả.
Theo tờ Washington Examniner, một khi binh sĩ Mỹ tiến vào Mexico, các băng đảng sẽ chống trả quyết liệt. Các băng đảng như Jalisco New Generation (CJNG) hay Sinaloa cũng có chân rết ở Mỹ, có thể gieo rắc bạo lực ngay trên đất Mỹ để đáp trả.
Nếu Mỹ áp dụng chiến lược như cách săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden giai đoạn 2006 - 2009, chủ yếu tập trung vào không kích thì đây sẽ là cuộc chiến kéo dài và tốn kém, cũng chưa chắc hiệu quả vì các băng đảng thường nhận được sự bảo vệ của người dân địa phương.
Giải pháp tốt hơn cả có lẽ là Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn sứ mệnh bí mật, báo Mỹ nhận định. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ và đặc vụ CIA có thể âm thầm hoạt động ở Mexico, tiêu diệt những tay trùm ma túy cấp cao và sau đó đổ lỗi cho các băng đảng đối địch nhằm tạo sự nghi ngờ lẫn nhau, kích động xung đột nội bộ.
Rủi ro của giải pháp này là các đặc vụ, đặc nhiệm Mỹ phải hoạt động trong môi trường có rủi ro cao mà có thể không nhận được sự hỗ trợ toàn diện và kịp thời so với việc triển khai quân đội.
Vụ bắt cóc 4 công dân Mỹ do một băng đảng ma túy ở Mexico thực hiện khiến quan hệ giữa 2 nước láng giềng trở nên căng thẳng.
Nguồn: [Link nguồn]